Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Muốn tìm "rể ngoại" tốt cho ngân hàng, chỉ đẹp thôi đã đủ?
Như Loan - 14/04/2023 11:48
 
Cổ đông nước ngoài được ví như “chàng rể” với ngân hàng đang tìm vốn ngoại. Nhưng chọn được "rể" tốt xem ra chưa bao giờ là việc dễ dàng với các ngân hàng Việt.
f
Các ngân hàng nước ngoài rất khắt khe trong lựa chọn đối tác

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông một ngân hàng SHB đầu tuần này, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển đã khẳng định tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài là một trong những ưu tiên lớn của ngân hàng trong những năm qua. Đây sẽ tiếp tục là một mục tiêu lớn của SHB trong năm nay nhằm tăng vốn và từ đó mở rộng hoạt động kinh doanh. Trao đổi với các cổ đông, ông Hiển ví SHB như một “cô gái đẹp” và tiết lộ rằng có nhiều “chàng trai" (nhà đầu tư nước ngoài) từ các quốc gia khác muốn kết hôn.

Người đứng đầu SHB chia sẻ, ngân hàng muốn ưu tiên các chàng trai thủy chung, cùng tham gia quản trị, điều hành và gắn bó lâu dài. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng, các “chàng rể” đến tìm hiểu SHB là những nhà đầu tư có mục đích ngắn và trung hạn. Điều này buộc ngân hàng phải chuyển chiến lược tuyển rể, chấp nhận cả nhà đầu tư ngoại ngắn hạn và trung hạn.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm, lãi suất huy động dù có xu hướng hạ nhưng vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp giảm hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là nguồn tăng vốn quan trọng với các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và đảm bảo an toàn vốn. Tuy nhiên, sự thay đổi chiến lược của SHB cho thấy, tìm nhà đầu tư nước ngoài thì dễ, nhưng tìm một nhà đầu tư tốt có thể đồng hành cùng nhau một chặng đường dài thì không dễ.

Các ngân hàng nước ngoài đến Việt Nam là những ngân hàng có tiềm lực về vốn, năng lực quản trị rủi ro hàng đầu thế giới và có kinh nghiệm hoạt động ở nhiều phân khúc, thị trường khác nhau. Vị thế này cũng khiến họ rất khắt khe trong lựa chọn đối tác. Lấy hai ngân hàng lớn từ Nhật Bản là Mizuho và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ làm ví dụ. Khi quyết định rót vốn vào Việt Nam, Mizuho và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ đã lần lượt lựa chọn Vietcombank và Vietinbank để đầu tư. BIDV, một ngân hàng quốc doanh khác, cũng đã dễ dàng “chốt deal” bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ngân hàng KEB Hana Bank đến từ Hàn Quốc.

Ba tuần trước, ngày 27/3/2023, hệ thống ngân hàng Việt Nam chứng kiến một sự kiện quan trọng, khi Ngân hàng SMBC – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản – ký thỏa thuận rót 1,5 tỷ USD vào VPBank để nắm giữ 15% vốn điều lệ tại ngân hàng xanh lá này. Với thỏa thuận này, VPBank và SMFG đã phá vỡ kỷ lục thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường tài chính Việt Nam do chính hai bên tạo nên năm 2021 (năm 2021, VPBank đã bán 49% cổ phần tại FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC thuộc SMFG).

Cả bốn trường hợp trên đều có một điểm chung, các ngân hàng nội kén được “rể tốt” đều là những ngân hàng quy mô lớn, có nền tảng vốn vững chắc và có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.  

 Trong khi Vietcombank, Vietinbank và BIDV là những ngân hàng quốc doanh thuộc nhóm Big4, VPBank là ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất (hơn 67 nghìn tỷ đồng), vốn chủ sở hữu (hơn 103 nghìn tỷ đồng) đứng thứ 5 toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm cuối năm 2022. Liên tiếp trong nhiều năm, VPBank luôn nằm trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.

“Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, khoản đầu tư của SMBC vào VPBank với giá cao hơn giá thị trường ~ 50% là một dấu hiệu tích cực cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của VPBank nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong trung – dài hạn,” Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận xét về mối lương duyên VPBank-SMBC trong một bản phân tích.

Trong buổi lễ ký kết giữa VPBank và SMBC, phát biểu qua cầu truyền hình trực tuyến từ Nhật Bản, ông Jun Ohta - Chủ tịch kiêm CEO của SMFG – chia sẻ, ông cùng đoàn công tác trong chuyến viếng thăm trụ sở của VPBank hồi tháng 9 năm ngoái đã tận mắt chứng kiến các hoạt động thường nhật tại VPBank, chứng kiến sự phát triển vững chắc của VPBank trong mảng bán lẻ và SME tại trị trường nội địa. Đầu tư vào VPBank, theo đó, là lựa chọn lý tưởng cho SMBC trong chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

“Mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai, SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank hoàn thành mục tiêu này”, vị chủ tịch của SMFG nhấn mạnh.

Thực tế, niềm tin SMFG đặt vào VPBank không phải có được trong ngắn hạn, mà được gây dựng trong cả một quá trình hợp tác lâu dài. Trước khi đi đến thỏa thuận đầu tư chiến lược, VPBank và SMFG không chỉ có sự hợp tác trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Trong năm 2022, hai bên đã ký với nhau một Thỏa thuận Hợp tác Kinh doanh. Ngân hàng SMBC cũng giúp VPBank thu xếp nhiều khoản huy động vốn thành công từ thị trường quốc tế.

“Tất cả sự hợp tác đó đều nói lên một điều rằng, giữa hai định chế tài chính đã có sự thấu hiểu, đồng thuận với nhau. Với sự đồng thuận, thấu hiểu lẫn nhau đó, chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng sẽ cùng nhau đưa VPBank vươn lên một tầm vóc mới, đạt được những mục tiêu rất tham vọng trong tương lai,” ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, nhấn mạnh.

Như vậy có thể thấy, để chọn được rể tốt các ngân hàng nội chỉ đẹp về diện mạo (đẹp bảng cân đối tài chính) thôi là chưa đủ. Điều quan trọng hơn là phải tạo được niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài từ sức mạnh nội tại, một chiến lược phát triển đầy tham vọng và vị thế của một trong những ngân hàng lớn.

Trước mắt, cổ đông chiến lược SMBC sẽ giúp VPBank có đủ sức mạnh tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô rất lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Về dài hạn, SMBC sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng cách chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm mà tập đoàn này đã tích lũy được trong nhiều năm qua ở nhiều thị trường châu Á.

VPBank ký kết thỏa thuận bán 15% vốn cho SMBC, thu về 1,5 tỷ USD
Ngân hàng TMCP VPBank vừa ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - Nhật Bản....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư