Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Muốn xuất khẩu sang thị trường khó tính, logistics cũng phải xanh
T.Tín - 10/10/2024 22:26
 
Trước bối cảnh “xanh hóa”, việc phát triển logistics xanh là vấn đề cấp bách với các doanh nghiệp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu. Ông Carlos Zepeda, chuyên gia kinh tế hàng hải cao cấp cho biết, tăng trưởng sản xuất và nhu cầu đầu vào liên quan đã thúc đẩy thương mại hàng hải của Việt Nam trong 20 năm qua.

Các liên kết với chuỗi giá trị khu vực cùng với chi phí lao động thấp biến Việt Nam thành cơ sở xuất khẩu cho nhiều công ty đa quốc gia. Đây là nền tảng thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển.

“Với tốc độ tăng trưởng sản xuất như hiện nay, dự báo khối lượng thương mại container giữa Việt Nam và châu Âu có thể tăng gấp đôi vào năm 2050”, ông Carlos Zepeda khẳng định.

Bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, sau 4 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đem lại hiệu quả vượt trội, giúp doanh nghiệp Việt Nam và EU duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu trong thời kỳ đầy biến động.

“Trong thành tích này, không thể không nhắc đến vai trò vận chuyển, đảm bảo hàng hóa của ngành logistics, song xuất nhập khẩu hàng hóa sang các nước EU vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức”, bà Linh nhận xét.

Theo bà Linh, ngoài Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý việc EU yêu cầu kiểm soát phát thải đối với vận tải hàng hải. Điều này có thể làm gia tăng chi phí logistics quốc tế.

Bà Phương Nguyễn, Giám đốc Công ty cổ phần Tona Syntegra Solar thông tin, lĩnh vực công nghiệp hiện tiêu thụ đến 54% tổng năng lượng sử dụng tại Việt Nam; trong đó riêng ngành vận tải chiếm 20% tổng mức sử dụng năng lượng. Do vậy, để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đồng thời thích ứng với những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường tiêu thụ khó tính, bà Phương cho rằng, phải có lộ trình chuyển đổi cho ngành logistics. Lộ trình này cần ưu tiên theo quy trình: tối ưu hiệu quả năng lượng, lựa chọn vận chuyển hiệu quả, có giám sát và quản lý năng lượng - sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo - phương tiện phát thải thấp và cuối cùng là bù carbon thông qua các tín chỉ.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ từ thực tế đơn vị mình. Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường giảm, khiến lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng cũng sụt giảm đáng kể. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU biến động liên tục. Biến động giá cước cũng ảnh hưởng đến hoạt động của cảng.

Trong bối cảnh các thị trường phát triển đòi hỏi tiêu chuẩn xanh về chuỗi cung ứng, hệ thống cảng của Tân Cảng Sài Gòn đã chủ động chuyển đổi sang dùng năng lượng mặt trời; ứng dụng tự động hóa nhằm tối ưu quy trình giao nhận hàng hóa; chuyển phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

“Đến nay, Tân Cảng có 2 cảng là Cát Lái và Cái Mép đạt tiêu chuẩn cảng xanh châu Á. Tân Cảng Sài Gòn cũng tích cực mở rộng hợp tác với các hãng tàu, cảng quốc tế trong việc xanh hóa chuỗi logistics để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU”, ông Lộc nói.

Bà Catherine Trần, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leong Lee International nhìn nhận, mục tiêu của Việt Nam là giảm khí thải nhà kính xuống 43,5% vào năm 2030; năm 2040 sẽ ngưng hoạt động các nhà máy nhiệt điện và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần tích hợp giải pháp bền vững cho cả hoạt động sản xuất và logistics. Bởi khí thải carbon của một doanh nghiệp nhiều khi phát sinh chủ yếu từ các hoạt động bên ngoài công ty, thông qua nhà cung cấp và giao nguyên vật liệu, máy móc, sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sản phẩm của họ.

Theo đó, doanh nghiệp cần tính toán CO2 và đo lường khí thải, có phương án cân bằng cho toàn chuỗi từ nhà máy, khu công nghiệp đến cảng… Một trong những giải pháp phổ biến hiện nay là chuyển đổi nguồn cung năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ, phương tiện dùng nhiên liệu xanh.

Hội nghị Logistics Việt Nam năm 2024

Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá" do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào ngày 31/10/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (82 - Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM).

Với sự tham dự của hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế, Hội nghị sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu những vấn đề cấp bách nhất của ngành, như các thách thức và xu hướng mới, hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới.

Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin của Hội nghị được cập nhật thường xuyên tại: https://logsummit.vir.com.vn/.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tại thị trường Âu - Mỹ
Thị trường Âu - Mỹ là 2 thị trường lớn nhất về xuất khẩu của Việt Nam, và đây cũng là thị trường lớn nhất của ngành logistics.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư