Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Mỹ áp thuế đối ứng toàn cầu, giá dầu thô xuống mức thấp nhất trong 4 năm
Đông Phong - 09/04/2025 15:37
 
Giá dầu trong ngày giao dịch 9/4 đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 do thị trường lo ngại cuộc chiến thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với triển vọng nguồn cung tăng.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,39 USD, tương đương 2,21%, xuống còn 61,43 USD/thùng vào lúc 06:55 giờ GMT. Tương tự, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ giảm 1,50 USD, tương đương 2,52%, xuống còn 58,08 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu thô này đều giảm tới 4% trước khi thu hẹp mức giảm.

Dầu thô Brent và WTI đã giảm liên tiếp trong 5 phiên kể từ khi Mỹ công bố kế hoạch thuế quan “có đi có lại” đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ vào ngày 2/4. Ảnh: AFP
Dầu thô Brent và WTI đã giảm liên tiếp trong 5 phiên kể từ khi Mỹ công bố kế hoạch thuế quan “có đi có lại” đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ vào ngày 2/4. Ảnh: AFP

Đến thời điểm này, cả dầu Brent và WTI đều đã giảm liên tiếp trong 5 phiên giao dịch kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan "có đi có lại" đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ vào ngày 2/4, một động thái làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Phí bảo hiểm của hợp đồng tương lai dầu Brent so với hợp đồng 6 tháng sau đó đã giảm xuống còn 98 cent một thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái. Mức phí bảo hiểm đó đã giảm từ 3,53 USD vào ngày 2/4 - thời điểm Tổng thống Trump công bố thuế đối ứng và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang.

Trong động thái leo thang chiến tranh thương mại, Mỹ đã chính thức áp dụng mức thuế lên tới 104% đối với hàng hóa Trung Quốc từ 00:01 ngày 9/4, theo giờ miền Đông Bắc Mỹ, tăng thêm 50% so với công bố trước đó của Nhà Trắng.

Bắc Kinh tuyên bố sẽ không khuất phục trước cái mà họ gọi là "sự hăm dọa" của Mỹ sau khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thêm 50% thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc nếu Bắc Kinh không dỡ bỏ mức thuế trả đũa 34%.

"Sự trả đũa quyết liệt của Trung Quốc làm giảm cơ hội đạt được thỏa thuận nhanh chóng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu", bà Ye Lin, Phó chủ tịch phụ trách thị trường hàng hóa dầu mỏ tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, đánh giá.

"Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ từ 50.000 thùng/ngày đến 100.000 thùng/ngày của Trung Quốc đang gặp rủi ro nếu chiến tranh thương mại kéo dài hơn, tuy nhiên, một biện pháp kích thích mạnh hơn để thúc đẩy tiêu dùng trong nước có thể làm giảm bớt tổn thất", bà Lin nhận định.

Tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, gọi chung là liên minh OPEC+, đã có động thái làm trầm trọng thêm sự suy giảm của giá dầu, sau khi liên minh này quyết định tăng sản lượng tháng 5 thêm 411.000 thùng/ngày, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng dư cung.

Goldman Sachs hiện dự báo giá dầu Brent và WTI có thể giảm xuống còn 62 USD và 58 USD/thùng vào tháng 12/2025 và tiếp tục giảm còn 55 USD và 51 USD/thùng vào một năm sau đó.

Trong khi giá dầu Brent và WTI giảm liên tiếp kể từ ngày 2/4, giá dầu ESPO Blend của Nga đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức giá trần của phương Tây là 60 USD/thùng vào ngày 7/4.

Trong một dấu hiệu tích cực cho phía cầu, Viện Dầu khí Mỹ cho biết lượng dầu thô tồn kho của nước này đã giảm 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/4, thấp hơn mức kỳ vọng 1,4 triệu thùng trong cuộc thăm dò của Reuters.

Giá dầu thế giới năm 2025 tiếp tục chịu sức ép
Giá dầu thế giới có 4 tuần tăng liên tiếp trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư