Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Mỹ công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng
Lê Quân - 24/05/2022 15:07
 
Mỹ vừa công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) với các đối tác châu Á, trong đó có Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bìa trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự Lễ công bố khởi động thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 23/5/2022.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bìa trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự Lễ công bố khởi động thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 23/5/2022.

Theo đài CNBC, Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF được công bố hôm 23/5 là thỏa thuận nhằm tăng cường vị thế kinh tế của Mỹ và gia tăng đối trọng Trung Quốc. Đây là kế hoạch hợp tác nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhóm các quốc gia tham gia Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF muốn thiết lập các quy tắc quốc tế về kinh tế số, chuỗi cung ứng, khử các-bon, và quy định áp dụng đối với người lao động.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chống lạm phát là một ưu tiên và Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF hướng đến cắt giảm chi phí và tăng cường sức chống chịu của các chuỗi cung ứng trong dài hạn.

Điều quan trọng là Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF không phải một thỏa thuận thương mại và động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Biden đang đối mặt với sức ép chính trị từ cả cánh tả và cánh hữu ở Mỹ về việc tránh thiết lập các thỏa thuận thương mại tự do.

Theo Cố vấn Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF không phải là một thỏa thuận an ninh và nó độc lập với "Bộ tứ kim cương", gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Trong tuần này, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo khu vực trong Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF và Bộ tứ kim cương (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia).

Mặc dù tránh thiết lập các thỏa thuận thương mại tự do, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng ở châu Á, thì bằng Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF Mỹ muốn tăng cường vị thế của mình ở châu Á - nơi tập trung các đồng minh quan trọng và là những nền kinh tế mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ.

Theo ông Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, Mỹ cần "tăng cường sức cạnh tranh kinh tế của mình ở châu Á". "Mặc dù các quốc gia này (Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc - BTV) ngày càng nhận thức rõ ràng về chính sách ngoại giao và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, nhưng điều đó không đồng nghĩa họ có thể hoàn toàn tách biệt khỏi nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn", ông Ali Wyne đánh giá.

"Cho nên, chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải gia tăng hết tốc lực cho Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF", ông Ali Wyne nhận định.

Các quan chức Mỹ gần đây tỏ ra thận trọng khi tránh đề cập đến Trung Quốc trong các cuộc thảo luận về Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF và từ chối khẳng định thỏa thuận này chỉ dành cho một nhóm khép kín.

Đài CNBC dẫn bình luận gần đây của Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cho biết "mục đích của chuyến công du đến Hàn Quốc và Nhật Bản của ông Biden là cố gắng tạo ảnh hưởng chính trị mới, đối trọng với Trung Quốc, bằng cách thiết lập một liên minh xung quanh Washington ở Châu Á - Thái Bình Dương".

Trong khi đó, cố vấn Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với báo giới vào cuối tuần qua rằng ông không ngạc nhiên với việc "Trung Quốc lo ngại về số lượng và sự đa dạng các quốc gia tỏ ra hứng thú và nhiệt tình tham gia Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF".

Trước khi nội dung chi tiết của Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF được công bố, bà Yuki Tatsumi, chuyên gia cao cấp tại Tổ chức tư vấn chính sách Stimson Center (Washington DC) cho rằng đây là một kế hoạch tham vọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nữ chuyên gia đánh giá Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF có điểm tương đồng với Hiệp định TPP mà Mỹ đã rút lui dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

"Bất luận các sáng kiến chính sách mới nào được thúc đẩy bên ngoài Washington, thì cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ ngày càng tăng", bà Tatsumi nói, đồng thời nhận định Khuôn khổ hợp tác kinh tế IPEF sẽ càng thúc đẩy xu hướng cạnh tranh này.

[Infographic] Mỹ - Trung Quốc nỗ lực tìm tiếng nói chung
Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc sau hơn 3 giờ thảo luận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư