Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Mỹ đánh thuế 25% với nhôm và thép, áp thuế quan "có đi có lại" với các nước
Đông Phong - 10/02/2025 09:46
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các thông báo chính thức với các chi tiết mức thuế quan bổ sung sẽ được đưa ra trong tuần này, theo đài CBS.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ hôm 9/2 tuyên bố ông sẽ công bố mức thuế quan “có đi có lại” đối với các nước trong tuần này, cũng như mức thuế chung 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu.

"Bất kỳ loại thép nào nhập khẩu vào Mỹ đều sẽ phải chịu mức thuế 25%", Tổng thống Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One vào ngày 9/2, đồng thời nói thêm rằng mức thuế tương tự cũng sẽ được áp dụng cho nhôm.

"Nhôm cũng vậy", Tổng thống Trump nói thêm, khi một phóng viên hỏi ông liệu nhôm cũng sẽ phải chịu mức thuế này hay không.

Ông Trump cho biết ông rất có thể sẽ đưa ra thông báo chính thức vào ngày 11 hoặc 12/2 về mức thuế quan có đi có lại đối với "mọi quốc gia", trong khi mức thuế quan đối với thép dự kiến được công bố vào ngày hôm nay 10/2. Tổng thống Trump cho biết mức thuế quan có đi có lại đối với các nước sẽ có hiệu lực "gần như ngay lập tức".

"Rất đơn giản là nếu họ tính phí chúng tôi, chúng tôi sẽ tính phí họ", ông Trump nói.

Không nêu tên các quốc gia cụ thể, ông Trump cho biết không phải tất cả các đối tác thương mại đều bị ảnh hưởng nếu ông hài lòng với các thỏa thuận hiện tại với họ.

"Nó sẽ không ảnh hưởng đến tất cả mọi người, vì có một số nơi chúng tôi áp dụng mức thuế tương tự, nhưng những quốc gia đang lợi dụng Mỹ, chúng tôi sẽ có hành động tương tự", Tổng thống Trump ám chỉ đến mức thuế quan có đi có lại.

Tác động đầy đủ của mức thuế quan có đi có lại vẫn chưa rõ ràng vì các quốc gia riêng lẻ có chính sách nhập khẩu khác nhau, điều này cũng có thể phức tạp do nhu cầu tuân thủ các quan hệ đối tác kinh tế khác của họ, chẳng hạn như Liên minh châu Âu. Nhưng mức thuế quan của Mỹ sau cùng có thể ảnh hưởng đến các đối tác thương mại lớn của họ như Canada, Mexico, Trung Quốc, EU và Nhật Bản.

Ông Trump thường coi mức thuế quan là khoản phí mà các quốc gia khác phải trả. Tuy nhiên, mức thuế quan thực tế được trả bởi các nhà nhập khẩu, các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Sau đó, các công ty thường chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá.

Nghiệp đoàn lao động ngành thép Mỹ USW trước đó đã kêu gọi ông Trump từ bỏ tuyên bố áp thuế 25% đối với Canada và Mexico.

"Việc chỉ trích các đồng minh quan trọng như Canada không phải là cách tiến về phía trước", đại diện Nghiệp đoàn USW nhận định.

Năm ngoái, Canada là nguồn cung cấp thép nhập khẩu lớn nhất cho Mỹ, tiếp theo là Brazil, Mexico và Hàn Quốc, theo cơ quan thống kê Mỹ.

Đầu tháng này, tức chỉ ít ngày sau khi trở lại nắm quyền Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico - hai đồng minh và cũng là đối tác thương mại thân cận của Mỹ. Sau đó, ông chủ Nhà Trắng hôm 3/2 quyết định hoãn áp dụng thuế quan đó trong một tháng sau khi hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Washington trong việc chống buôn lậu ma túy.

Cũng trong tháng này, Tổng thống Trump đã ban hành mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Trung Quốc phải áp dụng biện pháp trả đũa.

Cụ thể, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố áp dụng các loại thuế mới, trong đó áp mức 15% đối với một số loại than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng và mức 10% đối với các loại dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô phân khối lớn và xe bán tải. Các biện pháp thuế quan này của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 10/2.

Bộ Thương mại và Cơ quan hải quan Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có hiệu lực ngay lập tức đối với hơn hai chục sản phẩm kim loại và các công nghệ liên quan. Trong đó bao gồm vonfram, một loại khoáng sản quan trọng thường được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp và quốc phòng, cũng như tellurium có thể được dùng để chế tạo pin mặt trời. Trung Quốc là nhà sản xuất tinh quặng vonfram hàng đầu thế giới, chiếm hơn 80% sản lượng thế giới, theo ước tính của chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bổ sung hai công ty Mỹ, gồm: công ty công nghệ sinh học Illumina và nhà bán lẻ thời trang PVH Group (chủ sở hữu thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger) vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy, đồng thời cáo buộc hai công ty này "vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường thông thường".

Trong một tuyên bố riêng, Cơ quan Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành điều tra Google vì nghi ngờ tập đoàn công nghệ Mỹ vi phạm luật chống độc quyền.

Trung Quốc công bố biện pháp đáp trả khi thuế quan của Tổng thống Trump có hiệu lực
Trung Quốc hôm nay 4/2 đã công bố một loạt biện pháp kinh tế đáp trả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư