Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Mỹ, EU ra sức cứu nền kinh tế trước nguy cơ bị “san phẳng”
Lê Quân - 22/04/2020 23:03
 
Trước nguy cơ nền kinh tế bị “san phẳng” bởi dịch Covid-19, Thượng viện Mỹ đã thông qua một đạo luật về gói kích thích kinh tế mới còn các nhà lãnh đạo châu Âu đang cân nhắc gói hỗ trợ vay vốn khẩn cấp nhằm tránh tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích khổng lồ trị giá 2.300 tỷ USD vào cuối tháng 3 để xoa dịu nền kinh tế trước cú sốc Covid-19. Ảnh: AFP
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích khổng lồ trị giá 2.300 tỷ USD vào cuối tháng 3 để xoa dịu nền kinh tế trước cú sốc Covid-19. Ảnh: AFP

Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật gói kích thích kinh tế mới trị giá 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện, bao gồm khoản viện trợ để mở rộng xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ. Dự luật trên được các thượng nghị sĩ Mỹ thông qua dưới hình thức bỏ phiếu bằng giọng nói và được chuyển đến Hạ viện thông qua vào hôm 23/4 (giờ Mỹ).

Tính đến cuối tuần trước, các doanh nghiệp bán lẻ, nhà hàng và khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 tại Mỹ đã nhận được 18% giá trị khoản giải ngân 342 tỷ USD theo chương trình cho vay ưu đãi của chính phủ Mỹ. Chương trình này là một phần trong gói kích thích trị giá 2.300 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua cuối tháng 3 để xoa dịu nền kinh tế trước cú sốc Covid-19.

Chương trình này hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ duy trì trả lương cho nhân viên trong lúc nền kinh tế Mỹ đóng cửa chống dịch Covid-19 và chính quyền Washington hy vọng doanh nghiệp duy trì sự ổn định và nhanh chóng trở lại hoạt động khi nền kinh tế được kích hoạt lại.

Nguồn thạo tin của Tạp chí Phố Wall cho hay, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang xem xét triển khai các gói hỗ trợ liên bang để tiếp sức cho các doanh nghiệp dầu khí; đổi lại chính quyền Mỹ sẽ nắm giữ cổ phần nhất định tại các doanh nghiệp này hoặc phần nào kho dự trữ dầu thô của họ.

Kế hoạch trên được chính quyền Mỹ đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ toàn cầu “sụp đổ” vì dịch Covid-19, còn tình hình sản xuất và kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ lâm cảnh bi đát.

Hơn 22 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng đầu tiên nước này áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trên diện rộng. Tại châu Âu, số liệu thống kê của các chính phủ cho thấy ít nhất 18 triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp hơn 1 tháng qua. Đáng kể, gần 1/2 số lao động trong khu vực tư nhân của Pháp bị sa thải và 1/3 số lao động Ireland không có việc làm.

Chính phủ các nước châu Âu đã chi mạnh tay để hỗ trợ doanh nghiệp với hy vọng đảm bảo cho người lao động nghỉ việc vẫn được hưởng trợ cấp. Các chuyên gia kinh tế tại tập đoàn tài chính UBS cho rằng, chi phí cho các chương trình hỗ trợ mà riêng Đức, Pháp và Tây Ban Nha triển khai có thể lên tới 135 tỷ EUR (tương đương 147 tỷ USD). Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhóm họp trực tuyến hôm 23/4 và xem xét gói hỗ trợ vay 100 tỷ EUR cho các nước thành viên.

Tại Mỹ, áp lực gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tiếp tục gia tăng, nhưng nhiều quan chức nước này cảnh báo rằng việc mở cửa lại nền kinh tế quá sớm mà không tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng có thể khiến số ca mắc Covid-19 tăng thêm.

Hiệp hội Thống đốc Quốc gia Mỹ dự kiến lên kế hoạch đề xuất mở cửa nền kinh tế trở lại. Theo kế hoạch dài 38 trang này, các thống đốc tiếp tục đề nghị chính phủ liên bang nhanh chóng tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19 và hỗ trợ các bang về vấn đề này.

Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã vượt qua ngưỡng 825.000 người, còn số ca tử vong do Covid-19 tại nước này cũng vượt quá 45.000, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Trên phạm vi toàn cầu, 2,58 triệu người đã mắc Covid-19 và trên 178.000 người thiệt mạng vì virus này.

Kinh tế Mỹ có thể phục hồi theo hình chữ U
Suy thoái kinh tế Mỹ do đại dịch Covid-19 có thể tồi tệ hơn dự báo khi nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phục hồi theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư