Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Năm 2020, xuất khẩu rau quả mang về 3,26 tỷ USD
Thế Hải - 06/01/2021 09:04
 
Ngành hàng rau quả của Việt Nam đã mang về 3,26 tỷ USD trong năm 2020, sụt giảm 13% so với năm 2019 do tác động của dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn cầu.
Xuất khẩu rau quả năm 2020 chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh khiến kim ngạch sụt giảm 13%, đạt 3,26 tỷ USD.
Xuất khẩu rau quả năm 2020 chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh khiến kim ngạch sụt giảm 13%, đạt 3,26 tỷ USD.

Năm 2020, ngành hàng rau quả của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, do đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ tại nhiều thị trường.

Với những ảnh hưởng dây chuyền đó, xuất khẩu rau quả dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn sụt giảm mạnh so với các năm trước, đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019. 

Bị sụt giảm giá trị xuất khẩu mạnh nhất trong năm qua là lượng hàng xuất sang Trung Quốc, vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành rau quả, chiếm trên 65% tổng kim ngạch xuất khẩu. 11 tháng 2020, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ 2019. Ước cả năm 2020, giá trị xuất sang thị trường này chỉ gần 1,9 tỷ USD.

Dù bị sụt giảm hàng trăm triệu USD giá trị xuất khẩu trong năm qua, nhưng tại một số thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản...vẫn có mức tăng trưởng dương. Điều này khẳng định chất lượng hàng rau quả của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cao tại các thị trường này.

Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Australia tăng rất mạnh, đạt trên 67 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn đối với ngành hàng rau quả. Việt Nam và Australia là đối tác thương mại thông qua Hiệp định Tự do thương mại (FTA) ASEAN – Australia– New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ cuối năm 2018. Nhờ các hiệp định này, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% và nhiều điều kiện thuận lợi khác.

Đáng chú ý, mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.. chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đều tăng trưởng khá. Xuất sang Hoa Kỳ ước đạt 170 triệu USD, tăng 10,7%, Hàn Quốc đạt 144 triệu USD, tăng 11,1%, Nhật Bản đạt 130 triệu USD, tăng 5,1%, Đài Loan gần 90 triệu USD, tăng 33,6%, Thái Lan 165 triệu USD, tăng 141,5%...

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), triển vọng xuất khẩu hàng rau quả năm 2021 được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, đặc biệt là EVFTA đã đi vào thực thi từ tháng 8/2020. Việc khai trương Cổng thông tin về FTA sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất những lợi ích từ các FTA Việt Nam đang tham gia.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021.

Theo Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo, mục tiêu của ngành là nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ quả đạt 8 - 10 tỷ USD/năm, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30%, công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư