Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Xuất khẩu rau quả: Dẹp bỏ tư duy ăn xổi
Thế Hải - 23/08/2020 09:30
 
Việc lô xoài xuất khẩu “mượn” mã số vùng trồng/cơ sở đóng gói của Việt Nam bị Trung Quốc phát hiện và tạm dừng nhập khẩu thể hiện tư duy ăn xổi, thiếu chuyên nghiệp của nhiều doanh nghiệp.
.
Nếu muốn đi đường dài, các doanh nghiệp cần phải dẹp bỏ tư duy ăn xổi và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp tự hại nhau 

Nỗ lực để có mã số vùng trồng, được nhà nhập khẩu công nhận sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, nhưng cách làm ăn chưa bài bản, thiếu chuyên nghiệp của không ít thương lái/doanh nghiệp, cộng thêm việc quản lý còn lỏng lẻo, ít nhiều đã khiến ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy.

Vừa qua, Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân. Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.

Ngay khi nhận được thông tin này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thông báo cho các đơn vị kiểm dịch cửa khẩu và địa phương để tiến hành điều tra nguyên nhân, có biện pháp khắc phục. Trong quá trình điều tra, tỉnh Đồng Tháp đã có thông báo về tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group nhấn mạnh, đối với xuất khẩu trái cây chính ngạch, việc “mượn” mã số vùng trồng/cơ sở đóng gói để tiến hành xuất khẩu là hết sức nguy hiểm. Lợi trước mắt có khi chưa thấy đâu, nhưng hệ lụy sẽ đổ ập đến cả ngành hàng/sản phẩm đó, chỉ vì nhà nhập khẩu phát hiện một số doanh nghiệp làm ăn gian dối.

“Với trường hợp vi phạm của lô xoài xuất khẩu sang Trung Quốc, không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong mùa vụ xuất khẩu sắp tới”, ông Tùng nói.

Tại Đồng Tháp, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được cấp mã số là nhà đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, mã số của Công ty đã bị nhiều đơn vị sử dụng trái phép trên hàng loạt lô hàng xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa, cơ hội xuất khẩu xoài của Công ty Kim Nhung sang Trung Quốc chấm dứt, do mã số nhà máy đóng gói của Công ty bị loại khỏi danh sách được công nhận.

Một nạn nhân khác, là Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) bị loại 2 mã số vùng trồng do bị sử dụng chung.

Dẹp tư duy ăn xổi

Những năm gần đây, ngành rau quả tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. Năm cao điểm 2018, xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD; năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD.

7 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch bệnh, xuất khẩu đã “bốc hơi” gần 300 triệu USD với mức giảm 12,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường nhập 60% tổng kim ngạch của ngành rau quả, với giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD/năm. Riêng 7 tháng qua, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc dù giảm 29,3% so với cùng kỳ, nhưng vẫn đạt 1,04 tỷ USD.

Đưa ra những con số trên để thấy, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, là địa chỉ nhập khẩu tỷ USD của nhiều nông sản Việt, trong đó có rau quả và nếu bị tuột mất cơ hội xuất khẩu tới thị trường này do chính sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp của số ít doanh nghiệp, thì đó là điều rất đáng tiếc.

Với một thị trường có khoảng cách địa lý thuận lợi cho xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng lớn, có độ tương đồng về thị hiếu tiêu dùng sản phẩm trái cây với Việt Nam, các doanh nghiệp phải đầu tư thật bài bản, tuân thủ nghiêm quy định mới về đăng ký vùng trồng, cấp mã số cơ sở đóng gói, bao gói đúng chuẩn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... để chinh phục lâu dài, chứ không thể dùng tư duy ăn xổi, coi đây là thị trường dễ tính để bán những mặt hàng chưa đạt chuẩn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc coi Trung Quốc là thị trường dễ tính vẫn bám sâu vào tư duy của không ít doanh nghiệp Việt. Tại nhiều hội nghị bàn giải pháp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhắc đi, nhắc lại rằng, Trung Quốc đã chuyển từ nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch từ giữa năm 2018. Để hàng hóa giao thương theo chính ngạch, phải đăng ký vùng trồng, xuất xứ, đăng ký nhà xuất khẩu/nhập khẩu, nhưng rất tiếc là doanh nghiệp Việt còn thờ ơ.

Đó là lý do Việt Nam mới có 9 loại quả (xoài, vải, nhãn, chuối, mít, thanh long, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt) xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong khi những mặt hàng trước đây vẫn xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân như bưởi, na, chanh leo… đã không thể xuất được nữa.

Sự cố “mượn” mã số vùng trồng, mã số đóng gói vừa xảy ra cũng đòi hỏi khâu quản lý sử dụng mã số vùng trồng cần được nâng cao hơn nữa.

Hiện nay, với trái cây xuất khẩu chính ngạch, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự đánh giá, cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Trung Quốc chỉ thông qua mã số, chứ chưa tiến hành kiểm tra.

Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc sẽ nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu các vùng trồng, cơ sở đóng gói không thực hiện đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, phía Trung Quốc sẽ cho dừng các mã số.

Vì vậy, để hoạt động sản xuất, xuất khẩu bền vững, không chỉ với thị trường Trung Quốc, mà với nhiều thị trường khác, Cục Bảo vệ thực vật cần tiếp tục rà soát những diện tích đã cấp mã số vùng trồng, tăng cường hậu kiểm để không xảy ra tình trạng vi phạm như vừa qua. Bởi nếu kiểm soát không tốt, chỉ một vài doanh nghiệp làm ăn chí trá, có thể sẽ liên lụy đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, dẫn đến nguy cơ cả ngành hàng bị mất thị trường xuất khẩu và phải cần rất nhiều thời gian để chinh phục lại.

Từ giữa năm 2018, Trung Quốc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây nhập khẩu từ Việt Nam qua cả kênh chính thức và các kênh khác. Cụ thể, phía Trung Quốc yêu cầu, để truy xuất nguồn gốc, sản phẩm nhập khẩu phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói.

Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với địa phương kiểm soát cấp mã số vùng trồng, đồng thời cung cấp thông tin cho Hải quan Trung Quốc về các mã số vùng trồng đó. Việc quản lý mã số vùng trồng chủ yếu là trách nhiệm của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng trên cơ sở đề nghị của địa phương.
Xuất khẩu rau quả nửa đầu năm 2020 giảm mạnh, chỉ đạt 1,8 tỷ USD
Dù kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 tăng mạnh, nhưng vẫn không kéo nổi mức suy giảm xuất khẩu chung, khiến rau quả chỉ mang về 1,8 tỷ USD, giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư