Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Năm 2022, hàng trăm triệu USD đổ vào dự án mới
Thế Hải - 17/02/2022 09:15
 
Trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, nhiều doanh nghiệp động thổ, khởi công dự án mới, hứa hẹn một năm đầu tư, kinh doanh sôi động.
Lễ khởi công Dự án Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng)
Lễ khởi công Dự án Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng)

Khai Xuân bằng dự án triệu USD

Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) do Tập đoàn An Phát Holdings (APH) làm chủ đầu tư đã được ấn nút khởi động ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Đây là nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, nằm trong danh mục dự án công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, có công suất 30.000 tấn/năm, vốn 120 triệu USD, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng.

Có thời gian chuẩn bị đầu tư khá dài, gần 5 năm, dự án chiến lược này của APH sẽ khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công nguyên liệu và sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, đồng thời chính thức tham gia mạng lưới nguyên liệu xanh thế giới.

Với Dự án PBAT, An Phát Holdings sẽ đại diện cho Việt Nam ghi tên vào bản đồ nguyên liệu xanh toàn cầu. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, hàng năm sẽ có thể giảm phát thải 33.000 tấn CO2.

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Holdings

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, Dự án là “lời giải” hợp lý nhất cho bài toán nguồn nguyên liệu của Tập đoàn. Đó là tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống.

Ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho rằng, việc thu hút các dự án đầu tư có vai trò quan trọng với địa phương, đặc biệt, dự án của APH là dự án xanh, nên mang lại rất nhiều lợi ích lâu dài.

“Đây là dự án phù hợp với mục tiêu phát triển trụ cột công nghệ cao của Hải Phòng trong năm 2022”, ông Quân nói.

Là đơn vị kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, Tổng công ty Viglacera cũng ra quân với việc khởi công 2 dự án đầu tư “khủng”. Đó là Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia, quy mô 2.000 căn hộ tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong và Dự án đầu tư KCN Thuận Thành I (Bắc Ninh). Trong đó, riêng dự án KCN có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Viglacera sẵn sàng bàn giao đất cho doanh nghiệp/khách hàng từ quý II/2022.

Tín hiệu vui khi dòng vốn đổ vào sản xuất

Dòng vốn đầu tư lớn đổ vào các dự án sản xuất ngay đầu năm là tín hiệu tích cực, nhất là khi nhiều dự án trong số này được đầu tư theo hướng xanh, sạch, bền vững. Việc đầu tư rất thuận lợi bởi các dự án trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hay dự án kết cấu hạ tầng được ưu tiên vốn từ các tổ chức

tài chính.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, bà Đào Hồng Lan cho hay, các dự án của Viglacera đầu tư tại Bắc Ninh sẽ nhận được sự hỗ trợ cao nhất từ địa phương, với mục tiêu dự án về đích sớm, tạo động lực thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào KCN Thuận Thành 1.

Viglacera có lợi thế về phát triển bất động sản KCN, với nhiều KCN đã được lập đầy và nhiều dự án mới sẽ nối tiếp thành công trong mảng này, nhờ đó địa phương cũng được hưởng lợi.

Trong khi đó, mới đây, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã hoàn thành đầu tư Nhà máy sợi có quy mô 2 tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị sản xuất sợi của Vinatex.

Với tổng mức đầu tư 511 tỷ đồng, nhà máy sợi được thiết kế 2 tầng, công suất thiết kế khoảng 500 tấn/tháng, mặt hàng mục tiêu là sợi 100% cotton chải kỹ và chải thô có chỉ số bình quân Ne 32 - 34, hướng tới các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường châu Âu.

Nhà máy mới sẽ giúp tiết kiệm được lực lượng lao động, đồng thời cải thiện năng suất. Quy mô 30.000 cọc sợi, nhưng chỉ cần 130 lao động, giảm được một nửa số lao động so với nhà máy cũ. Nhà máy cũng được lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, hướng tới tiết kiệm nguồn năng lượng, bắt kịp xu hướng xanh hóa ngành dệt may.

Bà Trần Thị Kim Chi, Tổng giám đốc Sợi Phú Bài chia sẻ, với diện tích đất sẵn có chỉ có thể đầu tư nhà máy 15.000 cọc, nhưng việc xây dựng nhà máy 2 tầng đã giúp tăng quy mô, trong khi chi phí không tăng quá nhiều.

Với dự án của APH tại Hải Phòng, ông Phạm Ánh Dương tin tưởng về hiệu quả hoạt động kinh doanh sau khi đi vào hoạt động, bởi mảng sản phẩm như APH đang đầu tư có triển vọng tiêu thụ tốt. Điều tích cực là giá thành sản phẩm xanh này sẽ giảm 20 - 30% khi nhà máy PBAT đi vào hoạt động.

Phát triển xanh và khép kín sẽ là lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố khá tham vọng tại Hội nghị COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Khách hàng quốc tế cũng ngày càng quan tâm đến việc tiêu dùng sản phẩm ăn uống được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường và những doanh nghiệp đi theo hướng này sẽ rất có tương lai.

“Phát triển xanh sẽ là yếu tố cạnh tranh của Việt Nam. Những yếu tố này sẽ sớm trở thành một phần trong khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ cạnh tranh về giá, mà còn về mô hình sản xuất xanh”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định.

An Phát Holdings khai xuân bằng dự án 120 triệu USD tại Hải Phòng
Nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT là chiến lược lớn nhất giúp An Phát Holdings có mặt trong danh sách số ít các nhà sản xuất nguyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư