Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 30 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Nam Định có dự án hợp kim nhôm 90 triệu USD; 177 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 30/11/2024 09:46
 
Nam Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án hợp kim nhôm 90 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận; Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư 177 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Gia Lai phê duyệt quy hoạch khu đô thị gần 240 ha

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 509/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị CK 54 (xã Trà Đa, TP. Pleiku).

Gia Lai phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị CK 54. Trong ảnh là một góc của TP. Pleiku.

Theo đồ án, khu đô thị CK 54 có phía Đông giáp khu dân cư dọc đường Trần Văn Bình; phía Tây giáp suối Hội Phú và đất nông nghiệp; phía Nam giáp khu dân cư và phía Bắc giáp suối Ia Linh, đất nông nghiệp và đất quy hoạch sân bay Pleiku. Khu đô thị CK 54 có quy mô dân số khoảng 17.000 người; diện tích khoảng 240 ha; tỷ lệ lập quy hoạch 1/2.000.

Khu đô thị CK 54 được UBND tỉnh Gia Lai xác định là khu đô thị sinh thái, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, gồm các chức năng chính: thương mại - dịch vụ, y tế, giáo dục, cây xanh sinh thái, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, hệ thống dịch vụ-công cộng và khu ở đô thị.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị CK 54 có mục tiêu cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050 đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 22/1/2018; cụ thể hóa mục tiêu đô thị loại I TP. Pleiku- cao nguyên xanh vì sức khỏe.

Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai còn cho biết, đồ án này có mục tiêu hình thành đô thị sinh thái, có tính bền vững về môi trường, tạo hệ thống cây xanh sinh thái cho khu quy hoạch và cả khu vực nội thị để TP. Pleiku phát triển khu đô thị kiểu mẫu về không gian sống, khu đô thị thông minh. Đồng thời, kiến tạo các không gian công cộng và dịch vụ đô thị để phục vụ cho người dân và khách du lịch, thu hút du lịch và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; tạo cơ sở pháp lý để quản lý đất đai, quản lý xây dựng và lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở lập Dự án đầu tư xây dựng.

Đầu tư 2.265 tỷ đồng xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Gia Lách mở rộng

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 25/11/2024 chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Phó thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long.

Dự án được thực hiện tại thị trấn Xuân An, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô 194,36 ha.

Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 2.265,268 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 339,790 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan;

Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Gia Lách mở rộng đã được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án theo Quyết định này...

Chấp thuận chủ trương nâng cấp thêm 5,85 km luồng hàng hải Hải Phòng

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND TP. Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng về việc nâng cấp luồng Hải Phòng đoạn từ thượng lưu bến cảng Nam Hải Đình Vũ đến thượng lưu cảng Đình Vũ và mở rộng vũng quay tàu hiện hữu.

Một góc cảng Nam Đình Vũ - Hải Phòng.
Một góc cảng Nam Đình Vũ - Hải Phòng.

Theo Bộ GTVT, tuyến luồng hàng hải Hải Phòng đoạn từ vũng quay tàu bến cảng container quốc tế Hải Phòng đến khu vực cảng Đình Vũ và đoạn từ thượng lưu bến cảng Nam Đình Vũ đến khu vực cảng Nam Hải Đình Vũ đã được Bộ GTVT thống nhất chủ trương nâng cấp theo quy định với cao độ đáy luồng sau khi nạo vét đạt - 8,5 m (hải đồ), bề rộng luồng giữ nguyên 80 m đảm bảo cho tàu tổng hợp đến 50.000 tấn giảm tải có thông số phù hợp chuẩn tắc luồng hành hải.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần cảng Hải Phòng, chuẩn tắc đoạn luồng Hải Phòng đoạn từ thượng lưu bến cảng Nam Hải Đình Vũ đến thượng lưu cảng Đình Vũ sau khi được nâng cấp giống như chuẩn tắc luồng Hải Phòng đoạn từ vũng quay tàu bến cảng container quốc tế Hải Phòng đến khu vực cảng Nam Hải Đình Vũ.

Toàn bộ khối lượng vật chất nạo vét đoạn luồng hàng hải Hải Phòng đoạn từ thượng lưu bến cảng Nam Hải Đình Vũ đến thượng lưu cảng Đình Vũ và mở rộng vũng quay tàu hiện hữu (khoảng 280.000 m3 ) sẽ được đổ tại khu vực do UBND TP. Hải Phòng công bố, không tận thu sản phẩm nạo vét.

Tại văn bản số 4609/CHHVN-KHĐT ngày 3/10/2024, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đề xuất của Công ty cổ phần cảng Hải Phòng về việc nạo vét nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng đoạn từ thượng lưu bến cảng Nam Hải Đình Vũ đến thượng lưu cảng Đình Vũ là phù hợp quy hoạch cảng biển và định hướng của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cảng biển.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác đồng bộ kết cấu hạ tầng hàng hải tại khu vực, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương nâng cấp luồng Hải Phòng đoạn thượng lưu bến cảng Nam Hải Đình Vũ đến thượng lưu cảng Đình Vũ kết hợp mở rộng mở rộng vũng quay tàu hiện hữu từ 290 m lên 310 m (cho tàu 55.000 tấn giảm tải).

Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát chủ đầu tư triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đầu tư, tài nguyên và môi trường, khoáng sản và các quy định có liên quan của pháp luật.

Cục Hàng hải Việt Nam làm việc cụ thể với chủ đầu tư về trách nhiệm chi trả kinh phí điều chỉnh hệ thống báo hiệu hàng hải phục vụ việc nâng cấp đoạn luồng và mở rộng vũng quay tàu; các nội dung về phí bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định của pháp luật, đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải và hiệu quả hoạt động khai thác cảng biển tại khu vực, không ảnh hưởng đến chi phí, nguồn thu ngân sách Nhà nước, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện từ các doanh nghiệp khai thác cảng biển tại khu vực.

Công ty cổ phần cảng Hải Phòng Việt Nam có trách nhiệm triển khai các bước tiếp theo tuân thủ đầy đủ các quy định về chuyên ngành hàng hải, các quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư xây dựng, tài nguyên môi trường, khoáng sản, bảo vệ môi trường; không đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí nạo vét duy tu luồng tàu.

Quảng Ngãi chấp thuận nhà đầu tư dự án chợ kết hợp khu dân cư có tổng vốn gần 163 tỷ đồng

Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký quyết định chấp thuận nhà đầu tư Dự án chợ Thi Phổ kết hợp khu dân cư, huyện Mộ Đức đối với Công ty cổ phần bất động sản Nam Khang Miền Trung.

Phối cảnh Dự án chợ Thi Phổ kết hợp khu dân cư, huyện Mộ Đức.

Dự án chợ Thi Phổ có tổng vốn đầu tư gần 163 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư gần 41 tỷ đồng và vốn huy động hơn 122 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 49 năm, kể từ ngày có quyết định giao, cho thuê đất.

Từ quý IV/2024 - quý IV2026 nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ quý IV/2026 - quý IV/2028, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động.

UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, môi trường... Triển khai dự án đúng chủ trương đầu tư được duyệt, quy định pháp luật liên quan và các cam kết.

UBND tỉnh cũng giao cho UBND huyện Mộ Đức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án theo quy định; kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án của nhà đầu tư.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, đôn đốc, giám sát nhà đầu tư thực hiện dự án; kiểm tra tiến độ thực hiện dự án. Các sở, ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các nội dung về quy hoạch, xây dựng, môi trường….

Dự án chợ Thi Phổ kết hợp khu dân cư huyện Mộ Đức có diện tích hơn 47.000 m2, gồm đất xây dựng nhà ở thương mại gần 3.700 m2, với 32 căn nhà ở (3 tầng); đất ở liên kế gần 8.500 m2/71 lô; đất xây dựng công trình chợ khoảng 7.180 m2 và đất thương mại, dịch vụ gần 4.000 m2.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc đầu tư Dự án chợ Thi Phổ kết hợp khu dân cư, nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội để di dời chợ Thi Phổ về vị trí mới; đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân; góp phần tạo cảnh quan kiến trúc đẹp cho khu vực.

Bình Định hủy thông báo mời thầu, dừng lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác 1.500 tỷ

Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết đã có quyết định hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.

Khu vực triển khai Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ.
Khu vực triển khai Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ.

Về lý do hủy thông báo, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện được UBND TP. Quy Nhơn đã đăng tải thông báo mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với thời điểm đăng tải là 14h57 ngày 10/6/2024; thời điểm đóng thầu là 14h ngày 9/8/2024.

Bên mời thầu là Phòng Quản lý đô thị TP. Quy Nhơn, hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi (quốc tế).

Tuy nhiên, đến ngày 1/8/2024, Dự án chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu thực hiện dự án (có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ ngày 9/8/2024).

Do đó, UBND TP. Quy Nhơn đề nghị các nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời thầu Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện liên hệ Phòng Quản lý đô thị (lầu 7, Trung tâm hành chính thành phố, số 30 Nguyễn Huệ, phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn) để làm thủ tục nhận lại tiền mua hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu đã nộp (số tiền đảm bảo dự thầu là 15 tỷ đồng).

Đồng thời, UBND TP. Quy Nhơn cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được tổ chức lại theo quy định của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, ngày 16/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT, ngày 30/9/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Nghị quyết số 76, ngày 7/11/2024 của HĐND tỉnh Bình Định, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện là 1 trong 29 khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện trong năm 2024 - 2025 (thời gian triển khai trong vòng 10 tháng khi có quyết định).

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định thông báo mời quan tâm đầu tư vào ngày 15/2/2024; UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hồ sơ mời thầu vào ngày 1/6/2024.

Dự án được thực hiện tại ô A5 và ô A6 thuộc Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn với diện tích hơn 10 ha. Dự án có chi phí thực hiện sơ bộ là 1.500 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án trong vòng 2 năm.

Dự án có công suất xử lý bình quân 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường/ngày đêm (ưu tiên xử lý chất thải rắn sinh hoạt) có phát điện với công suất phù hợp.

Phạm vi phục vụ xử lý chất thải rắn cho TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và xã Canh Vinh, huyện Vân Canh; giá dịch vụ xử lý không quá 430.000 đồng/tấn trong vòng 3 năm kể từ nhà máy đi vào vận hành.

Trước đây, tại vị trí Lô A3, Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, Liên danh Công ty TNHH Xuân Hiếu và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nam Thành - Ninh Thuận (doanh nghiệp thực hiện là Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu) được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt lựa chọn làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt vào ngày 31/7/2020.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, UBND tỉnh Bình Định có quyết định huỷ thầu và thu hồi Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ.

Lý do huỷ thầu và thu hồi kết quả lựa chọn nhà đầu tư là đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không thành công.

Hệ thống điện có thêm 180 MW từ Thuỷ điện Yaly mở rộng 

Sau gần 3 năm triển khai, tổ máy 1 (công suất 180 MW) của Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng đã hoà điện thành công vào lưới điện quốc gia vào sáng ngày 26/11/2024. 

 Khi hoàn thành, công trình thuỷ điện Yaly mở rộng sẽ bổ sung 360 MW cho hệ thống điện Việt Nam. 

Hiện nay tổ máy 2 cũng đã hoàn thành đến 99% khối lượng công việc lắp đặt thiết bị, phấn đấu hoà lưới trước ngày 21/12/2024 để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).

Công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng có công suất thiết kế 360 MW, gồm 2 tổ máy do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Ban Quản lý Dự án Điện 2 (EVNPMB2) là đơn vị được EVN giao đại diện chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 tư vấn lập thiết kế các giai đoạn. Tư vấn giám sát phần xây dựng do EVNPMB2 tự giám sát. Công ty Thủy điện Ialy và Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN tư vấn lắp đặt thiết bị.

Công trình Thủy điện Ialy mở rộng khi đi vào hoạt động sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.

Đồng thời tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,20 triệu kWh/năm.

Công trình cũng góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Giảm bớt cường độ, thời gian làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Ninh Thuận đã thu hút được 472 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 238.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong năm 2024, tính đến ngày 31/10/2024, có 56 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn 49.693 tỷ đồng.

Dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận rộng 8,96 ha tại Khu công nghiệp Du Long.
Dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em rộng 8,69 ha tại Khu công nghiệp Du Long.

Trong đó, 8 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (24.077 tỷ đồng); 5 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư (7.808 tỷ đồng); 43 dự án được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn tăng thêm 17.808 tỷ đồng.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, trong số những dự án được quyết định chủ trương trong năm 2024 có những dự án có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới như Dự án Thuỷ điện tích năng Phước Hoà với tổng vốn đầu tư 22.865 tỷ đồng; Dự án Nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Thành Hải với tổng vốn 1.136 tỷ đồng.

Lũy kế, tính ngày 6/11/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 472 dự án với tổng vốn đăng ký 238.126 tỷ đồng.

Cụ thể, 346 dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 73,3%); 78 dự án đang triển khai theo tiến độ được duyệt (chiếm tỷ lệ 16,5%); 48 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai.

Trong đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch có 139 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 52.300 tỷ đồng (97 dự án đi vào hoạt động; 18 dự án đang triển khai thi công; 24 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai).

Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có 110 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 48.424 tỷ đồng (79 dự án đi vào hoạt động; 10 dự án đang triển khai thi công; 21 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai)

Lĩnh vực khoáng sản có 72 dự án với tổng vốn đăng ký 5.692 tỷ đồng (50 dự án đi vào hoạt động); lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 63 dự án với tổng vốn đăng ký 5.218 tỷ đồng (48 dự án đi vào hoạt động); lĩnh vực xã hội hóa có 33 dự án với tổng vốn đăng ký 1.475 tỷ đồng (26 dự án đi vào hoạt động)…

Đối với lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, Ninh Thuận có 55 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 125.015 tỷ đồng (tuy chỉ chiếm tỷ lệ 11,7% số dự án nhưng chiếm đến 52,5% tổng vốn đăng ký). Đến đầu tháng 11/2024, 46 dự án đi vào hoạt động; 2 dự án đang triển khai thi công; 7 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai.

UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá, nhìn chung các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chủ đầu tư đã tiến hành hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng, đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng tiến độ theo quy định.

Tuy nhiên, một số dự án có tiến độ thực hiện chậm, nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư thiếu quyết tâm và năng lực thực hiện dự án; một số dự án do thời gian hoàn thành thủ tục liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, chuyển đổi đất rừng...

“Qua rà soát, UBND tỉnh đã kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai dự án như điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; giải quyết các vấn đề vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án...”, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định.

Đà Nẵng: 51 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ

Theo Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, Hội đồng đã triển khai nhiệm vụ đánh giá, chấm điểm 99 hồ sơ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Kết quả, có 51 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ điều kiện, được lựa chọn đầu tư sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng kiểm tra Dự án CCN Cẩm Lệ.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng kiểm tra dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ.

Hội đồng lựa chọn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đáp ứng các điều kiện về hồ sơ và có tổng điểm đạt từ 60 điểm trở lên dựa trên Bộ tiêu chí ban hành tại Quyết định số 56/QĐ-SCT ngày 16/5/2024 của Sở Công thương. 

Cụ thể, có 7 điểm tiêu chí đánh giá các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gồm: Địa điểm sản xuất hiện tại (có thuộc địa bàn vào cụm công nghiệp hay không); đối tượng doanh nghiệp (ưu tiên doanh nghiệp nằm trong diện giải tỏa, đền bù để thực hiện các công trình trọng điểm; doanh nghiệp ở khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; doanh nghiệp khởi nghiệp…); ngành nghề, sản phẩm sản xuất (ưu tiên chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…); thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (gồm các nghĩa vụ kinh doanh, tài chính, thuế, phòng cháy chữa cháy…); tiến độ Dự án; năng lực tài chính; chính sách sử dụng lao động.

Trước đó, vào tháng 5 năm 2024, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn để lựa chọn tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Đến tháng 6 năm 2024, UBND thành phố Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng lựa chọn tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ nhằm lựa chọn doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ.

Cụm công nghiệp Cẩm Lệ có quy mô hơn 29 ha, nằm trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Hiện nay, Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào triển khai đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh.

Thông nhánh hầm đầu tiên trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vượt tiến độ 3 tháng

Sáng ngày 26/11, tại địa phận xã Thuỵ Hùng, huyện Thạch An, ống hầm đường bộ đầu tiên đã được đào thông trên toàn tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, vượt 3 tháng so với tiến độ đề ra.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài hơn 93 km, bao gồm hai hầm chính, với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng.

Hưởng ứng lời kêu gọi thi công “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca 4 kíp”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua doanh nghiệp Dự án và các nhà thầu đã huy động 1.091 nhân sự, 376 thiết bị máy móc và triển khai 27 mũi thi công đồng loạt 24/7, hướng tới mục tiêu thông tuyến vào năm 2025.

Tại hầm Đông Khê, để hoàn thành việc đào thông hơn 493 mét nhánh phải, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã vượt qua nhiều thách thức về địa chất, đạt tốc độ thi công trung bình 2,86 md/ngày.

Theo ông Phạm Duy Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, đại diện Tổng thầu thi công, cột mốc này là minh chứng cho sự nỗ lực đáng ghi nhận của toàn thể đội ngũ lao động tại dự án. Thành quả này không chỉ vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch, mà còn mang lại niềm vui và tự hào cho tất cả chúng tôi. Nhánh hầm trái cũng sẽ được đào thông vào đầu tháng 12/2024, tiếp tục đánh dấu một bước tiến quan trọng cho công trình giao thông trọng điểm này.

Nhánh phải hầm Đông Khê, một điểm nhấn trong tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, là hạng mục đầu tiên hoàn thành công tác đào và gia cố.

Ngay sau cột mốc này, đội ngũ kỹ sư và công nhân sẽ triển khai các công đoạn tiếp theo như đào hạ nền, gia cố, lắp đặt ván khuôn để đổ bê tông vỏ hầm, lắp đặt hệ thống thiết bị ITS.

Toàn bộ hạng mục hầm Đông Khê và Thất Khê dự kiến sẽ hoàn thiện cơ bản vào tháng 6/2025, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Anh Mã Thành Long, một thợ đào hầm, không giấu nổi xúc động khi được tham gia xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên trên quê hương Cao Bằng của mình.

Cầm trên tay một mảnh đá nhỏ thu được từ lúc nổ mìn thông hầm vừa rồi, anh chia sẻ: “Tôi muốn mang kỷ vật này về nhà để lưu giữ khoảnh khắc đặc biệt hôm nay”.

Cũng như anh Long, các thợ đào hầm khác của Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đều có chung niềm phấn khởi khi tiếng nổ cuối cùng vang lên.

“Lúc đó, anh em từ hai phía cửa hầm tiến lại, bắt tay nhau, ai nấy đều vui mừng rạng rỡ. Cảm xúc khó tả, những khó khăn đều tan biến trong niềm tự hào”, anh Long bộc bạch.

Nhánh phải hầm Đông Khê được đào thông là dấu mốc quan trọng về mặt kỹ thuật của Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, góp phần đưa dự án tiến gần hơn tới đích.

Quảng Trị: Đầu tư dự án sản xuất vỏ lon nhôm 2.296 tỷ đồng

Ngày 26/11, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Công ty CP Bao bì Quốc tế A&C với dự án Nhà máy bao bì quốc tế A&C.

Khu công nghiệp Quán Ngang Quảng Trị, nơi Dự án sẽ được triển khai - Ảnh: Ngọc Tân
Khu công nghiệp Quán Ngang Quảng Trị, nơi dự án sẽ được triển khai - Ảnh: Ngọc Tân

Theo đó, Dự án có địa điểm thực hiện tại KCN Quán Ngang, xã Gio Quang, huyện Gio Linh với diện tích đất dự kiến sử dụng 96.350 m2.

Sản phẩm, dịch vụ cung cấp của dự án là vỏ lon nhôm các loại với công suất sản xuất 1 tỷ sản phẩm vỏ lon nhôm/năm. Trong đó, công suất thiết kế của giai đoạn 1 là 700 triệu sản phẩm/năm; đến giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư thiết bị để tăng công suất sản xuất vỏ lon nhôm thêm 300 triệu sản phẩm/năm.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.296,423 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư 2.296 tỷ đồng, với vốn góp của nhà đầu tư là 459,284 tỷ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng hơn 1.837 tủ đồng. Trong giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 327,843 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 74,568 tỷ đồng và vốn vay các tổ chức tín dụng là 298,274 tỷ đồng.

Về tiến độ thực hiện, trong giai đoạn 1, dự án bắt đầu tiến hành đền bù, san lấp, giải phóng mặt bằng từ quý IV/2024 đến quý II/2025. Quý III/2025 đến quý III/2026, xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình của dự án; mua thiết bị giai đoạn 1. Quý IV/2026 đến quý I/2027, tiến hành lắp đặt máy móc thiết bị giai đoạn 1. Quý II/2027 sẽ chạy thử sản phẩm và đến  quý III/2027, chạy sản xuất thương mại.

Trong giai đoạn 2, dự án sẽ bắt đầu hoàn thiện pháp lý, ký hợp đồng mua thiết bị trong quý IV/2027. Quý IV/2027 đến quý II/2028, vận chuyển, tập kết thiết bị. Quý IV/2028 sẽ lắp đặt và chạy thử thiết bị, và đến quý I/2029 sẽ đi vào sản xuất thương mại cho giai đoạn 2.

Dự án áp dụng công nghệ có nguồn gốc xuất xứ của trang thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ (Mỹ, Hà Lan, Anh).

Ông Phạm Ngọc Minh, Trường Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, dự án được đầu tư tại Khu công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là dự án đầu tư mới thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật, cũng như theo các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh Quảng Trị.

Bên cạnh đó, điều kiện để nhà đầu tư thực hiện dự án đó là chỉ được triển khai thực hiện hoặc xây dựng dự án sau khi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường và thực hiện đầy đủ các thủ tục môi trường theo đúng quy định.
Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư theo quy định. Sau khi có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải hoàn thiện các hồ sơ của dự án và tiến hành các thủ tục thẩm định công nghệ, chuyển giao công nghệ theo quy định.

Được biết, Công ty CP Bao bì Quốc tế A&C được Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 17/4/2024. Doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở tại Lô DN-04 KCN Quán Ngang, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, do ông Vũ Mạnh Tuấn (SN 1978), trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội làm người đại diện pháp luật.

Khởi công dự án logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu ngay tại Cửa khẩu Hữu Nghị

Nghi lễ khởi công Dự án Khu kinh doanh thương mại tổng hợp, kho, bãi tập kết, sang chuyển hàng hóa và các dịch vụ logistics do Công ty cổ phần Khang Việt Hà tổ chức đã diễn ra trang trọng tại Cửa khẩu Hữu Nghị, Khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vào sáng ngày 26/11/2024.

Lễ khởi công Dự án Khu kinh doanh thương mại tổng hợp, kho, bãi tập kết, sang chuyển hàng hóa và các dịch vụ logistics

Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty Khang Việt Hà – đại diện Chủ đầu tư Dự án cho biết, Khu dịch vụ logistics hiện đại, đồng bộ sẽ là cầu nối quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuyên biên giới, góp phần thúc đẩy giao thương Việt Nam – Trung Quốc, tạo ra những bước đột phá trong phát triển hạ tầng logistics khu vực cửa khẩu, mở rộng cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Dự án xác định ba mục tiêu trọng tâm.  

Một là, tối ưu hóa quá trình tập kết, lưu trữ, và sang chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng, hiệu quả;

Hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông dòng hàng từ các khu công nghiệp phía Bắc qua cửa khẩu quốc tế;  

Ba là, góp phần giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phươg, kinh tế cửa khẩu.

“Chúng tôi định hướng xây dựng hạ tầng hiện đại, ứng dụng logistics thông minh, hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho địa phương thông qua việc tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu ngân sách và cải thiện đời sống kinh tế - xã hội”, ông Khang cam kết tại Lễ khởi công.

Dự án Khu kinh doanh thương mại tổng hợp, kho, bãi tập kết, sang chuyển hàng hóa và các dịch vụ logistics do Công ty cổ phần Khang Việt Hà đầu tư, vận hành nằm cách Cửa khẩu Hữu Nghị 1,2 km. Đây là vị trí trọng yếu trong kết nối hành lang kinh tế cửa khẩu.

Cùng với các cổ đông là các đơn vị có kinh nghiệm sâu rộng, chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics là ALS, Vinh Kiệt, ILS, Công ty cổ phần Khang Việt Hà tin rằng, Dự án sẽ khai thác tối đa năng lực cung ứng dịch vụ tại Cửa khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ luân chuyển hàng hóa bằng đường bộ của ngành logistics quốc gia.

Một số dịch vụ chính của Khu kinh doanh thương mại tổng hợp, kho, bãi tập kết, sang chuyển hàng hóa và các dịch vụ logistics sau khi hoàn thành:
Kinh doanh dịch vụ logistics: 
- Tổ chức vận tải, vận chuyển hàng hoá từ nhà sản xuất đến tận nơi tiêu thụ theo các hình thức khác nhau; Gom/phát hàng hóa, container tới các chủ hàng.
- Phân phát hàng hoá tới các địa chỉ khác nhau, chuẩn bị cho hàng hoá luôn ở trạng thái sẵn sang khi có yêu cầu (inventory level).
- Lưu kho bãi tạm thời hàng hóa và container trong khi chờ kiểm hóa hải quan và chờ gửi/nhận hàng.
- Chất/rút ruột các container chung chủ hoặc container một chủ trong trường hợp không có điều kiện vận chuyển hoặc làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các nhà máy, các khu công nghiệp.

Cung cấp dịch vụ kho ngoại quan - kiểm hóa hải quan: 
- Vận chuyển, lưu trữ hàng hóa từ cửa khẩu vào kho ngoại quan và ngược lại. 
- Các loại dịch vụ phải được thực hiện trong kho ngoại quan: Môi giới tiêu thụ đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan; Môi giới giám định, bảo hiểm; Tái chế, gia cố bao bì, đóng gói lại, bảo dưỡng sửa chữa hàng hóa. 
- Tư vấn, thực hiện thủ tục trung chuyển hàng hóa; Làm các thủ tục kiểm hóa hải quan, kiểm dịch đối với các hàng xuất nhập khẩu ra/vào kho ngoại quan.

Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 21A

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 6110/QĐ-UBND về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 21A thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây, tỉnh lộ 416.

Ảnh minh họa

Dự án nhằm từng bước hoàn thiện theo quy hoạch giao thông, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn tại địa bàn dự án đi qua cũng như các khu vực lân cận, phát huy hơn nữa nhiệm vụ của một trục giao thông chính của khu vực. 

Đồng thời, tăng cường khả năng kết nối với các hệ thống Quốc lộ, đường Tỉnh lộ, đường huyện, thúc đẩy thông thương hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng do kinh tế vùng ngày càng tăng trưởng.

Đây là Dự án Nhóm B, loại công trình giao thông cấp II do UBND huyện Phúc Thọ làm chủ đầu tư với quy mô xây dựng mới tuyến đường có chiều dài 3,79km. Điểm đầu Km0+00 giao với Quốc lộ 32 tại lý trình Km38+570 trên địa bàn xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ; Điểm cuối Km3+790,77 giao với Quốc lộ 21A tại lý trình Km4+210 khu vực Cầu Cời, phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây. 

Quy mô mặt cắt ngang nền đường đoạn ngoài đô thị trên địa bàn huyện Phúc Thọ từ Km0+00 ÷ Km2+795,57 là 21 m. Đoạn đường dự kiến phát triển đô thị trên địa bàn thị xã Sơn Tây từ Km2+795,57 ÷ Km3+790,77 là 21 m. Các hạng mục chủ yếu đầu tư gồm: Giải phóng mặt bằng; Xây dựng nền, mặt đường, xử lý nền đất yếu; hè đường, lề đường, cây xanh; cầu; Thoát nước dọc, thoát nước ngang; Bó ống kỹ thuật; Kè, gia cố mái nền đường, hoàn trả mương; An toàn giao thông; Hệ thống điện chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu tổ chức quản lý, thực hiện dự án đầu tư theo đúng nội dung tại quyết định này và các quy định của Nhà nước và Thành phố về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, giám sát đánh giá đầu tư, giám sát cộng đồng; triển khai dự án đầu tư đúng tiến độ, chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Giao UBND huyện Phúc Thọ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; Kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; Năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án đầu tư. Quá trình triển khai tiếp theo cần tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,... các quy định hiện hành của Nhà nước và UBND TP. Hà Nội về thực hiện dự án đầu tư; Đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường... theo đúng quy định. 

Đặc biệt, không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành của pháp luật. 

Tổ chức quản lý dự án đầu tư và lựa chọn nhà thầu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu

Phối hợp với chủ đầu tư các dự án đầu tư liên quan để thống nhất phương án thiết kế các hạng mục đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh trùng lắp, lãng phí; Có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án đầu tư. 

Làm việc với các Sở, ngành có liên quan để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy định đảm bảo triển khai thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đã được phê duyệt. Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư và phối hợp thực hiện giám sát cộng đồng theo quy định hiện hành.

Các Sở, ngành TP. Hà Nội có liên quan phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định hiện hành; Chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của mình đối với các công việc có liên quan đến quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Quảng Nam yêu cầu báo cáo tình hình triển khai dự án Khu du lịch Trung Kỳ Viêm Đông

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Trần Nam Hưng vừa có kết luận liên quan đến việc giải quyết vướng mắc Dự án Khu du lịch Trung Kỳ Viêm Đông tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.

Khu du lịch Trung Kỳ Viêm Đông do Công ty cổ phần Kinh doanh quản lý bất động sảnTrung Kỳ - Viêm Đông là chủ đầu tư.

Vào tháng 5/2014, tỉnh Quảng Nam quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 18.446 m2 cho Công ty cổ phần Kinh doanh quản lý bất động sản Trung Kỳ - Viêm Đông.

Trong đó, cơ cấu sử dụng đất của dự án là khách sạn 6.158 m2, nhà nghỉ 7.575 m2, nhà hàng 2.507 m2, câu lạc bộ 2.206 m2. Thời hạn sử dụng đất đến năm 2063.

Dự án này đã được tỉnh Quảng Nam điều chỉnh tiến độ nhiều lần. Vào tháng 6/2022, Tỉnh Quảng Nam có công văn thống nhất điều chỉnh tiến độ hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động chính thức vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dang dở, không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công ty cổ phần Kinh doanh quản lý bất động sản Trung Kỳ - Viêm Đông báo cáo cụ thể tình hình triển khai thực hiện dự án, từ khi được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ thực hiện, kết quả đầu tư đến nay. Đồng thời, nêu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan đến dự án.

Chủ đầu tư dự án phải báo cáo nội dung đã làm được và chưa làm được, nêu rõ lý do, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, ông Trần Nam Hưng cũng yêu cầu thị xã Điện Bàn báo cáo làm rõ các nội dung liên quan đến dự án, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan của dự án, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án giải quyết lên UBND tỉnh…

Hoàng Hà Bexco đề xuất dự án khu thương mại - du lịch 1.060 tỷ đồng ở Quảng Nam

Công ty cổ phần du lịch sinh thái Hoàng Hà Bexco (Hoàng Hà Bexco) vừa đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện Dự án đầu tư phi nông nghiệp khu đất có tổng diện tích hơn 430.000 m2 (nguồn gốc đất Dự án Khu thương mại - Du lịch phía Đông xã Duy Thành) tại thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên để thực hiện Dự án này.

Hoàng Hà Bexco cho rằng, tổng diện tích đất mà họ đề xuất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu thương mại - du lịch phía Đông xã Duy Thành.

Tổng vốn đầu tư Hoàng Hà Bexco đề xuất là hơn 1.060 tỷ đồng, trong đó vốn của họ là 500 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Tổng số khách (dự kiến) đón khoảng 1.500 người, trong đó khu khách sạn 5 sao khoảng 350 giường; khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp khoảng 83 căn; khu hội nghị, hội thảo khoảng 500 chỗ ngồi… Tiến độ thực hiện dự án dự kiến trong 6 năm (bắt đầu từ năm 2023). Đến Quý I/2029, dự án này sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động.

Hoàng Hà Bexco cam kết không thực hiện dự án nếu họ không thỏa thuận được với người sử dụng đất nông nghiệp để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dung đất nông nghiệp chuyển sang thực hiện Dự án Khu thương mại - Du lịch phía Đông xã Duy Thành; sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành đúng các quy định của pháp luật đất đai, nộp tiền sử dụng đất/tiền thuê đất (nếu có) đầy đủ, đúng hạn.

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã chuyển các nội dung đề xuất của Hoàng Hà Bexco đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Duy Xuyên để nghiên cứu, hướng dẫn, tham mưu giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định.

Nam Định: Cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án hợp kim nhôm 90 triệu USD tại KCN Mỹ Thuận

Ngày 28/11, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án sản xuất hợp kim nhôm xanh, vật liệu điện tử 3C cao cấp và phụ kiện nhôm ô tô Kim Kiều.

Khu công nghiệp Mỹ Thuận với quỹ đất sạch cùng những chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước

Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 90 triệu USD và được triển khai bởi Công ty Joint Wise Corporation, thuộc Tập đoàn nhôm Kim Kiều, Hồng Kông. 

Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm nhôm cao cấp phục vụ ngành công nghiệp điện tử và ô tô, dự án sẽ cung cấp các thanh hợp kim nhôm ngắn, phụ kiện bàn phím máy tính, bộ phận giảm chấn và nhôm định hình với công suất thiết kế đạt 183.000 tấn sản phẩm nhôm mỗi năm. Đây là các sản phẩm quan trọng trong quá trình ép đùn, góp phần nâng cao chất lượng linh kiện điện tử và ô tô, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp vật liệu cao cấp tại Việt Nam.

Dự án được triển khai tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Nam Định, một khu vực có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp. Việc thu hút dự án này sẽ không chỉ nâng cao năng lực sản xuất trong nước mà còn mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vật liệu nhôm chất lượng cao trong khu vực.

Theo các quy định của pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu, cùng với các chính sách miễn giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất. Đặc biệt, dự án cũng sẽ áp dụng cơ chế khấu hao nhanh, giúp nhà đầu tư giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu và thúc đẩy việc tái đầu tư vào công nghệ mới.

Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng cơ bản vào quý III/2027, tiến hành vận hành thử vào quý IV/2027 và chính thức đi vào hoạt động ngay sau đó.

Dự án sản xuất hợp kim nhôm trên không chỉ đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp nhôm và vật liệu cao cấp tại Việt Nam, mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định. Đồng thời, nâng cao khả năng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử và ô tô, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và hội nhập quốc tế.

Đồng Nai sắp có khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn quy mô 1.000 ha

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 28/11/2024 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (giai đoạn 1), tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, Phó thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần KCN Xuân Quế.

Dự án có quy mô 1.000 ha, thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Vốn đầu tư của dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai yêu cầu nhà đầu tư rà soát, tính toán và xác định tổng vốn đầu tư của khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (giai đoạn 1).

Về địa điểm thực hiện dự án, trên cơ sở địa điểm thực hiện dự án do nhà đầu tư đề xuất, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xác định cụ thể vị trí, ranh giới của khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (giai đoạn 1) trong địa điểm quy hoạch khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn đã được phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, trong Quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt và thuộc phần diện tích đất do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai trực tiếp quản lý, sử dụng; đảm bảo việc phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, kết nối hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn và không ảnh hưởng đến việc thực hiện các giai đoạn sau của khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn.

Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan; các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư 177 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng 

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA III do Công ty TNHH Dentium (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 177 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng lên 875,20 triệu USD với 13 dự án.

Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng
Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng.

Theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đã khẩn trương triển khai đầy đủ các thủ tục đăng ký đầu tư theo đúng quy định và tiến độ đề ra. Đây là một trong những dự án trọng điểm mà thành phố thu hút trong giai đoạn 2020-2025 theo Đề án "Tổng thể phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030” tại Quyết định số 4621/QĐ-UBND ngày 14/10/2019 của UBND Thành phố Đà Nẵng.

“Với những nền tảng về kinh nghiệm và năng lực tài chính của nhà đầu tư, cũng như làm chủ được công nghệ, Dự án sẽ đảm bảo tiến độ, đưa vào khai thác đúng kế hoạch và phát huy được hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng, cũng như với môi trường đầu tư của thành phố nói chung”, ông Hùng nói.

Đại diện Công ty TNHH Dentium chia sẻ, Nhà máy sản xuất ICT VINA III là dự án thứ 3 đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trước đó, năm 2018, công ty được cấp phép đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA với tổng vốn đăng ký đầu tư 20 triệu USD. Năm 2020, tiếp tục được cấp phép đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA II với tổng vốn đăng ký đầu tư 60 triệu USD.

Công ty TNHH Dentium cam kết sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất ICT VINA III theo đúng kế hoạch đề ra, phấn đấu sớm hoàn thành công trình và đi vào hoạt động sản xuất. Đồng thời, Công ty TNHH Dentium cũng xúc tiến thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao trong và ngoài nước về thành phố Đà Nẵng, cũng như triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần nâng cao các hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn.

Các nhà máy của Công ty TNHH Dentium tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm máy móc, thiết bị công nghệ cao trong lĩnh vực y tế. Đến nay, Công ty TNHH Dentium đã đầu tư 3 dự án vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 257 triệu USD.

Hà Nội thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang

UBND TP. Hà Nội thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng, đưa công trình Công viên hồ Phùng Khoang vào sử dụng phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Phối cảnh Công viên hồ điều hoà Phùng Khoang.

Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 562/TB-VP, truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang tại các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.

Theo đó, để sớm thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng, đưa công trình vào sử dụng phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân tập trung chỉ đạo, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết, trả lời các nội dung kiến nghị của công dân, đảm bảo các điều kiện cần và đủ để thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại theo đúng tiến độ, quyết liệt xử lý các vi phạm tái lấn chiếm;

Yêu cầu việc thu hồi đến đâu, bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư đến đó, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 15/12/2024 (như đã báo cáo, cam kết tại cuộc họp).

Yêu cầu Nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành Thành phố và UBND các quận: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân để được hướng dẫn kịp thời các thủ tục có liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép tiếp tục xây dựng; phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ sở để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công xây dựng các hạng mục còn lại ngay sau khi tiếp nhận mặt bằng.

Nhà đầu tư có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện, bảo trì các hạng mục, công trình đã hoàn thành, bàn giao cho UBND quận Nam Từ Liêm quản lý, duy trì đưa vào sử dụng, phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp rà soát, khẩn trương hoàn thành thẩm định, trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong tháng 11/2024; trường hợp cần thiết, nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP. Hà Nội xem xét, ban hành văn bản chấp thuận cho phép gia hạn tiến độ thực hiện đối với hạng mục công viên thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Phùng Khoang để chủ đầu tư tiếp tục triển khai thi công xây dựng.

Giao Sở Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật về cho phép tiếp tục xây dựng; hướng dẫn, thực hiện công tác nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng theo quy định.

Giao UBND quận Nam Từ Liêm phối hợp, thực hiện bàn giao tạm thời tiếp nhận đưa vào quản lý, khai thác, đảm bảo các điều kiện, an toàn khi đưa các hạng mục hồ nước, công viên, vườn hoa đưa vào sử dụng, phục vụ Nhân dân. Trong thời gian thực hiện các thủ tục nêu trên cho đến khi đủ điều kiện thực hiện bàn giao chính thức theo quy định (chậm nhất trong quý I/2025), Nhà đầu tư chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện công trình, tiếp tục quản lý, duy tu, bảo trì, đảm bảo chất lượng công trình theo quy định.

Giao Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn chỉ đạo các Sở, ngành Thành phố kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân tổ chức thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 15/12/2024 và việc xử lý các tồn tại, vướng mắc của Dự án đầu tư theo quy định.

Bình Thuận đề xuất đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng làm đường vào trung tâm Phan Thiết

Sở Giao thông - Vận tải Bình Thuận vừa đề xuất phương án làm đường kết nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với trung tâm Thành phố Phan Thiết có tổng chiều dài tuyến khoảng 11,2 km, đi qua thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.

Theo đó, với tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, tuyến đường có điểm đầu (Km 0+000) ngã tư giao đường Lê Duẩn với đường Trường Chinh thuộc phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết; điểm cuối (Km 11+200) giao với đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết Km 225+160 thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc. 

Các vị trí giao chính: tại Km 0+000 - giao với Quốc lộ 1A (đường Trường Chinh); tại Km 3+680 - giao với đường sắt Mương Mán, Thành phố Phan Thiết; tại Km 8+700 - giao với đường sắt tốc độ cao; tại Km 9+179 - giao với đường sắt Bắc - Nam hiện hữu; kết thúc tại Km 11+200 - giao với đường bộ cao tốc.

Đại diện Sở Giao thông - Vận tải Bình Thuận cho biết, hiện nay, các phương tiện lưu thông từ các tỉnh phía Nam hướng vào trung tâm Thành phố Phan Thiết phải thông qua Quốc lộ 1A - Mỹ Thạnh (khoảng 2,6 km), sau đó tiếp tục lưu thông theo Quốc lộ 1A (khoảng 13 km).

Tại khu vực nút giao Ba Bàu và nút giao Quốc lộ 1A thường xuyên xảy tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết gây bức xúc cho người dân và du khách 

Sở Giao thông - Vận tải Bình Thuận cho rằng, việc đầu tư đường kết nối từ đường bộ cao tốc vào đường Lê Duẩn, Thành phố Phan Thiết là cần thiết. Tuyến đường khi đi vào hoạt động sẽ hình thành trục chính theo hướng Đông - Tây kết nối liên thông từ đường bộ cao tốc vào trung tâm thành phố Phan Thiết với các đầu mối giao thông quan trọng như: Đường bộ cao tốc, ga đường sắt tốc độ cao, đường tránh qua Thành phố Phan Thiết, đường Trường Chinh với khu trung tâm của Thành phố Phan Thiết. Đồng thời các tuyến đấu nối vào đường ven biển sẽ mở ra không gian phát triển mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư 177 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư