Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Năm phút ở nghị trường
Nguyên An - 04/11/2024 12:29
 
Cuộc sống đang chờ những quyết sách đột phá ở nghị trường - những quyết sách cần sự góp sức của các vị đại biểu Quốc hội, từ mỗi năm phút tham gia thảo luận - như hôm nay.

Tiếp tục Kỳ họp thứ tám, hôm nay (4/11), Quốc hội khóa XV dành một ngày để thảo luận tại hội trường về 4 nội dung, trong đó có đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025.

Kinh tế - xã hội là nội dung mà kỳ họp nào cũng được Quốc hội thảo luận. Phạm vi thảo luận rất rộng, lại được phát thanh, truyền hình trực tiếp, nên các phiên này thường có số lượng đại biểu phát biểu đăng ký rất đông. Gần nhất là tại Kỳ họp thứ bảy, số đại biểu đã được đăng ký, nhưng do hết thời gian nên không được đăng đàn là 63 vị - nhiều hơn cả số đại biểu đã thảo luận (57 người) và tranh luận (3 người). Đấy là chưa kể, thời gian dành cho mỗi vị đăng đàn đã được rút ngắn so với thông lệ.

Theo nội quy kỳ họp, trong mỗi phiên thảo luận tại hội trường, mỗi đại biểu được dành thời lượng tối đa 7 phút cho mỗi lần phát biểu; tranh luận không quá 3 phút.

Như vậy, thường mỗi buổi sáng chỉ đủ thời gian cho khoảng 25 vị. Bởi thế, với những phiên có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, chủ tọa kỳ họp đề nghị Quốc hội rút thời gian phát biểu xuống tối đa 5 phút, tranh luận tối đa 2 phút.

Thảo luận tại tổ thì không “căng” về thời gian như vậy. Có những vị phát biểu tới 20-30 phút cũng vẫn chưa hết giờ. Vì thế, tại Kỳ họp thứ tám, với nội dung về kinh tế - xã hội, Quốc hội đã tăng thời gian thảo luận ở tổ từ 1 buổi lên 1 ngày để nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu ý kiến tại tổ và mỗi đại biểu sẽ có thêm thời gian trình bày quan điểm về vấn đề mà mình quan tâm.

Rồi, trước khi diễn ra phiên thảo luận tại hội trường tới cả tuần, Đoàn Chủ tịch kỳ họp đã có thông báo đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuẩn bị ý kiến phát biểu ngắn gọn (phát biểu thảo luận không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút). Các đại biểu cũng được đề nghị không phát biểu lại các nội dung đã thảo luận tại phiên họp tổ và trùng lặp với các ý kiến đã phát biểu trước đó.

Những lưu ý này nhằm để phiên thảo luận đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất, được nhiều ý kiến đại biểu phát biểu - như giải thích của Đoàn Chủ tịch kỳ họp.

Lưu ý sớm như vậy, đương nhiên sẽ tạo chủ động cho các vị đại biểu ở khâu chuẩn bị. Từ nội dung khoảng 1.600 chữ (cho 7 phút) xuống còn khoảng 1.200 chữ (vừa 5 phút), với các vị hay phát biểu chung chung, sau khi nêu một số kết quả sẽ đề cập một số hạn chế thì không khó để “đo ni đóng giày”.

Còn với những người thực sự trăn trở, chỉ chọn một vấn đề nổi lên giữa hai kỳ họp để phân tích sâu về thực trạng, tìm đúng nguyên nhân, từ đó nêu giải pháp trúng và đúng, thì cần phải đầu tư công sức thỏa đáng.

Bởi, có nhận diện, đánh giá toàn diện, khách quan cả điểm sáng và “mảng xám” của bức tranh kinh tế - xã hội, thì mới nêu được giải pháp khả thi, phúc đáp được yêu cầu của cuộc sống. Chưa kể, nếu cầu toàn hơn, các nhà lập pháp còn phải tìm được “điểm nghẽn” thể chế của vấn đề mình sẽ nêu trước nghị trường, để không chỉ gỡ vướng trước mắt, mà còn góp phần tạo nền tảng lâu dài cho phát triển. Như thế, tận dụng 5 phút thế nào để vẫn tròn vai đại diện cho cử tri, mà vẫn nói được vấn đề mình trăn trở một cách thuyết phục, quả là khá “đau đầu”.

Tham gia thảo luận tổ về kinh tế - xã hội ngay đầu Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là “đột phá của đột phá”. Và tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội rất nhiều quy định có tính đột phá.

Ủng hộ ban hành những quy định có tính đột phá, hẳn là mong muốn của tất cả các vị đại diện cho dân. Nhưng làm thế nào để những quy định này không phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không tạo ra những khó khăn mới cho người dân và doanh nghiệp, thì rất cần “sức nặng” từ những phát biểu năm phút ở nghị trường, ở cả những phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật, cũng như giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Tuần qua là tuần hiếm hoi Quốc hội nghỉ ngày thứ Bảy. Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc cả ngày Chủ nhật. Thành viên các ủy ban của Quốc hội cũng nhiều buổi, sau khi rời phòng Diên Hồng (nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội) là tất tả về ngay phòng họp riêng để thẩm tra các nội dung mới được bổ sung vào chương trình kỳ họp hoặc trình chậm, trình muộn.

Như thường lệ, vì những quyết sách đúng, Quốc hội luôn sáng đèn. Nhưng quyết sách đúng lại rất cần sự tâm huyết, trách nhiệm từ mỗi năm phút phát biểu tại nghị trường của các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Những nội dung chính của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21/10/2024, dự kiến bế mạc vào sáng 30/11/2024, theo hình thức họp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư