Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nắn chỉnh công tác quản lý tài sản tại VMS-South
Bảo Như - 19/12/2022 16:24
 
Vẫn còn nhiều nội dung cần phải hiệu chỉnh để công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South) vận hành theo đúng quy định của Nhà nước.
Nạo vét duy tu luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu
Nạo vét duy tu luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu

Kín tiếng

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 12854/BGTVT-TC gửi VMS-South và một số đơn vị trực thuộc về việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo VMS-South khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Công văn số 633/KTNN-TH ngày 28/10/2022; đồng thời chủ động báo cáo kết quả thực hiện toàn bộ các kiến nghị trên về Kiểm toán Khà nước khu vực XIII.

VMS-South được yêu cầu rà soát tình hình sử dụng đất đai, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với diện tích đất chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa đủ hồ sơ pháp lý và/hoặc chưa nộp tiền thuê đất hàng năm; rà soát tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đất không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam xem xét lại nội dung hợp đồng đặt hàng với VMS-South đối với công tác nạo vét luồng, tuyến hàng hải cho phù hợp với quy định tại Điều 11, Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải được giao khẩn trương xây dựng, trình Bộ GTVT ban hành đơn giá ca máy, thiết bị thi công phù hợp trong bộ định mức kinh tế - kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 44/2018/TT-BGTVT ngày 3/8/2018 của Bộ GTVT theo quy định và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với công tác hút phun chất nạo vét từ âu chứa tạm lên bãi chứa chi tiết theo các cự ly phun hút phù hợp với đặc tính thiết bị để làm cơ sở trong việc lập, thẩm tra và phê duyệt dự toán, quyết toán và quản lý chi phí nạo vét duy tu các tuyến luồng nạo vét.

“Ngoài các nội dung trên, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát các tồn tại, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán để chấn chỉnh kịp thời và triển khai thực hiện đầy đủ theo quy định và báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 15/3/2023”, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Được biết, VMS-South là một trong 2 tổng công ty cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải trực thuộc Bộ GTVT. Đây là đơn vị 100% vốn nhà nước có vốn điều lệ 1.806,977 tỷ đồng, được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam, có trụ sở tại TP. Vũng Tàu. Do hoạt động trong lĩnh vực khá đặc thù, nên VMS-South được đánh giá là “khá kín tiếng” dù kết quả kinh doanh của đơn vị này luôn nằm trong số những doanh nghiệp công ích hàng đầu của ngành GTVT.

Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên VMS-South nằm trong “tầm ngắm” của Kiểm toán Nhà nước. Trước đó, vào các năm 2020, 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại VMS-South.

Trong Công văn số 633/TNHH-TH gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 10/2022, ông Vũ Văn Họa, Phó tổng kiểm toán nhà nước cho biết, trong lần kiểm toán gần nhất, đoàn Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII đã tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của VMS-South, bao gồm Công ty mẹ và 6 đơn vị thành viên trong thời gian từ ngày 27/8/2022 đến 7/10/2022.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng trong năm 2021, VMS-South vẫn đạt doanh thu 1.628 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 115,9 tỷ đồng, giảm 7,85 kế hoạch; lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 5,3%.

Mặc dù không có những sai phạm lớn và đã trải qua nhiều lần kiểm toán, nhưng Kiểm toán Nhà nước ghi nhận công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại VMS-South trong năm 2021 vẫn xuất hiện những điểm chệch choạc cần phải tiếp tục nắn chỉnh.

Cụ thể, đối với việc quản lý tài sản cố định, trong năm 2021, Công ty mẹ VMS-South nâng cấp, đưa vào sử dụng 5 trạm đèn biển, với nguyên giá tài sản cố định ghi nhận tăng thêm là 14,81 tỷ đồng; đồng thời tăng thêm thời gian trích khấu hao của các tài sản này từ 6 đến 10 năm. Với những thay đổi này, Công ty mẹ lại không tiến hành lập biên bản các căn cứ thay đổi thời gian trích khấu hao, trình Bộ Tài chính quyết định phê duyệt.

Tại Công văn số 633/TNHH-TH, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc Công ty mẹ và một số công ty con thuộc VMS-South đang quản lý và sử dụng 41 khu đất với tổng diện tích 115.686 m2 làm trạm đèn, trạm luồng và đất văn phòng, nhưng chưa có hồ sơ pháp lý, chưa ký hợp đồng thuê đất và nộp tiền thuê đất hàng năm.

Nội dung này từng được Kiểm toán Nhà nước nêu và kiến nghị, nhưng đến nay, VMS-South vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Nợ nhiều kiến nghị kiểm toán

Cần phải nói thêm rằng, đây không là kiến nghị kiểm toán duy nhất mà VMS-South đang bị nợ đọng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẻ thi công - dự toán công trình tại VMS-South còn một số tồn tại về việc xác định khối lượng sai số trong hồ sơ thiết kế - dự toán; chưa áp dụng các định mức ban hành theo Thông tư số 44/2018/TT-BGTVT ngày 3/8/2018 của Bộ GTVT về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật công tác nạo vét công trình hàng hải do chưa có giá ca máy tương ứng với các thiết bị trong bộ định mức; chưa xây dựng và ban hành định mức đối với công tác “Phun lên bờ với chiều dài ống phun ≤ 300, ≤ 500 m”.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, các nội dung tồn tại này đã được Kiểm toán Nhà nước nhận xét, đánh giá và có kiến nghị với Tổng công ty, Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ GTVT trong các năm 2018, 2020.

Có hai điểm đáng tiếc trong đợt kiểm toán này là Kiểm toán Nhà nước chưa thể xác định chính xác khối lượng, cự ly vận chuyển đổ chất thải nạo vét và việc bán sản phẩm nạo vét tại các dự án nạo vét do VMS-South triển khai. Đây là hai nội dung khá nhạy cảm, thường được dư luận dành sự quan tâm đặc biệt.

Cụ thể, do công tác vận chuyển, đổ chất thải nạo vét phần lớn được thực hiện theo hình thức nhận chìm ngoài biển, nên việc kiểm tra thực tế tại nơi đổ thải là không khả thi. Trong lần kiểm toán này, đoàn kiểm toán không kiểm tra thực tế được cự ly, khối lượng chất thải đã vận chuyển, cũng như không kiểm tra cao độ nạo vét thực tế tại các vị trí nạo vét do thời điểm kiểm toán cách xa thời điểm nghiệm thu.

Đối với việc bán sản phẩm nạo vét có thể tận dụng làm vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng, do không chứng kiến quá trình thi công, cộng với việc các biên bản nghiệm thu và các tài liệu do đơn vị cung cấp cho đoàn kiểm toán không thể hiện việc có bán sản phẩm nạo vét được hay không, nên đoàn kiểm toán ghi nhận theo khối lượng và cự ly vận chuyển trên hồ sơ thiết kế, biên bản nghiệm thu, hồ sơ hoàn công đã được các bên liên quan xác nhận.

“Các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, trung thực của các hồ sơ xác nhận khối lượng, cự ly vận chuyển nạo vét đã cung cấp”, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Được biết, trong năm 2021, có tới 4 công trình do VMS-South thực hiện bị Kiểm toán Nhà nước cho rằng còn xác định khối lượng sai số trong hồ sơ thiết kế - dự toán gồm: Nạo vét duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải (bao gồm luồng hàng hải sông Dinh); nạo vét luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu; nạo vét duy tu luồng hàng hải Rạch Giá và nạo vét duy tu luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Liên quan đến kết quả kinh doanh của VMS-South trong năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, Tổng công ty và 6 đơn vị thành viên được kiểm toán đã tổ chức quản lý, sử dụng vốn, tiền và tài sản nhà nước đảm bảo tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả, nhưng vẫn có 2/6 đơn vị có lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng 0 là Công ty TNHH một thành viên Hoa tiêu hàng hải khu vực VIII; Công ty TNHH một thành viên Hoa tiêu hàng hải khu vực V.

Được biết, tại Công văn số 633/TNHH-TH, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo VMS-South rà soát tình hình sử dụng đất đai; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và nghĩa vụ tài chính về đất đai; sớm ban hành đơn giá ca máy, thiết bị thi công phù hợp theo quy định; hoạch toán đầy đủ, đúng các khoản chi phí; kê khai các khoản thuế với ngân sách nhà nước phù hợp với quy định hiện nay.

“VMS-South và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kết quả về Kiểm toán Nhà nước khu vực III trước ngày 31/3/2023”, đại diện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Chuyển đổi số hiệu quả trong hoạt động quản lý tài sản
Ngày 26/8/2022, Công ty cổ phần quản lý Quỹ PVcomBank (PVCB Capital) phối hợp với CTCP Fincorp (Fincorp) ký thỏa thuận hợp tác triển khai giải pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư