Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 05 năm 2025,
Nâng cao nhân lực kế toán cho hệ sinh thái tài chính quốc gia
Khánh Vy thực hiện - 02/05/2025 14:33
 
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia của ACCA (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc) Việt Nam, chia sẻ về chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài chính - kế toán, thúc đẩy áp dụng các chuẩn mực quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Ảnh minh họa.
ACCA tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực phát triển bền vững cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Quảng Bình

Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025. ACCA đang đóng vai trò gì trong việc hỗ trợ các ưu tiên phát triển quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới, bền vững và hội nhập sâu rộng?

Năm 2025 đánh dấu một giai đoạn quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, khi đất nước không chỉ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, mà còn hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững, dựa trên sự đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các ngành công nghiệp trọng điểm như công nghệ cao, sản xuất bán dẫn và năng lượng tái tạo đã trở thành những lĩnh vực chiến lược trong chiến lược phát triển của Chính phủ. Đồng thời, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhờ vào các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN.

Trong quá trình này, ACCA đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát triển đội ngũ nhân lực tài chính - kế toán, chuyên gia ESG đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Bằng cách cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu, chứng chỉ quốc tế và tổ chức các hội thảo chuyên môn, ACCA giúp các chuyên gia tài chính Việt Nam nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế như IFRS (Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế) và phát triển bền vững.

Các chính sách của ACCA đều hướng tới việc hỗ trợ Việt Nam phát triển đội ngũ nhân lực tài chính, kế toán, phát triển bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng các chuẩn mực quốc tế trong các lĩnh vực này.

ACCA không chỉ cung cấp chương trình đào tạo, chứng chỉ quốc tế, mà còn tổ chức các hội thảo chuyên môn, diễn đàn quốc tế để các chuyên gia tài chính, kế toán của Việt Nam có thể học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia toàn cầu.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và xu hướng ESG ngày càng ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ACCA đang hỗ trợ cộng đồng chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam ra sao trong việc cập nhật các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực thích ứng và phát triển bền vững?

Để hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia tài chính - kế toán tại Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, ACCA đã đẩy mạnh các chương trình đào tạo và hỗ trợ chuyên sâu trong thời gian gần đây.

Trước hết, ACCA tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo các tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc tổ chức các hội thảo chuyên môn, nơi các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc áp dụng các chuẩn mực tài chính, kế toán, kiểm toán và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các chương trình đối thoại lấy ý kiến doanh nghiệp cũng được ACCA triển khai thường xuyên, nhằm nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi và hội nhập.

Một điểm nhấn quan trọng là việc triển khai Chứng chỉ Cao cấp về phát triển bền vững cấp độ chuyên nghiệp, được thiết kế dành cho cấp độ chuyên nghiệp, cung cấp nền tảng kiến thức toàn diện về báo cáo phát triển bền vững, chiến lược ESG và các chuẩn mực mới như IFRS S1 và IFRS S2. Chương trình này không chỉ giúp chuyên gia tài chính tại Việt Nam cập nhật kiến thức, mà còn chuẩn bị cho họ khả năng tư duy chiến lược trong môi trường kinh doanh bền vững toàn cầu.

Song song với đào tạo, ACCA cũng tiến hành các nghiên cứu và khảo sát cấp khu vực, nhằm hỗ trợ cộng đồng chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam có cái nhìn tổng thể về những xu hướng lớn trong lĩnh vực tài chính - kế toán, ESG và chuyển đổi số. 

Đặc biệt, ACCA đang đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới nhất như IFRS, IFRS S1 và IFRS S2. Việc áp dụng các chuẩn mực này giúp doanh nghiệp tăng cường tính minh bạch trong báo cáo tài chính, cải thiện chất lượng quản trị, từ đó nâng cao uy tín trên trường quốc tế và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, sự tuân thủ chặt chẽ các chuẩn mực quốc tế còn giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận các dòng vốn đầu tư xanh và vốn ESG đang gia tăng mạnh mẽ, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong môi trường toàn cầu hóa ngày càng khắt khe.

Hướng tới năm 2030, ông hình dung vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu sẽ như thế nào? Theo ông, đâu là yếu tố then chốt để hiện thực hóa tầm nhìn đó (chính sách thông minh hơn, hạ tầng hiện đại hơn, hay đội ngũ nhân sự tài chính đạt chuẩn quốc tế)?

Đến năm 2030, Việt Nam được kỳ vọng sẽ nắm giữ vị thế ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn cả về quy mô lẫn chất lượng. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu đa dạng hóa điểm đến đầu tư của các tập đoàn quốc tế, cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, đang mở ra những cơ hội chưa từng có để Việt Nam nâng tầm vai trò trong thương mại, sản xuất và dịch vụ toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc tế với Việt Nam không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn đa dạng hơn về chất lượng và chiều sâu, từ các lĩnh vực truyền thống như sản xuất, xuất khẩu, đến các ngành mũi nhọn mới như công nghệ cao, tài chính xanh và phát triển bền vững.

Để tận dụng trọn vẹn những cơ hội chiến lược này, Việt Nam cần tập trung mạnh mẽ vào việc nâng cao các tiêu chuẩn hoạt động, từng bước tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế về chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, tuân thủ pháp lý và đặc biệt là quản lý tài chính. Trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại, nơi sự minh bạch tài chính, quản trị rủi ro hiệu quả và báo cáo bền vững trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các chuỗi giá trị quốc tế, việc đạt được và duy trì những chuẩn mực quốc tế cao nhất về tài chính sẽ quyết định khả năng thu hút vốn đầu tư, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, cũng như nâng cao uy tín quốc gia.

Một yếu tố sống còn để hiện thực hóa tầm nhìn đó chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - kế toán. Việt Nam không chỉ cần tăng số lượng nhân sự có kỹ năng chuyên môn cao, mà còn phải chú trọng đào tạo đội ngũ có tư duy toàn cầu, am hiểu chuẩn mực quốc tế, linh hoạt trong thích ứng với các xu hướng công nghệ và bền vững mới. Đội ngũ nhân sự này sẽ là lực lượng nòng cốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam vận hành hiệu quả trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc tế và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

"Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho nghề kế toán - kiểm toán chuyên nghiệp trong làn sóng hội nhập."

- Bà Helen Brand, Tổng Giám đốc ACCA

Khung kế toán vững chắc, hệ thống báo cáo tài chính và phát triển bền vững hiện đại, cùng với không ngừng cập nhật kỹ năng nghề nghiệp, chính là chìa khóa để Việt Nam hội nhập, bứt phá.

Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc kiên định theo đuổi mục tiêu tự do hóa nền kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo ACCA, việc Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các cải cách cơ cấu cần thiết để hiện đại hóa nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu có sức cạnh tranh cao, chính là nền tảng vững chắc để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt mức 7% trong năm 2024, một con số rất tích cực so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới và mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, Việt Nam đang mở ra những cơ hội lớn không chỉ cho thương mại, đầu tư, mà còn cho sự phát triển của nghề kế toán, kiểm toán. Một nền kinh tế phát triển nhanh sẽ luôn cần tới một hệ thống tài chính chuyên nghiệp, minh bạch để làm “xương sống” cho quá trình vận hành hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất điện thoại thông minh, thiết bị điện tử tiêu dùng, bán dẫn và năng lượng sạch. Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng hưởng với chính sách thu hút FDI chủ động của Việt Nam, đang làm gia tăng mạnh nhu cầu đối với các dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn tài chính chất lượng cao.

Những thay đổi tích cực này không chỉ nâng cao tiêu chuẩn nghề nghiệp tại Việt Nam, mà còn khiến kế toán - kiểm toán trở thành lĩnh vực nghề nghiệp hấp dẫn, nhiều triển vọng cho các bạn trẻ. Một lực lượng kế toán viên, kiểm toán viên và chuyên gia tài chính chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, sở hữu chứng chỉ quốc tế, sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo đảm tính minh bạch tài chính, tăng cường khả năng báo cáo bền vững và tạo dựng lòng tin cho nhà đầu tư toàn cầu.
ACCA hợp tác với các trường đào tạo nghề kế toán, kiểm toán tiêu chuẩn thế giới
Tại Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương, ACCA ký kết hợp tác với 2 Trường Cao đẳng nghề bách khoa Hà Nội và Cao đẳng thương mại du lịch Hà Nội....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư