Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thực phẩm
Nhung Bùi - 06/12/2024 08:49
 
An toàn thực phẩm ảnh hưởng đến con người còn sâu rộng hơn tai nạn giao thông hay hay bia rượu, thuốc lá, song tại Việt Nam vấn đề này chưa được nhận thức đầy đủ.

Việt Nam là quốc gia sản xuất thịt lớn đứng thứ 6 trên thế giới trong năm 2023, với khối lượng hơn 2,7 triệu tấn. Nhưng cũng tại Việt Nam, chuỗi sản xuất thịt lợn, với sự tham gia của nhiều khâu trung gian, đang tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Một khảo sát thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và các đối tác cho thấy hơn 50% sản phẩm thịt lợn bán trên thị trường Việt Nam bị nhiễm khuẩn Salmonella, dù đó là kênh phân phối qua chợ truyền thống hay các siêu thị hiện đại. Ước tính cứ 10 người tiêu dùng thịt lợn thì có 1-2 người mắc bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella hàng năm.

Những con số đáng báo động này được chia sẻ tại Hội thảo Tập huấn “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”, do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế tổ chức ngày 5/12.

Hội thảo tập huấn với chủ đề tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm, tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.

Nếu tính chung các bệnh lây truyền từ thực phẩm, mỗi năm người Việt Nam tốn gần 200 triệu USD chi phí nằm viện, theo báo cáo của ILRI.

Từ kinh nghiệm thông qua các chuyến đi thực địa, nhà báo Dương Đình Tường của Báo Nông nghiệp Việt Nam cảm khái: “Càng đi, càng tìm hiểu thì càng không dám ăn gì”. Theo ông, không ít nông dân quen với hình thức “rau hai luống, lợn hai chuồng”, bởi dù có làm sạch, cũng không thể bán giá cao hơn.

Nhà báo Dương Đình Tường chia sẻ một ví dụ đáng báo động, rằng tại một hội thảo tập huấn về an toàn thực phẩm mà ông tham dự, 40% mẫu máu của người tham gia có tồn dư thuốc trừ sâu, dù không phải ai trong số họ cũng trực tiếp làm nông nghiệp. Tại một số vùng trồng rau trọng điểm, 50% trẻ em có tồn dư thuốc trừ sâu trong máu bởi chúng vẫn cần ăn, uống, hít thở.

“An toàn thực phẩm là vấn đề nan giải, hiện hữu hàng ngày, với xác suất diễn ra nhiều hơn tai nạn giao thông hay súng đạn. Quan trọng nhất là người tiêu dùng phải chấp nhận sản phẩm sạch có giá cao hơn sản phẩm thông thường, và sẵn sàng trả giá gấp đôi, gấp ba. Ngoài ra, chúng ta cần một cơ quan và các chế tài đi kèm để giám sát, như vậy mới có sản phẩm an toàn”,  Nhà báo Dương Đình Tường đánh giá.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề như thực phẩm chứa hóa chất, ô nhiễm vi sinh, và thông tin sai lệch về nguồn gốc thực phẩm.

Đa phần các doanh nghiệp đã ý thức đến vấn đề an toàn thực phẩm, thể hiện qua việc xây dựng chuỗi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp, vẫn có trường hợp doanh nghiệp ban đầu làm theo hướng bền vững để lấy chứng chỉ, nhưng sau đó chứng chỉ hết thời hạn, họ cũng không lấy chứng chỉ nữa vì tốn chi phí.

Để người sản xuất duy trì hoạt động sản xuất an toàn, các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng cần thay đổi tư duy, nhận thức.

Ngoài ra, "cuộc chiến" với thực phẩm bẩn còn cần sự tham gia của các cơ quan truyền thông nhằm lan tỏa những thông điệp, kết quả nghiên cứu dựa trên khoa học đến với người dân. Đồng thời, việc đưa tin cần cân nhắc tới những vấn đề chưa chắc chắn, còn nhiều ý kiến khác nhau, để tránh tạo dư luận hoang mang trong xã hội.

Chính quyền cơ sở và vai trò then chốt trong bảo đảm an toàn thực phẩm
Công tác quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở bởi đây là nơi tiếp cận trực tiếp và nhanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư