Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm chứng khoán tuần qua:
Nâng hạng chứng khoán chưa thấy "cửa sáng"; VN-Index giảm tuần thứ ba liên tiếp
Thanh Thuỷ - 26/06/2022 14:42
 
VN-Index lại mất thêm 31,8 điểm trong tuần, ghi nhận tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp và cũng nằm trong số các thị trường giao dịch tiêu cực nhất trong tuần.

Thêm tuần rơi sâu

Tiếp tục chuỗi giảm hai tuần liền trước, VN-Index lại mất thêm 31,8 điểm trong tuần. Chỉ số này đã có thời điểm rơi xuống mức 1.162 điểm, tiến sát mức đáy hồi giữa tháng 5, nhưng đã kịp bật lên trong phiên thứ Năm và đóng cửa  tại 1.185 điểm vào cuối tuần.

Mức rơi 2,61% của VN-Index đưa chứng khoán Việt Nam vào top 10 thị trường giao dịch tiêu cực nhất, chỉ sau Argentina, Peru, Ai Cập, NaUy và Hàn Quốc.

Chỉ số sàn UPcom nhích nhẹ, trong khi HNX-Index cũng giảm 1,47% và ghi nhận tuần giảm thứ tư liên tiếp.

Thanh khoản thu hẹp đáng kể. Trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 575,28 triệu đơn vị/phiên, giảm 12,38% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 12.972,53 tỷ đồng/phiên, giảm 20,5% so với tuần trước.

Cổ phiếu của vua thép Hoà Phát thường xuyên đứng đầu về thanh khoản cũng bất ngờ kém sôi động khi giá trị giao dịch phiên 23/6 “tụt” còn 150 tỷ đồng. Các nhà đầu tư thận trọng khi VN-Index kiểm thử ngưỡng tâm lý quan trọng.

Trái với sự ảm đạm trên thị trường cơ sở, giao dịch chứng khoán phái sinh vẫn khá sôi động. Bình quân cả tuần, giá trị giao dịch tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước. Hợp đồng VN30F2207 đáo hạn vào tháng 7 tới giảm sâu ngay trong ngày đầu tiên, giằng co ở các phiên sau đó và chưa hồi phục so với mức tham chiếu đầu tuần.

“Tội đồ” nhóm cổ phiếu dầu khí

Nguyên nhân chính kéo các chỉ số giảm trong tuần này đến từ dòng dầu khí. Đây cũng chính nhóm đã nâng đỡ thị trường các tuần liền trước. Giá dầu thế giới điều chỉnh cùng áp lực chốt lời sau khi tăng một vài tuần đi lên đã kéo cổ phiếu dầu khí giao dịch tiêu cực.

Cổ phiếu GAS xác lập đỉnh mới 134.000 đồng hôm thứ Sáu, ngày 17/6, nhưng đã “bốc hơi” 20.000 đồng trong tuần qua. GAS là cổ phiếu góp nhiều điểm giảm nhất cho VN-Index. Tương tự, PVS và BSR cũng là đầu tàu kéo chỉ số chung hai sàn HNX và UPCoM đi lùi. Cổ phiếu của các ông lớn VHM, MSN, VIC và HPG giảm giá và cũng là “tội đồ” kéo giảm chỉ số chung.

Mức giảm hơn 6% của cổ phiếu HPG kéo giá trị tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long giảm hơn 2.100 tỷ đồng và lùi về vị trí thứ ba trong top người giàu.

Ở chiều ngược lại, thị trường tuần qua có sự trợ lực của nhóm cổ phiếu tài chính, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu VietinBank, Techcombank, Bảo Việt, ACB, SeABank, Sacomabnk, MB nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường. Nhóm chứng khoán cũng hồi phục từ giữa tuần sau khi rơi mạnh 2 tuần liền trước. Cổ phiếu của Vinamilk cũng có một tuần hồi phục ngoạn mục sau khi chạm xuống mức thấp nhất 6 năm (đóng cửa ở mức 66.700 đồng cuối tuần trước).

Khối ngoại và tự doanh mua ròng cổ phiếu

Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên hai sàn niêm yết, trong khi với riêng sàn UPCoM, chuỗi mua ròng đã kéo sang tới tuần thứ 8. Khối ngoại mua ròng nhiều nhất STB, GAS, VNM, CTG, VGC; trong khi tiếp tục "thoát hàng" HPG. Giá trị mua ròng trên ba sàn đạt 252 tỷ đồng.

Khối tự doanh cũng mua ròng hơn 250 tỷ đồng, sau khi bán ra tuần trước đó. EVF, VIC, MWG, HSG, KDH, FPT cũng khá nhiều cổ phiếu được gom thêm; trong khi lực bán tập trung ở một số mã chứng khoán chính như chứng chỉ quỹ FUEVFVND, DPM, IDC, GAS.

Trong khi đó, nhóm cá nhân trong nước là bên bán chính. Dù vậy, giá trị bán ròng đã giảm mạnh so với tuần liền trước.

MSCI nhấn mạnh vấn đề room ngoại, FTSE Russell đề xuất giải pháp sớm nâng hạng

.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tiếp và làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WorldBank) và đại diện FTSE Russell về việc cập nhật tiến độ và nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam


Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán nóng lên trong tuần qua khi MSCI công bố báo cáo đánh giá thị trường năm 2022 nhấn mạnh tới vấn đề room nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức này nêu ra vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng trong tuần qua, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tiếp và làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WorldBank) và đại diện FTSE Russell về việc cập nhật tiến độ và nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các bên đã cùng cập nhật và trao đổi về tình hình thực tại, cũng như nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn để hỗ trợ quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

UBCKNN cho biết đã cùng các đơn vị liên quan có nhiều buổi làm việc với các thành viên thị trường về việc gỡ bỏ những vướng mắc về ký quỹ trước giao dịch, xây dựng đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường cơ sở; nghiên cứu xây dựng chứng chỉ không có quyền biểu quyết (NVDR), thúc đẩy việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, đơn giản hóa thủ tục cấp mã số giao dịch, v.v…

Đại diện WorldBank và FTSE Russell đề xuất một số giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm cải thiện và hoàn thiện để được nâng hạng, đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, đặc biệt là sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp thường xuyên trong vấn đề nâng hạng thị trường. Vào tháng 9 tới, FTSE sẽ có đợt đánh giá phân loại thị trường định kỳ hàng năm.

Tiếp tục loạt án phạt vì vi phạm công bố thông tin

Theo công bố của UBCKNN tuần qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đã bị xử phạt hành chính 70 triệu đồng do công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn theo quy định pháp luậ. Cụ thể, Novaland đã công bố không đúng thời hạn với UBCKNN và HoSE bản nghị quyết liên quan đến phương án phát hành trái phiếu ra công chúng và sau đó là sửa đổi nội dung Điều 1 nghị quyết trên.

UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Phân phối Top One tổng cộng 115 triệu đồng. Trong đó, Công ty bị phạt tiền 100 triệu đồng do không công bố đối với thông tin báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2022, báo cáo thường niên năm 2021, nghị quyết thông qua kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022. Ngoài ra, Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn tài liệu giải trình ý kiến từ chối đưa ra ý kiến tại BCTC soát xét bán niên năm 2021, công bố thông tin liên quan đến sự kiến có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty xảy ra ngày 31/3/2022. Ngoài ra, công ty bị phạt 15 triệu do không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty.

Ngày 24/6/2022, Thanh tra UBCKNN ban hành Quyết định số 185/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long. Nguyên nhân bởi Công ty không công bố đối với thông tin BCTC bán niên đã soát xét các năm: 2018, 2019, 2020, 2021; BCTC đã kiểm toán các năm: 2018, 2019, 2020, 2021; BCTC các quý III, IV năm 2019, BCTC các quý năm 2020 và 2021 cùng BCTC quý I/2022 và báo cáo thường niên các năm từ 2018; báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2021, báo cáo tình hình quản trị công ty các năm 2020 và 2021.

VNG, AAA, DIG: Lệnh đăng ký mua lớn từ người nội bộ

CTCP Tập đoàn An Phát Holdings thông báo đăng ký mua 40,8 triệu cổ phiếu AAA của CTCP Nhựa An Phát Xanh từ ngày 27/06-26/07. Đây là số cổ phiếu do Nhựa An Phát Xanh phát hành thêm thông qua hình thức đấu giá công khai tại HoSE. An Phát Holdings dự kiến sẽ sở hữu gần 200 triệu cổ phiếu AAA sau giao dịch trên.

CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTCIZ) đăng ký mua 4,3 triệu cổ phiếu VNG từ ngày 28/06-27/07. TTCIZ đang nắm giữ 17 triệu cổ phiếu VNG và là cổ đông lớn của CTCP Du lịch Thành Thành Công (17,47% vốn). Nếu mua thành công, Du lịch Thành Thành Công sẽ trở thành công ty liên kết của TTCIZ.

Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Vietourist vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VTD từ ngày 27/06-22/07. Ông Tuấn đang sở hữu 175.400 cổ phiếu, tương đương 2,92%. Nếu giao dịch diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của ông sẽ được nâng lên 19.57%.

Bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu DIG từ ngày 28/06-27/07. Với quy mô vốn điều lệ lớn, giao dịch trên nếu thành công chỉ giúp bà Thành tăng tỷ lệ sở hữu lên 0,2%.

Trước bà Thành, một Phó chủ tịch HĐQT DIG đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu từ ngày 30/06-29/07, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,28% lên 12,28% vốn điều lệ.

Động thái gom cổ phiếu được vợ Chủ tịch DIC Group triển khai khi cổ phiếu DIG đang trong xu hướng lao dốc mạnh 3 tháng gần đây, trong đó giảm kịch biên độ 5 phiên liên tiếp từ 15/6 đến 21/6.

Ở chiều ngược lại, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân đã bán 1,15 triệu cổ phiếu tại phiên 21/6. Ngày 22/7 tới, DIC Corp sẽ chốt quyền trả cổ tức 2021 và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 22%.

Góc nhìn tuần 27/6 -1/7: Kỳ vọng bắt đầu quá trình tích, tạo đà hồi phục
Khu vực 1.200 điểm tiếp tục là mốc quan sát quan trọng của VN-Index. Nếu chỉ số chinh phục thành công vùng cản kể trên, đà hồi phục có thể mở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư