Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nên xem chi phí bảo mật là khoản đầu tư dài hạn
Thế Hải - 20/08/2016 07:10
 
Theo báo cáo gần đây của Kaspersky Lab, Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về sự nguy hiểm tiềm ẩn khi lướt web, với 35% số người dùng đã bị tấn công. Còn theo số liệu của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, năm 2015, riêng Việt Nam phải hứng chịu 31.500 vụ tấn công mạng.

Những số liệu trên đặt ra những thách thức rất lớn trong việc bảo mật thông tin, trong khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp vẫn chưa biết cách sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn mạng một cách hiệu quả. Đặc biệt, sau sự cố tấn công mạng của Vietnam Airlines vừa qua, nhiều hãng công nghệ lớn đang đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ vấn đề bản quyền và bảo mật cho doanh nghiệp.

Một tin vui cho các doanh nghiệp Việt Nam là, tới đây, CMC Telecom, công ty thành viên của Tập đoàn CMC sẽ chính thức hỗ trợ rà soát lỗ hổng bảo mật trong quản trị công nghệ thông tin của doanh nghiệp và đề xuất các hướng giải quyết căn bản về quản trị bảo mật thông tin cho doanh nghiệp.

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Tùng Sơn, Phó tổng giám đốc CMC Telecom cho hay, CMC Telecom hiện là đối tác độc quyền cung cấp dịch vụ quản lý bảo mật (Managed Security Service - MSS) của IBM tại Việt Nam. Quyết định đồng hành cùng IBM, CMC Telecom kỳ vọng hỗ trợ hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp, thông qua những dịch vụ công nghệ bảo mật hàng đầu thế giới.

Không chỉ với IBM, CMC cũng đã hợp tác với nhiều “đại gia” công nghệ quốc tế như CISCO, DELL,

Microsoft, ORACLE, EMC, Diebold, VmWare, 3i Infotech, BPC, Time dotCom… nhằm cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam những thông tin chuyên sâu về an ninh mạng và hỗ trợ các đơn vị này tiến hành các biện pháp toàn diện nhằm bảo vệ con người, dữ liệu, các ứng dụng và hạ tầng công nghệ thông tin.

Ông Đặng Tùng Sơn cho biết, phần mềm không bản quyền dễ chứa sẵn virus và mã độc (malware), nên đây là môi trường lý tưởng cho tin tặc thâm nhập hệ thống thông tin của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền có nguy cơ bị mất 73% dữ liệu quan trọng, 55% sẽ không thể hồi phục được tất cả dữ liệu khi hệ thống chủ bị hỏng, trong khi khả năng lây nhiễm virus cho đối tác, khách hàng cũng rất lớn. Việc này không những gây hại cho bảo mật, an ninh thông tin của bản thân doanh nghiệp, mà còn có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc của Microsoft Việt Nam - đối tác cùng CMC Telecom cung cấp Dịch vụ Điện toán Đám mây Office365 - khuyến cáo, doanh nghiệp nên sớm có ý thức sử dụng phần mềm có bản quyền, bởi chỉ có vậy, các dữ liệu và thông tin của doanh nghiệp mới được bảo vệ tối ưu, giúp “miễn nhiễm” với hiểm họa từ virus, mã độc.

Thực tế, chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin nên được coi là khoản đầu tư lâu dài nhằm tăng sức mạnh công nghệ của doanh nghiệp, nâng cao uy tín và sự tin tưởng của khách hàng và đối tác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam chưa thể tự xây dựng được một hệ thống phòng vệ an ninh toàn diện do hạn chế về cập nhật công nghệ và nhân sự quản trị công nghệ thông tin cao cấp.

“Việc đầu tư cho công nghệ thông tin của không ít doanh nghiệp trong nước thời gian qua còn manh mún, thiếu tính chủ động và khả năng phòng ngừa, nên dễ tạo lỗ hổng an ninh cho tin tặc tấn công. Do vậy, giải pháp đặt ra hàng đầu hiện nay là bảo đảm an toàn cho hệ thống công nghệ thông tin, tăng sức đề kháng của doanh nghiệp trước các cuộc tấn công mạng”, ông Trí nói.

Gần 1 tỷ thiết bị Android dính lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng
Google cho biết họ sẽ ra mắt bản sửa lỗi vào tháng 9 năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư