Thứ Hai, Ngày 07 tháng 04 năm 2025,
Nếu có môi trường thuận lợi, doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới
Mạnh Bôn - 06/04/2025 08:58
 
“Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp” là yêu cầu vừa được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 25/3/2025. Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu có môi trường phát triển thuận lợi, không chỉ tăng được số lượng gấp đôi hiện nay, mà chất lượng doanh nghiệp tư nhân sẽ được cải thiện đáng kể.
TS. Cấn Văn Lực.

Chính phủ từng đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Hiện tại thì sao, thưa ông?

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết đánh giá rất hay, rất sâu sắc về khu vực kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Trong đó, Tổng Bí thư khẳng định, thành công của nền kinh tế Việt Nam hiện nay có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Trong 2 thập niên trở lại đây, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, dù đóng góp ngày càng lớn, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Vì vậy, mặc dù hiện nay có gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm hơn 82% tổng số lao động, nhưng đóng góp vào GDP chưa đến 51%, tăng không đáng kể so với tỷ trọng 15,11% vào năm 2010.

Điều đáng nói là, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP từ năm 2020 đến nay hầu như không tăng, vẫn ở mức 50-51%. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong bài viết về vấn đề này, Tổng Bí thư đã chỉ ra 7 nút thắt, điểm nghẽn cơ bản, đồng thời đưa ra 7 nhóm giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất đồng tình.

Tôi cho rằng, bắt tay gỡ 7 nút thắt, thực hiện 7 nhóm giải pháp, thì đến năm 2030, Việt Nam có thể có 2 triệu doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP 60-65%, thậm chí là 70% và còn cao hơn. Thực tế đã chứng minh, nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Để thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển thành mô hình doanh nghiệp. Theo ông, vì sao hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp?

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí “không muốn lớn”.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành năm 2017 đưa ra nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp, nhưng các cơ chế, chính sách không đi vào cuộc sống hoặc được thực thi không đáng kể, không đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi của hộ kinh doanh.

Vì vậy, trong Chỉ thị 10/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì tổ chức thi hành triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực chất, hiệu quả. Và ngay năm nay, phải đánh giá tình hình triển khai luật này, đề xuất, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa ngay theo hướng đổi mới thực chất các chính sách hỗ trợ; quy trình, thủ tục hỗ trợ...

Hộ kinh doanh cá thể, cá nhân kinh doanh đóng góp vào GDP khoảng 23%. Để khu vực này phát triển mạnh, cần có hệ sinh thái khuyến khích, nâng cấp hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Cụ thể là bằng cách nào, thưa ông?

Muốn khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, trước mắt, thực hiện tất cả các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để hộ kinh doanh nhận thấy, khi trở thành doanh nghiệp, họ mới được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Sau đó, cân nhắc miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập từ hộ kinh doanh cá thể trong 3-5 năm đầu sau khi chuyển đổi.

Đa phần hộ kinh doanh cá thể không hiểu biết nhiều về chế độ hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán, nên nhiều người cũng muốn “làm giám đốc”, nhưng sợ phải thực hiện đầy đủ các quy định về sổ sách, kế toán, hóa đơn, chứng từ, kê khai, tính thuế... Vì vậy, cần phải đơn giản tối đa thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn hơn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ. Khi là hộ kinh doanh thì quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh rất đơn giản, nhưng khi đã trở thành doanh nghiệp, dù hoạt động vẫn thế, doanh thu vẫn thế, nhưng buộc phải thay đổi cách quản trị. Vì vậy, cần hỗ trợ, đào tạo, thậm chí hỗ trợ trực tiếp, đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc cho họ kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

Trong Công điện 22/CĐ-TTg ngày 9/3/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ); bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi nghĩ, cần phải cắt giảm, bãi bỏ không giới hạn chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ không cần thiết đang gây cản trở cho đối tượng này.

Số lượng doanh nghiệp tăng hàng năm, nhưng doanh nghiệp tư nhân có xu hướng ngày càng nhỏ về quy mô. Hơn chục năm trước, quy mô vốn của doanh nghiệp thành lập mới khoảng 10-12 tỷ đồng, bây giờ còn khoảng 10 tỷ đồng. Như vậy, để khu vực này phát triển, thì vốn vẫn là yếu tố đặc biệt quan trọng?

Vốn cho doanh nghiệp là câu chuyện rất cũ, nhưng đến giờ, việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn vẫn là vấn đề thời sự. Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp cần phải thay đổi quan điểm về nguồn vốn hoạt động. Vốn vay ngân hàng tối đa chỉ chiếm 50%, doanh nghiệp đừng quá trông ngóng vào nguồn vốn này, mà phải đa dạng hóa các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, vốn tự có, vốn huy động...

Tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam thuộc loại cao nhất khu vực. Tín dụng cho nền kinh tế càng cao thì tiềm ẩn rủi ro càng lớn, không chỉ cho doanh nghiệp, cho ngân hàng, mà cho cả nền kinh tế, vì tiền nhà băng cho vay là tiền gửi tiết kiệm của dân cư, tổ chức.

Để tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, dư nợ tín dụng ước tăng 15-16%. Những năm tới, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng GDP ở mức 2 con số. Theo đó, vốn cho khu vực doanh nghiệp nói chung, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng sẽ tăng.

Dư nợ tín dụng tăng không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu đảm bảo các điều kiện về quản trị kinh doanh; sổ sách kế toán công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả, thì dù không có tài sản thế chấp, vẫn được rất nhiều nhà băng mời chào cho vay tín chấp với mức lãi suất hấp dẫn.

Sau bài viết của Tổng Bí thư, Chỉ thị, Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn quan điểm về kinh tế tư nhân có sự chuyển biến mạnh mẽ; cơ chế chính sách phải thay đổi theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, nguồn vốn cũng được tháo gỡ, tôi tin rằng, mục tiêu thêm 1 triệu doanh nghiệp nữa vào năm 2030 có thể thành hiện thực.

Góc nhìn doanh nghiệp tư nhân về tương lai kinh tế Việt Nam
Các doanh nghiệp tư nhân mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án, cải thiện cơ chế thanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư