Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nếu được phép, sẽ bổ sung khu thương mại tự do cho Hải Phòng sau
Nguyễn Lê - 22/10/2021 14:34
 
Quốc hội thảo luận tổ về cơ chế chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tổ.

Chính phủ có đề xuất về khu thương mại tự do cho Hải Phòng, nếu nghiên cứu kỹ và được Bộ Chính trị cho phép thì bổ sung vào cơ chế chính sách sau, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại phiên thảo luận tổ về cơ chế chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Trước đó, tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về nội dung này cũng không còn nội dung về cho phép Hải Phòng được lập khu thương mại tự do, như đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 10/2021.

Tại phiên họp đó, sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nên trình Bộ Chính trị về khu thương mại tự do với một số định hướng lớn để Bộ Chính trị chấp thuận về chủ trương, sau đó tập trung xây dựng đề án để Chính phủ trình Quốc hội vào thời gian phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các nghị quyết về cơ chế đặc thù nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương nói trên, tăng đóng góp ngân sách, việc làm và đưa các địa phương này trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh.

“Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng”, Bộ trưởng  nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết 4 địa phương mong chờ nhất hai vấn đề lớn là phân cấp đặc quyền cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

“Nhưng đúng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, tôi đồng tình là đã cho phép cơ chế như thế này thì làm sao để nghiên cứu cho kỹ, cho đầy đủ, phù hợp với điều kiện đặc thù riêng có từng địa phương, tạo điều kiện cho họ bứt phá, trở thành đầu tàu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thể hiện quan điểm.

Các cơ chế, chính sách được trình Quốc hội sáng 22/10, theo Bộ trưởng là các nội dung được địa phương đề xuất, các bộ ngành thẩm định trên ý địa phương. Cũng có thể có thêm những cơ chế chính sách khác nhưng do vấn đề thời gian, nên sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm. Chẳng hạn như đề xuất cho Hải Phòng có thêm khu thương mại tự do nói trên.

Nhấn mạnh yêu cầu làm sao để các cơ chế, chính sách hài hoà được với các địa phương, không ảnh hưởng ngân sách nhà nước, tổ chức thực hiện huy được hết các cơ chế đã trao, Bộ trưởng cho rằng, nếu cho cơ chế rồi mà tăng trưởng vẫn thế, không có đóng góp gì thêm thì ý nghĩa giảm đi rất nhiều. “Chúng tôi hết sức quan tâm vấn đề này. Chúng tôi sẽ bám sát với địa phương xem các chính sách có phát huy được hết không, đánh giá lại. Cơ chế là để làm sao các địa phương thực hiện chủ động, chứ không được lạm dụng. Cơ chế cho tốt nhưng kết quả lại không tốt thì cũng không được", Bộ trưởng nói.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng quan tâm đến sự cần thiết sự thống nhất cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh. Theo đại biểu, trước hỗ trợ nơi yếu, đó là cách tiếp cận truyền thống. Giờ thì tiếp cận những nơi có tiềm năng, lợi thế. Đây là cách tiếp cận nhiều quốc gia đã làm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, Quốc hội đã từng trao cho TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng cơ chế đặc thù, ưu tiên phát triển vùng có động lực tăng trưởng cao bên cạnh việc quan tâm các tỉnh nghèo, khó khăn.

Ông Định cho rằng vấn đề cần được quan tâm đó là giành nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng để các tỉnh, thành phố được trao cơ chế đặc thù phát huy sức mạnh của mình. Giảm bớt thủ tục cho công việc nhanh gọn, để cho các đơn vị phát triển.

Hải Phòng có thể trở thành động lực tăng trưởng của cả nước chứ không chỉ vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Trong khi đó, Thanh Hoá, Nghệ An là những tỉnh có diện tích lớn, dân đông. Sau thời gian thí điểm thì sẽ tổng kết, nếu phù hợp có thể sửa luật, có thể áp dụng tỉnh này hoặc áp dụng tỉnh khác, Phó chủ tịch nhìn nhận.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho Hải Phòng lập khu thương mại tự do
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư