Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nga đóng cửa Nord Stream 1 cho tới khi các lệnh cấm vận được gỡ bỏ
Tư Thuần - 06/09/2022 14:54
 
Chính phủ Nga vừa có phát ngôn mạnh mẽ về việc ngừng cung cấp khí đốt tới châu Âu qua đường ống Nord Stream 1.

Ngày 5/9, Điện Kremlin đã có phát ngôn về việc ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 khi trả lời Reuters.

Cụ thể, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Vấn đề với nguồn cung cấp khí đốt xuất phát từ các lệnh cấm vận đang được áp đặt lên nước Nga từ các quốc gia phương Tây, bao gồm Đức và Anh”.

“Chúng tôi chứng kiến các quốc gia phương Tây không ngừng trút hết trách nhiệm và đổ lỗi lên nước Nga. Chúng tôi thẳng thắn từ chối việc này và khẳng định một số quốc gia phương Tây - cụ thể là EU, Canada và Anh là đối tượng phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện tại”, ông Peskov nói và cho biết, đường ống Nord Stream 1 sẽ hoạt động trở lại để cung cấp khí đốt tới châu Âu nếu các lệnh cấm vận được gỡ bỏ.

Trước đó, Gazprom - công ty năng lượng nhà nước Nga thông báo tạm ngừng hoạt động đường ống Nord Stream 1 vì sự cố kỹ thuật và chưa rõ thời gian nối lại hoạt động. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho các quốc gia châu Âu, đa phần được vận chuyển thông qua đường ống này. Năm 2021, Nga xuất khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí đốt tới châu Âu.

Ngay sau khi Nord Stream 1 ngừng hoạt động, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng khoảng 36% trong ngày thứ Hai (5/9). Chỉ số Dutch TTF Futures - chỉ số giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu đã tăng 28,5% lên mức 266 USD/Mwh, mức tăng mạnh nhất trong 1 ngày kể từ tháng 5/2022 tới nay, theo số liệu của Bloomberg.

Sau khi đường ống Nord Stream 1 đóng cửa, hiện chỉ còn 2 hệ thống vận chuyển khí đốt tới châu Âu. Đó là đường ống đi qua Ukraine, hiện cũng đang hoạt động dưới công suất do xung đột với Nga và đường ống TurkStream chạy từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ, hiện vẫn hoạt động bình thường.

“Các thành viên thị trường hiện rất lo lắng về hoạt động của 2 đường ống qua Ukraine và đường ống tới Thổ Nhĩ Kỳ”, Warren Patterson, chiến lược gia thị trường hàng hoá tại ING Bank chia sẻ.

Châu Âu đối mặt với cú sốc mới về giá khí đốt
Châu Âu nguy cơ đối mặt với cú sốc mới khi giá khí đốt tăng cao dẫn đến lo ngại lạm phát leo thang.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư