Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngã rẽ nào cho dự án tỷ đô Thép Guang Lian?
Nguyên Đức - 16/06/2014 07:32
 
Bắt đầu triển khai từ năm 2006, nhưng sau gần 10 năm, Dự án Thép Guang Lian (Quảng Ngãi) vẫn giậm chân tại chỗ. Sự tham gia của Tập đoàn JFE (Nhật Bản) vào dự án này hiện cũng chưa thực sự rõ ràng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chính phủ gỡ vướng cho siêu dự án thép Formosa
Thép Trung Quốc trà trộn để trốn thuế
Tata Steel rút khỏi Dự án thép 5 tỷ USD tại Vũng Áng
Dự án thép Sun Steel: Kỷ lục về chậm bàn giao
Vinashin vẫn “chôn” hàng chục tỷ ở Dự án Thép Cà Ná

Quá sốt ruột trước tiến độ của Dự án Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD, trong một cuộc làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vào cuối tháng 5/2014, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích đã đốc thúc các bên đẩy nhanh quá trình triển khai dự án này, mà có lẽ trước tiên là khả năng tham gia Dự án của Tập đoàn JFE (Nhật Bản).

  Hiện trường Dự án Thép Guang Lian sau 10 năm triển khai  
  Hiện trường Dự án Thép Guang Lian sau 10 năm triển khai. Ảnh: Đức Thanh  

Thép Guang Lian chính thức được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, đầu tiên là cho Tập đoàn Tycoons (Trung Quốc), sau đó có thêm sự tham gia của E-United (Đài Loan), với tỷ lệ góp vốn tương ứng là 10% và 90%.

Triển khai chậm, đã qua 4 lần đổi giấy chứng nhận đầu tư và đã dừng triển khai xây dựng từ năm 2010. Đầu năm 2012, E-United và JFE - một trong những tập đoàn thép hàng đầu của Nhật Bản và toàn cầu, đã ký thỏa thuận hợp tác để cùng triển khai dự án này.

Kể từ đó, hơn 2 năm qua, JFE đã thực hiện khảo sát, đánh giá và có những đề xuất xung quanh việc triển khai Dự án. Theo kế hoạch của JFE, trong giai đoạn I, sẽ xây dựng một dự án sản xuất thép tấm cán nóng, với vốn đầu tư 4,5 tỷ USD - bằng đúng số vốn mà chủ đầu tư trước đây của Guang Lian dự kiến điều chỉnh tăng vốn.

Thép tấm cán nóng, theo lý giải của JFE, là sản phẩm mà Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn. Do đó, việc triển khai Dự án sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc đáp ứng nhu cầu thép tấm cán nóng của Việt Nam. Chưa kể, theo kế hoạch, JFE còn muốn phát triển sản xuất thép cao cấp dùng trong chế tạo ô tô, các thiết bị gia dụng và các ngành công nghiệp khác.

Kế hoạch đầu tư của JFE có thể lớn hơn nhiều trong giai đoạn II. Tuy nhiên, để có thể ra quyết định cuối cùng về việc có đầu tư dự án này ở Việt Nam hay không, JFE đã có một loạt đề xuất lên Chính phủ Việt Nam, như bổ sung 210 ha đất, để nâng tổng diện tích đất của Dự án lên 714 ha; điều chỉnh quy hoạch cảng biển từ 11 bến lên 25 bến; được kế thừa các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đã cấp cho Dự án Guang Lian; các đề xuất liên quan đến điện, nước, giải phóng mặt bằng…

Các đề xuất trên đã được các bộ, ngành Trung ương xem xét trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến chưa thống nhất liên quan đến một số vấn đề, trong đó có việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư. Sự không thống nhất này xuất phát từ quan điểm cho rằng, việc điều chỉnh quy mô, nâng công suất Dự án được thực hiện khi Guang Lian chưa đi vào hoạt động, đang trong quá trình xây dựng, nên không được coi là đầu tư mở rộng, mà không phải là đầu tư mở rộng thì không được hưởng ưu đãi đầu tư mở rộng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cũng tỏ ra sốt ruột trước việc các đề xuất của nhà đầu tư JFE chưa có được câu trả lời từ Chính phủ Việt Nam. “Nhà đầu tư đang chờ đợi các quyết định cuối cùng liên quan đến các đề xuất này. Dự án đã triển khai quá lâu, dân sốt ruột, trong khi JFE là một nhà đầu tư có tiềm lực và họ làm ăn rất nghiêm túc”, ông Dũng nói.

Như vậy, có thể hiểu, ngã rẽ của Dự án Thép Guang Lian vẫn còn bỏ ngỏ và đang phụ thuộc vào quá trình xem xét các đề xuất của chủ đầu tư.

Một động thái tích cực là, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách với Dự án Thép Guang Lian. Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là một dự án có vai trò quan trọng trong việc phát triển của Khu kinh tế Dung Quất. Hơn nữa, trong bối cảnh khả năng các nhà đầu tư cũ triển khai Dự án khó khăn, thì việc JFE tham gia Dự án là giải pháp tốt cần được khuyến khích và ủng hộ để Dự án tiếp tục được triển khai xây dựng.

Với quan điểm như vậy, một trong những điểm mấu chốt là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ việc Dự án được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần đầu tư mở rộng, như đề xuất của JFE. Đây có lẽ cũng sẽ là điểm mấu chốt ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định đầu tư của Tập đoàn JFE, cũng như số phận của dự án thép quy mô lớn, nhưng khá long đong này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư