Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Ngăn chặn hơn 12.800 website lừa đảo, blog vi phạm pháp luật
Tú Ân - 30/07/2024 10:35
 
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ngăn chặn 12.818 web/blog vi phạm, trong đó có 3.170 website lừa đảo trực tuyến.

Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 ngành thông tin và truyền thông, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 2.579 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 37,1% kế hoạch năm 2024. Số lượng lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước khoảng 3.903 lao động, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 92,1% kế hoạch năm 2024. 

Tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 6/2024 hơn 9,1 triệu chứng thư số (9.131.496 chứng thư số) tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2023 (6.540.927 chứng thư số).

Còn Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, lũy kế đến tháng 6/2024, thông qua triển khai Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia (DNS Shinkhole quốc gia), Bộ Thông tin và Truyền thông đã ngăn chặn 12.818 web/blog vi phạm, trong đó có 3.170 website lừa đảo trực tuyến. Bảo vệ hơn 10,981 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo, vi phạm pháp luật).

Website giả mạo trang web dịch vụ công quốc gia.
Website giả mạo trang web dịch vụ công quốc gia.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT,...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Thời gian vừa qua xuất hiện các chiến dịch tấn công Ransomware nhằm vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quan trọng như: chứng khoán, tài chính, ngân hàng, năng lượng, viễn thông,… điển hình là VNDirect, PVOil, VNPOST….

Giải pháp cho các vần đề này, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, là phải phát triển Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia. Thúc đẩy Hệ sinh thái tín nhiệm mạng. Giám sát không gian mạng liên tục, phát hiện website, đối tượng giả mạng, lừa đảo. Thúc đẩy trình duyệt, nền tảng số, ứng dụng Việt Nam. Phối hợp với Bộ Công an xử lý hình sự các đối tượng lừa đảo đã được phát hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung mới để nâng cao nhận thức của người dân.

Cùng với đó là tổng rà soát tình hình an toàn thông tin của các lĩnh vực quan trọng ( bao gồm cả các Hệ thống thông tin quan trọng của doanh nghiệp). Tăng cường việc rà soát, đánh giá, phát hiện các lỗ hổng bảo mật, yêu cầu các đơn vị thực hiện vá lỗi, đảm bảo an toàn thông tin tuân thủ đúng quy phạm pháp luật. Phát triển thêm và hỗ trợ các đơn vị sử dụng hiệu quả các nền tảng hỗ trợ công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư