Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ngăn chặn “rác công nghệ”
Mạnh Bôn - 24/12/2017 10:46
 
Theo ông Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, sử dụng công nghệ lạc hậu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn biến nước ta trở thành “bãi rác công nghệ”. Để ngăn chặn tình trạng đó, cần thực hiện nghiêm túc việc thẩm định công nghệ của dự án đầu tư theo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018).
TIN LIÊN QUAN

Bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0, các nước phát triển sẽ loại bỏ công nghệ, thiết bị, máy móc, dây chuyền lạc hậu. Nhiều người lo ngại, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới?

Tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp. Đặc biệt, một số ngành, lĩnh vực như nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng… vẫn sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu 2 - 3 thế hệ. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức độ sẵn sàng về công nghệ của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ; chuyển giao công nghệ thứ 81; hấp thụ công nghệ thứ 121 và khả năng tiếp thu công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.

.
.

Nếu các vị trí xếp hạng về công nghệ nêu trên không được thay đổi theo hướng tích cực thì Việt Nam khó có thể giữ được vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu như hiện nay (Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với cách đây 5 năm). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đến thu hút đầu tư nước ngoài và rất có thể biến nước ta thành “bãi rác công nghệ”, nếu doanh nghiệp không đầu tư thích đáng cho công nghệ, mà chỉ muốn nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền giá rẻ.

Để ngăn chặn “bãi rác công nghệ”, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang phản ứng quy định này, thưa ông?

Thiết bị, máy móc, dây chuyền đã qua sử dụng, theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ được nhập khẩu khi tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm và được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp phản ứng vì quy định “cứng” tuổi của thiết bị không được quá 10 năm, bởi trên thực tế, có hàng ngàn loại thiết bị, máy móc có thời gian sử dụng 20 - 30 năm, nhưng cũng có loại có thời gian sử dụng chỉ 10 - 15 năm hoặc ngắn hơn nữa, nên quy định cứng tuổi của thiết bị không quá 10 năm là không phù hợp.

Hơn nữa, trong thực tế, rất nhiều loại máy móc, thiết bị, dây chuyền có xuất xứ từ EU, Mỹ, Nhật Bản… có tuổi đời trên 10 năm, nhưng chất lượng vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với máy móc, thiết bị cùng loại có xuất xứ từ các nước có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn. Do vậy, việc quy định cứng tuổi thiết bị, máy móc không được quá 10 năm là không hợp lý.

Ý của ông là cho nhập khẩu công nghệ, thiết bị, máy móc đã qua sử dụng?

Theo tôi, nếu không muốn trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, cùng với việc ban hành Danh mục Công nghệ khuyên khích chuyển giao, Danh mục Công nghệ cấm chuyển giao, Chính phủ cần sớm ban hành Danh mục Công nghệ hạn chế chuyển giao. Đó là công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển; sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại; sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước…

Đối với công nghệ, thiết bị, công nghệ, máy móc, dây chuyền đã qua sử dụng tại các nước phát triển, chỉ cho nhập khẩu khi phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Tuyệt đối cấm nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh

lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học; công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia đang phát triển…

Không ít dự án có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu. Theo ông, có cách gì ngăn chặn tình trạng này?

Đúng là từ trước đến nay, các cơ quan nhà nước không quản lý chặt công nghệ, thiết bị của các dự án đầu tư nước ngoài, nên có tình trạng nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào dự án bằng thiết bị, công nghệ, máy móc lạc hậu và khi phát hiện ra dự án nào đó sử dụng công nghệ cũ nát thì không cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm.

Để ngăn chặn dự án đầu tư, cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị dây chuyền lạc hậu, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi đã quy định cụ thể về thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Cụ thể, kể từ ngày 1/7/2018, trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, các dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao, dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ.

Cơ quan quản lý nhà nước không chỉ thẩm định khi dự án mới có chủ trương đầu tư, có quyết định đầu tư, mà còn phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ trong suốt quá trình hoạt động của dự án.

Tôi cho rằng, nếu thực hiện nghiêm túc việc thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư cả vốn nhà nước lẫn vốn tư nhân, cả vốn đầu tư trong nước cũng như vốn đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi và tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 31/10/2012) là “chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội”, thì chắc chắn sẽ không còn nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư