Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Ngăn đổ vỡ domino trên thị trường P2P lending: Cần gấp rút ban hành khung khổ, hành lang pháp lý
Thùy Liên - 03/12/2022 08:22
 
Làn sóng tháo chạy khỏi các công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) sau sự cố VO247 mất thanh khoản đã lắng lại sau khi Fiin Credit thông báo giải cứu vào phút chót.

Tuy vậy, sự việc này cũng đòi hỏi cơ quan quản lý cần cấp bách ban hành khung khổ pháp lý.

Nhiều nhà đầu tư cho vay ngang hàng khá hoang mang sau sự cố Công ty VO247

Doanh nghiệp cứu nhau tránh đổ vỡ lây truyền

Sau khi thông báo ngừng cho nhà đầu tư rút tiền, đầu tuần này, ông Tạ Thanh Long, Giám đốc CTCP Công nghệ tài chính VO247 (Công ty P2P lending) đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố muốn cho Công ty phá sản, giao tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư tự mang đi bán để thu hồi nợ.

Tuyên bố này khiến nhà đầu tư lo lắng cực độ và phản ứng dữ dội. Được biết, lãi suất mà VO247 đang trả cho nhà đầu tư là 18-20%/năm. Tổng số tiền mà VO247 huy động của nhà đầu tư là 150 tỷ đồng, tài sản bảo đảm ước tính hiện là 120 tỷ đồng.

Trước nguy cơ đổ vỡ của VO247, nhiều nhà đầu tư các sàn cho vay ngang hàng khác cũng hoang mang rút tiền, kéo theo nguy cơ đổ vỡ chéo của mô hình này. Để tránh diễn biến trầm trọng hơn, giữa tuần này, CTCP Đổi mới công nghệ tài chính Fiin (Fiin Credit) đã tuyên bố tham gia “giải cứu” VO247.

Ông Trần Việt Vĩnh, Tổng giám đốc Fiin Credit cho hay, ngoài lý do ông Long từng là một thành viên sáng lập Fiin Credit, có mối quan hệ cá nhân thân thiết với lãnh đạo Công ty, thì việc cứu VO247 còn để ngăn hiệu ứng rút tiền lan rộng, ngăn chặn tình trạng người vay bùng nợ.

Theo đó, sau khi thống nhất với VO247, phương án được Fiin Credit đề xuất là Fiin Credit sẽ cùng VO247 tiếp tục duy trì hoạt động của VO247, tạm dừng cho vay mới và tập trung thu hồi tài sản, xử lý nợ để trả tiền cho nhà đầu tư. Hai doanh nghiệp sẽ cùng nhà đầu tư ký hợp đồng ba bên. Việc bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu sẽ diễn ra trong vòng 12 tháng. Sau thời gian này, nếu VO247 không hoàn trả được hết số tiền của nhà đầu tư, thì cá nhân ông Vĩnh và Fiin Credit sẽ đứng ra hoàn trả hết cho nhà đầu tư trong vòng 1-3 tháng.

Lý do khiến Fiin Credit không thể hỗ trợ VO247 hoàn trả tiền cho nhà đầu tư tại thời điểm này là do Fiin Credit cũng phải dự phòng nguồn tiền để đối phó với bất ổn thị trường và nhằm đảm bảo an toàn hoạt động.

CEO của Fiin Credit cũng cam kết việc hỗ trợ xử lý khủng hoảng thanh khoản của VO247 sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Fiin Credit.

Dự kiến, sang tuần, Fiin Credit và ông Tạ Thanh Long sẽ có buổi làm việc để “chốt” số liệu, làm rõ danh mục tài sản đảm bảo cũng như thống nhất các điều khoản cụ thể để ký kết với nhà đầu tư.

Cần trám lỗ hổng hành lang pháp lý

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz - một công ty P2P lending nhắm vào phân khúc doanh nghiệp cho rằng, tình hình thanh khoản thị trường hiện tại giống như giông bão, công ty nào yếu thì sẽ bị “quật” đầu tiên.

“Hiện nay, dòng tiền của nền kinh tế bị nghẽn, thanh khoản của ngay cả ngân hàng cũng khó khăn. Vì vậy, với trường hợp doanh nghiệp P2P lending gặp khó khăn, tôi cho rằng, cần ngồi lại với nhà đầu tư, nếu không, hiệu ứng domino sẽ xảy ra, gây đổ vỡ hàng loạt. Nhà đầu tư cũng phải bình tĩnh, cho doanh nghiệp thời gian để thu xếp”, ông Hưng khuyến nghị.

Trước mắt, với sự tham gia giải cứu của Fiin Credit, VO247 đã được giải cứu khỏi tình trạng phá sản. Nhà đầu tư có thu hồi được vốn đầu tư hay không phải đợi một thời gian nữa mới có thể được xác nhận.

Từ sự việc của VO247, nhiều nhà đầu tư băn khoăn về tính pháp lý của mô hình này. Cho đến nay, sandbox về mô hình P2P lending vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó, nhiều mô hình P2P lending trên thị trường không hoạt động đúng nghĩa, mà có dấu hiệu lách luật huy động vốn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, VO247 có 3 dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thứ nhất, vi phạm trần lãi suất.

Thứ hai, nếu vượt quá vai trò môi giới và kết nối (không chỉ cho vay ngang hàng, mà còn huy động vốn), tức có dấu hiệu hoạt động ngân hàng không phép.

Thứ ba, hoạt động cho vay chuyên nghiệp thì chỉ có thể là dịch vụ cầm đồ, mà dịch vụ cầm đồ thì không được phép cho vay tín chấp và thế chấp.

Theo luật sư Đức, nếu công ty P2P lending chỉ kết nối cho vay ngang hàng đúng nghĩa thì không bao giờ có khả năng phá sản, vì chỉ là đơn vị môi giới. Tuy nhiên, nhiều công ty P2P lending ở Việt Nam đang hoạt động giống như một tổ chức tín dụng, đứng ra huy động vốn để đầu tư. Nhà đầu tư gửi tiền vào app P2P lending thực chất cũng chỉ nhìn vào uy tín của doanh nghiệp, chứ không nhìn vào khách hàng vay vốn.

Với trường hợp công ty P2P lending huy động tiền của khách hàng, sau đó tuyên bố phá sản, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS cho biết, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tham gia khởi tố VO247 theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Tố tụng dân sự 2015. Noài ra, nhà đầu tư cũng hoàn toàn có thể tố cáo theo các quy định của Bộ luật Hình sự.

Mặc dù vậy, các chuyên gia và luật sư đều cho rằng, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về P2P lending để bảo vệ nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động an toàn, lành mạnh.

Cảnh báo đỏ về P2P Lending biến tướng
Việc các công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) nước ngoài biến tướng đang hoành hành tại Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết về kiểm soát, quản lý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư