Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng Chính sách xã hội đồng hành cùng người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19
Nguyễn Duy - 06/04/2020 20:36
 
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ngân hàng Chính sách xã hội chú trọng thực hiện song song 2 nhiệm vụ chống dịch và tăng cường sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã báo cáo Hội đồng Quản trị Ngân hàng để trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nông nghiệp, nông thôn chịu ảnh hưởng nặng

Nông nghiệp, nông thôn được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được, mất giá, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại cho người dân nhiều địa phương.

Khảo sát tại Quảng Trị cho thấy, để đảm bảo an ninh lương thực, nông dân tăng gia sản xuất, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá rau, củ đang giảm mạnh. Có những mặt hàng giảm giá đến trên 50%, do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, các nhà hàng, quán xá vắng khách; nhu cầu tiêu dùng ít hơn rất nhiều so với ngày thường.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã báo cáo Hội đồng Quản trị Ngân hàng để trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, trong năm 2020, hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 20% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.

Bà Hồ Thị Hà, ở phường Đông Thanh, TP. Đông Hà (Quảng Trị) chia sẻ: “Bữa nay, rau không được giá vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, rao bán không được nên phải bỏ. Hàng hóa đầu ra mà giá thành cao thì mình làm cũng đỡ hơn, còn dịch như này thì trang trải không đủ”.

Đồng hành với nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực giải ngân hỗ trợ kịp thời vốn cho quá trình sản xuất. Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị đã cho vay trên 3.500 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân trên địa bàn duy trì và mở rộng sản xuất, nhất là đối với quá trình sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đã thực hiện cơ chế xoay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình trả lãi, trả nợ.

Với sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn trong thời điểm sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, bà con nông dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh phù hợp với những biến động của thị trường, đặc biệt là đảm bảo cung ứng hệ thống các sản phẩm mà thị trường đang cần trong mùa dịch bệnh.

Tính trên diện rộng toàn quốc, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 211.006 tỷ đồng (tăng so với năm 2019 là 4.201 tỷ đồng). Riêng 3 tháng đầu năm 2020, tổng doanh số cho vay đạt 18.723 tỷ đồng, với số khách hàng còn dư nợ là trên 6,5 triệu khách hàng.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, Ngân hàng đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố liên tục nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn. Từ đó, thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các khách hàng bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định.

Tính đến ngày 30/3/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 40.034 khách hàng, với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là 1.394 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đã tập trung nguồn vốn để cho vay giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, với số tiền là 11.973 tỷ đồng cho 275.415 khách hàng vay vốn.

Các đơn vị Ngân hàng Chính sách xã hội từ Trung ương đến địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, đảm bảo duy trì hoạt động, chỉ đạo thông suốt, thường xuyên, liên tục, đáp ứng tính cấp thiết trong hoạt động phòng, chống dịch; hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch ở mức thấp nhất lên toàn hệ thống Ngân hàng.

Hỗ trợ 5 triệu đồng cho lao động làm việc ở nước ngoài bị mất việc do COVID-19
Bên cạnh việc tiếp nhận lao động về nước, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư