Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng chớp cơ hội đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Thùy Liên - 14/03/2017 07:42
 
Đã có ít nhất 85.000 tỷ đồng được các ngân hàng cam kết rót vào nông nghiệp công nghệ caoKhông chỉ tuyên bố dành các gói tín dụng khủng, nhiều ngân hàng cũng đã nới lỏng hơn về điều kiện tiếp cận tín dụng cho lĩnh vực này.

Doanh nghiệp ngóng vốn

Việc Chính phủ ráo riết chỉ đạo thực hiện gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang được các doanh nghiệp hưởng ứng và mong chờ từng ngày.

Thấm thía sự cạnh tranh khắc nghiệt trên thương trường, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Huy Thuận chia sẻ, tiền vốn là một trong những vấn đề căng nhất của doanh nghiệp.

Các Dự án nông nghiệp công nghệ cao cần nhiều vốn đầu tư. Trong ảnh: Khu sản xuất rau sạch của TH True MILK. Ảnh: Đ.T
Các dự án nông nghiệp công nghệ cao cần nhiều vốn đầu tư. Trong ảnh: Khu sản xuất rau sạch của TH True MILK. Ảnh: Đ.T

“Chi phí lãi suất cao, khó tiếp cận vốn khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh. Chúng tôi đầu tư một nhà máy 100 tỷ đồng, ngân hàng chỉ định giá 70 tỷ đồng và cho vay 70% số này (gần 50 tỷ đồng), chỉ bằng một nửa tổng vốn đầu tư. Tiếp cận vốn từ các chương trình ưu đãi của Chính phủ rất khó. Nếu có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, chắc chắn sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”, ông Huy nói.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện TH True MILK, một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cho hay, đặc điểm của các dự án nông nghiệp công nghệ cao là quy mô lớn, phải đầu tư nhiều vốn, thời gian quay vòng vốn chậm. Vì vậy, nếu không có cơ chế vay vốn linh hoạt, dài hạn thì rất ít doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể tham gia.

“Ngân hàng mạnh dạn cho vay các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì mới có thể tạo ra bước đột phá có sức lan tỏa trong cuộc cách mạng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam”, lãnh đạo doanh nghiệp này đề nghị. 

Thấu hiểu được kỳ vọng và khó khăn của doanh nghiệp, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 vừa được ban hành, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương đưa gói 100.000 tỷ đồng đưa vào thị trường, đặc biệt là với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao phải trên tinh thần cung - cầu, phân công đầu tư phát triển chứ không theo phong trào ồ ạt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai chương trình tín dụng này.

Chính phủ cũng giao Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch, ban hành trong tuần này (trước ngày 15/3/2017). Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, hiện Bộ NN&PTNT đã xây dựng xong tiêu chí để trình Chính phủ.

Ngân hàng chớp cơ hội giải ngân

Trong khi các bộ, ngành đang hoàn thành văn bản hướng dẫn cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và chính sách ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp thì nhiều ngân hàng đã nhanh tay công bố những gói tín dụng “khủng” cho lĩnh vực này, với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với lãi suất thông thường trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mới đây nhất, BIDV công bố dành 10.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên và ĐBSCL. Trước đó, nhiều ngân hàng đã công bố các gói tín dụng khủng cho lĩnh vực này như: Agribank 50.000 tỷ đồng, Vietcombank 10.000 tỷ đồng, LienVietPostBank 10.000 tỷ đồng. Ngay cả ngân hàng nhỏ VietABank cũng không đứng ngoài cuộc với gói tín dụng 500 tỷ đồng...

 Ông Lê Xuân Vũ, Tổng giám đốc VietABank cho biết: “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp nói chung và những chuỗi gia tăng giá trị công nghệ cao cho nông nghiệp Việt Nam nói riêng là một trong những định hướng trọng điểm của  VietABank”.

Với sự tham gia tích cực của ngân hàng thương mại, chắc chắn 100.000 tỷ đồng đối với ngành ngân hàng không khó. Tất nhiên, các ngân hàng cũng khẳng định, việc giải ngân gói tín dụng này phải trên cơ sở hiệu quả, không tràn lan và dễ dãi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, các ngân hàng sẽ cho vay gói tín dụng này với lãi suất ưu đãi, song đó phải là các dự án khả thi, có khả năng trả nợ. Bởi với bất kỳ gói tín dụng nào, chất lượng và an toàn tín dụng phải được đảm bảo.

Tuy vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho biết, ngân hàng sẽ “linh hoạt” hơn trong giải ngân. Đơn cử, mới đây, Vietcombank đã rót 600 tỷ đồng tài trợ vốn cho Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ, thời gian lên tới 15 năm.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, ngoài ưu đãi lãi suất thấp hơn các thành phần kinh tế khác thì Vietcombank còn ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay với các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Sự vào cuộc của ngân hàng không chỉ để ủng hộ chủ trương của Chính phủ, mà còn để chớp cơ hội đầu tư nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao vốn đang dần trở thành xu thế.

Thêm BIDV công bố dành 10.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao
BIDV là ông lớn tiếp theo công bố gói tín dụng “khủng” cho nông nghiệp công nghệ cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư