Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Ngân hàng đề nghị tòa trả hồ sơ vụ Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 433 tỷ
Huệ Nguyễn - 18/03/2023 20:46
 
Cho rằng việc vay mượn là mối quan hệ cho vay trả lãi cao giữa Hà Thành và các đồng sở hữu, luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày 18/3, phiên tòa xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 433 tỷ đồng của ba ngân hàng và 4 cá nhân tiếp tục phần tranh tụng, tập trung vào phần trách nhiệm dân sự trong vụ án.

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan tới số tiền 122 tỷ đồng mà ông Đặng Nghĩa Toàn có trong các sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị các ngân hàng trả lại cho ông Toàn, nhưng tạm giữ lại để giải quyết việc vay mượn.

Tại tòa, các luật sư đại diện cho phía ngân hàng đều cho rằng trong quá trình tố tụng, bị cáo Thành thừa nhận quan hệ với ông Toàn là quan hệ vay tiền. Bị cáo này nhiều lần hứa hẹn sẽ có nghĩa vụ trả nợ cho các đồng sở hữu tại ba ngân hàng.

Luật sư cũng đánh giá, hợp đồng vay tiền trả lãi cao giữa bị cáo Thành và vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn được phát sinh từ thỏa thuận giữa hai bên. Đây là quan hệ dân sự được xác lập bằng lời nói. Các ngân hàng là công cụ đảm bảo cho quan hệ dân sự này.

Cụ thể, Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng các ngân hàng để làm công cụ tài chính rút tiền vay từ vợ chồng ông Toàn và những người đồng sở hữu khác. Do đó, Hà Thành phải là người trả tiền cho ông Toàn.

Luật sư cũng đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xác định đúng tư cách tố tụng của ngân hàng và xác định các đồng sở hữu là bị hại.

Ông Đặng Nghĩa Toàn cho rằng không biết việc Hà Thành sẽ cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền ra.

Tranh luận về các vấn đề trên, ông Đặng Nghĩa Toàn không đồng ý với những quan điểm của các ngân hàng và khẳng định, không có chứng cứ nào thể hiện có việc vay tiền giữa mình và Nguyễn Thị Hà Thành.

Ông Toàn khẳng định, không nhận một khoản tiền lãi nào từ Hà Thành; đồng thời đề nghị tòa buộc ba ngân hàng phải giải tỏa, trả tiền tiết kiệm cho vợ chồng ông theo quy định của pháp luật.

Trái lại, bị cáo Hà Thành khẳng định, ngay từ đầu đã đặt vấn đề vay tiền của ông Toàn thông qua việc mượn sổ tiết kiệm đồng sở hữu, không phải qua ngân hàng. Bị cáo cho rằng ông Toàn có biết việc mình sẽ dùng sổ tiết kiệm để thế chấp vay vốn.

Bị cáo này cũng khai, khi nhận các sổ tiết kiệm, đã sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho việc vay thế chấp tại các ngân hàng để rút tiền ra.

Bên cạnh đó,  bị cáo này khẳng định, đã trả cả tiền gốc và lãi cho ông Toàn, với tổng số tiền khoảng 80 tỷ đồng, gồm trả bằng tiền mặt lẫn chuyển khoản, trong đó 2 lần trả 35 tỷ đồng tiền mặt cho ông Toàn, một lần tại quán cà phê trên phố Lê Đại Hành (Hà Nội) và một lần tại nhà riêng.

Trong bản luận tội, Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên bị cáo Thành phải bồi thường cho Ngân hàng Việt Á 248,5 tỷ đồng, bồi thường cho Ngân hàng NCB 47,5 tỷ đồng và cho PVcomBank 49,4 tỷ đồng.

Trước đó, Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm bị cáo buộc cấu kết với nhiều cán bộ ngân hàng, giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân, trong đó Ngân hàng NCB là 47,5 tỷ đồng, Việt Á là 273,9 tỷ đồng và PVcomBank hơn 49 tỷ đồng. Ông Đặng Nghĩa Toàn là cá nhân bị chiếm đoạt nhiều nhất, lên tới 122 tỷ đồng.

Nhiều người tham lãi suất cao trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt trăm tỷ
Nhiều bị hại, bị cáo liên quan tới việc vay mượn, đảo nợ và gửi tiết kiệm đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành được xác định cho vay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư