Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng dự chi cổ phiếu thưởng và cổ tức "khủng" trong mùa đại hội 2021
Vân Linh - 27/02/2021 10:12
 
Nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chuẩn mực mới, các ngân hàng dự chi cổ phiếu thưởng và cổ tức khủng để tăng vốn trong năm nay.

Theo tài liệu đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vừa được VIB công bố, dự kiến tại ĐHCĐ tổ chức vào ngày 24/3 tới, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu.

Năm 2020, VIB cũng chia cổ tức, cổ phiếu thưởng gần 30%. 

Tuân thủ quy định của NHNN, 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.

Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Trước đó, tháng 11/2020, VIB đã niêm yết gần 1 tỷ cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu cho ngày đầu giao dịch là 32.300 đồng/cổ phiếu.

Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VIB đạt 5.801 tỷ đồng, tăng 42,1% so với năm 2019 và vượt 29% so với kế hoạch.

Chốt phiên ngày 26/2, cổ phiếu VIB đóng cửa tại mức 39.700 đồng/cổ phiếu, tăng 3,25%. Khối lượng giao dịch đạt gần 1,1 triệu đơn vị.

OCB năm 2020 vượt chỉ tiêu đưa ra khi đạt 4.414 tỷ đồng trước thuế. Đồng thời, ngân hàng này cũng có mức cổ tức tương đối phù hợp trong các năm qua trên dưới 20%.

Lãnh đạo OCB cho hay, Ngân hàng dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%.

Hiện vốn điều lệ của OCB đang xấp xỉ 11.000 tỷ đồng sau khi thực hiện chia cổ tức năm 2019 và bán cổ phần cho Aozora. Ngày 28/1 vừa qua, cổ phiếu OCB sẽ được niêm yết trên sàn HOSE sau nhiều năm nhà đầu tư chờ đợi.

Tương tự, MSB cũng cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.

Vì thế, theo lãnh đạo cấp cao MSB, sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại ĐHCĐ thường niên dự kiến thực hiện trong quý I/2021.

Thị trường cũng đang chờ đơi thông tin về HDBank. Vì trong năm qua, HDBank chia cổ tức, cổ phiếu thưởng lên đến 65%. Năm 2020, HDBank đạt 5.818 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15,9%, nợ xấu chỉ 0,93%.

Năm nay, các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì cả tiền mặt như trước. Bởi khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các TCTD cũng phải tuận thủ theo quy định của NHNN, kể cả chính sách cổ tức chia trả cho cổ đông. 

Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đây là chủ trương NHNN đưa ra và Phó thống đốc NHNN - Đào Minh Tú khẳng định, lãi suất tiết kiệm hiện thấp kỷ lục là cơ hội giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, không phải lúc để ngân hàng hưởng lợi.

Theo Phó thống đốc Tú, sắp tới, chương trình thanh tra của NHNN cũng sẽ lấy chỉ tiêu giảm lãi suất là một yếu tố đánh giá ngân hàng làm tốt hay chưa. Phó thống đốc nhấn mạnh, các ngân hàng cần chủ động xem xét lại khoản vay cũ để điều chỉnh lãi thấp hơn.

Qua thời cổ đông "ấm ức" với cổ tức ngân hàng
Hầu hết nhà băng đều có mức cổ tức cao cho cổ đông trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Thêm vào đó, các ngân hàng còn ồ ạt chia cổ phiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư