Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng hồi hộp đợi room tín dụng; Thanh tra, kiểm toán lên tiếng về gói hỗ trợ lãi suất 2%
H.T - 28/08/2022 10:40
 
Tắc gói hỗ trợ lãi suất 2%, cấp room tín dụng cho cá ngân hàng đầu tuần tới, khó giải cứu nếu thị trường TPDN còn "tù mù", tỷ giá khó biến động... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Doanh nghiệp e ngại bị thanh tra, kiểm toán nếu nhận hỗ trợ lãi suất 2%, các Bộ, ngành nói gì?

Đại diện Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành lên tiếng về tâm lý e ngại của doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn không tham gia do thủ tục xin nhận hỗ trợ, hồ sơ thanh quyết toán chặt chẽ và phức tạp. Hơn nữa, nhiều khách hàng lo ngại sau khi nhận hỗ trợ sẽ bị thanh tra, kiểm toán.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp và ngân hàng, đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Trong quá trình triển khai thực hiện sau này, kể cả công tác thanh tra, kiểm tra kiểm toán, chúng tôi chủ yếu bám sát trên cơ sở các quy định, vì vậy quy định càng rõ bao nhiêu các thống nhất bao nhiêu thuận lợi cho quá trình triển khai bấy nhiêu. Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan nghiên cứu xem xét thêm các kiến nghị của các NHTM”.

Trong khi đó, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp các Bộ, ngành có liên quan để có những quy định cụ thể hơn, có định lượng trong quá trình thực hiện.

“Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ căn cứ các tiêu chí đã được xây dựng lên, căn cứ vào chuẩn mực quy định của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước không thể tự xây dựng các chỉ tiêu hay định lượng được”.

Với những nội dung cần thực hiện thấy không thể thực hiện được, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần mạnh dạn báo cáo với các cấp có thẩm quyền sớm. Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến của các NHTM về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.

“Thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước chưa tổ chức kiểm toán chương trình hỗ trợ lãi suất 2% được vì trên thực tế chưa triển khai được nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có công văn đề nghị NHNN, NHTM báo cáo với Kiểm toán Nhà nước để kịp thời có biện pháp hỗ trợ”, bà Dung cho biết thêm.

Bên cạnh vướng mắc về thủ tục, nhiều ngân hàng lo ngại Bộ Tài chính cấp kinh phí chậm. Một số ngân hàng cho biết, nhiều khoản cho vay hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính quyết toán.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ Phó Vụ Tài chính – ngân hàng (Bộ Tài chính cho biết, nội dung về bố trí nguồn và quy trình thủ tục quyết toán hồ sơ đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm phát luật.  Nguồn vốn thực hiện chương trình này cơ bản được bố trí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì cùng phối hợp với NHNN, chính thức trình Quốc hội thông báo cụ thể sau đó Chính phủ triển khai và Bộ Tài chính cam kết khi nguồn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công, Bộ Tài chính sẽ thực hiện cấp kinh phí theo đúng quy định và kịp thời cho các NHTM có nguồn lực triển khai chương trình này. NHTM không lo không có nguồn.

“Khâu quyết toán là quan trọng, các NHTM quan ngại, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có giải đáp thống nhất. Nếu không thống nhất, mỗi người hiểu cách khác nhau, kiểm toán thực hiện và Bộ Tài chính là đơn vị kiểm tra cuối cùng để chi ngân sách cũng gặp khó khăn. Tôi đề nghị rằng, ngay từ đầu chúng ta phải thực hiện rõ ràng, hồ sơ giấy tờ thủ tục đầy đủ để khi quyết toán chỉ cộng trừ con số thôi”, ông Dương đề nghị.  

Về một số đề nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ Tài chính để nghiên cứu, rà soát và đánh giá tác động của chính sách. Để quy định ra 8 ngành như trong Nghị quyết 31, đã có sự tính toán kĩ lưỡng và đầy đủ. Chính sách hỗ trợ phải có trọng tâm trọng điểm, có mục đích.

Đối với các kiến nghị của NHTM về mở động đối tượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các NHTM gửi ý kiến lên Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng nhà nước tổng hợp và gửi cho Bộ. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu và giải đáp. Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng thu hưởng sang những ngành khác, cần phải đánh giá kỹ lượng các đối tượng này và cân đối nguồn lực của Nhà nước khi nguồn lực Nhà nước đang có hạn. Một số vấn đề đánh giá một số tiêu chí mang tính định tính như có khả năng trả nợ, khả năng phục hồi,... vấn đề này Bộ sẽ phối hợp NHNN xem xét xem có khả năng phục hồi và sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Nhiều khách hàng từ chối vì ngại thủ tục, sợ thanh tra, kiểm toán

Trước sự sốt ruột của Chính phủ, Quốc hội, sáng 26/8, NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, tính đến 22/8/2022, dư nợ của các hợp đồng tín dụn ký kết từ 01/01/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát, nhận diện tại Agribank là 40.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng (31/7/2022 là 837 triệu đồng).

Dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Sở dĩ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn chậm, theo Phó tổng giám đốc Agribank là do bốn vướng mắc chính

Thứ nhất là, đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn  là khách hàng cá nhân, chiếm 96% /tổng số lượng khách hàng. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/ khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 03 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 01/01/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.

Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40%-50%/dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.

Thứ hai là vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay: Tại điểm 2.4, khoản 2, điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, đã quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản…

Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, thanh tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc đã tất toán, về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không có hóa đơn tài chính mà chỉ có có bảng kê thu mua hàng hóa. Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Nhiều vướng mắc khi giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Nhiều vướng mắc khi giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%

Thứ ba là, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết theo Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Thứ tư là, chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên Chi nhánh, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện. Nhiều khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để hỗ trợ lãi suất.

Đồng tình với các vướng mắc giống như Agribank, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó tTổng Giám đốc Vietinbank cho biết thêm nhiều nguyên nhân nữa khiến giải ngân gói hỗ trợ lãi suất chậm.

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vố vay được sư dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.

Thứ hai, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.

Thứ ba, ngoài thủ tục phức tạp, nhiều doanh nghiệp lo ngại sau khi tham gia lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm viêc, rất mất thời gian. 

Lãnh đạo của Vietcombank, BIDV, TPBank... cũng cho biết, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện thì có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.   

Theo ông Phạm Toàn Vượng, để đẩy nhanh gói hỗ  trợ lãi suất 2%, trước hết, Chính phủ, các Bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Hai là, đề nghị các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Ba là, đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 01/01/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này

Ngoài ra, ông Vượng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, thông tin đầy đủ, rõ ràng chính sách và chủ trương của Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, tránh hiện tượng phản ánh không đúng khi thực tế khách hàng không đúng đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định.

“Trước đây, khi thực hiện chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, có khách hàng kiện Agribank lên tận Chính phủ, song khi đi kiểm tra thì khách hàng này bị nợ xấu 10 năm, tức không nằm trong đối tượng được cơ cấu nợ” ông Vượng lấy ví dụ. 

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng kiến nghị, NHNN phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.

Một số lãnh đạo ngân hàng khác kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ về hóa đơn bán lẻ, dư nợ các khoản vay bằng ngoại tệ, mở rộng đối tượng về xuất khẩu lúa gạo, xây lắp... Đồng thời, có giải pháp giải tỏa tâm lý e ngại về thanh kiểm tra cho doanh nghiệp.

Muộn nhất đầu tuần sau NHNN sẽ cấp room tín dụng còn lại cho các nhà băng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, muộn nhất là đầu tuần sau Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tính đến 30/6/2022, tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước công bố đã lên tới 9,35%. Như vậy, tín dụng đã tăng chậm lại đáng kể trong tháng 7 và tháng 8 do Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phân giao thêm hạn mức tăng trưởng mới. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã phải bán bớt TPDN để có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Nếu chờ đợi đến quý IV/2022 mới nới room là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý đến vấn đề này và nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp - cực kỳ nguy hiểm - và nợ xấu ngân hàng tăng lên.

TS Lực lưu ý thêm rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Riêng về giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn chậm.  Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ.

Nguyên nhân chủ yếu là vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất  (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất  từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã HTLS cho khách hàng.

Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các NHTM cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước,  phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

NHNN cho biết sau Hội nghị hôm nay sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả; Đẩy mạnh truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận Chương trình hỗ trợ này.    

NHNN cũng chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tổ chức hội nghị kết nối chuyên đề về hỗ trợ lãi suất giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại các địa bàn. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng gói hỗ trợ lãi suất này cũng tham gia. Doanh nghiệp nào tiếp cận được hoặc không tiếp cận phải có lý do rất rõ ràng, các tổ chức tín dụng cũng phải giải thích rất rõ ràng. Nếu còn băn khoăn, thắc mắc thì tổng hợp để cùng tháo gỡ để minh bạch, công khai.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hiện nay, nhiều ngân hàng đang cạn kiệt room tín dụng, nhưng vẫn chưa biết có được nới hay không.

Vấn đề là, vị chuyên gia này đánh giá, hiện lạm phát của Việt Nam là do chi phí đẩy (chủ yếu do nhập khẩu), do đó, muốn chống lạm phát chi phí đẩy thì phải giải pháp về thuế (giảm thuế để giảm lạm phát chi phí đẩy).

“Nếu không chống được lạm phát do chi phí đẩy, không dám sử dụng biện pháp về thuế, tài khóa để chống lạm phát, giảm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào thì không thể nới room tín dụng. Bởi vì, hiện Việt Nam không có yếu tố lam phát nội tại, không in thêm tiền, không phát hành tiền cho ngân sách chi tiêu. Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, chúng ta có cơ hội xem xét tăng trưởng trở lại một chút room tín dụng”, TS. Nghĩa phân tích.

Dẫn số liệu tăng trưởng tín dụng của Mỹ bình quân trong vòng 3 năm vừa qua là 14%, TS. Nghĩa cho rằng, nếu tín dụng Mỹ tăng trưởng ở mức này thì tăng trưởng tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15-16% là có thể chấp nhận được.

Mặc dù vậy, TS. Nghĩa cũng rất thông cảm với sự thận trọng nới room của NHNN. Bởi chỉ khi lạm phát được kiểm soát vững chắc thì việc nới room lên 15% hoặc 16% mới an toàn.

Không kiến nghị cụ thể về room tín dụng, song TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng hiện mới chỉ chiếm chưa đầy 50% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Vì vậy, không phải “bung” tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không “kích” lạm phát lên.

Hiện nay, không chỉ ngân hàng mà các doanh nghiệp cũng đang rất sốt ruột vì câu hỏi room tín dụng sẽ như thế nào tới đây. Nguyên nhân là doanh nghiệp đang thiếu vốn trầm trọng.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam giống doanh nghiệp Trung Quốc là có tình trạng dư cung, thiếu cung ở một vài phân khúc bất động sản, dẫn đến không có hàng để bán nên dòng tiền bị âm. Nhiều dự án đắp chiếu ko có tiền triển khai, không có tiền giải phóng mặt bằng... Trong trường hợp này,  cung thiếu thực chất là thiếu vốn.

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang có vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là dòng vốn lâu nay cho bất động sản đang bị đình trệ, đặc biệt là vốn trái phiếu doanh nghiệp  

“Theo ước tính của chúng tôi, từ nay đến cuối năm nay sẽ có 112.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong tổng dư nợ 1,4 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp hiện nay có tới 700-800 nghìn tỷ đồng dư nợ bất động sản. Đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, TS. Nghĩa cảnh báo.

Theo chuyên gia này, việc cấp thiết cần làm ngay từ nay đến cuối năm là nhanh chóng ban hành được Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

 Thứ hai, phải khuyến khích được các tập đoàn uy tín phát hành trở lại trái phiếu doanh nghiệp. Thứ ba, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có thông điệp để tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Thứ tư, phải có kế hoạch áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho tất cả doanh nghiệp.

Riêng với doanh nghiệp, nếu tự thấy mình có khả năng rơi vào cảnh vỡ nợ trái phiếu, cần có hành động ngay. Một là, thử phát hành thêm để đảo nợ trái phiếu doanh nghiệp, chấp nhận lãi suất cao. Thứ hai, nếu không thể phát hành thêm thì phải nhanh chóng bán các dự án đang có để giải quyết rốt ráo nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, tránh để mất uy tín. 

Ông Nghĩa cho rằng, đảo nợ thực chất không xấu mà do đặc điểm thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có kỳ hạn quá ngắn (chỉ khoảng 3 năm), buộc doanh nghiệp phải liên tục phát hành mới để đảo nợ. Trước đây, trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi kỳ hạn phát hành chỉ 1-3 năm, tức giải ngân đầu tư công chưa xong đã đền kỳ đáo hạn. Cuối cùng, Chính phủ hạ quyết tâm tìm mọi cách để đẩy kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lên 5-10 năm, thậm chí 20 - 30 năm. Bí quyết cho sự thành công này là hai chữ: Minh bạch.

“Nếu chúng ta làm được như vậy với TPDN thì quá tốt”, TS. Nghĩa kỳ vọng.   

Chưa thể giải cứu trái phiếu khi doanh nghiệp còn muốn “tù mù”

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để kích hoạt lại thị trường trái phiếu, doanh nghiệp phải minh bạch. Nếu doanh nghiệp còn muốn “tù mù” tài chính, thì việc giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là bất khả thi.

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm đến hết ngày 19/8, phát hành TPDN riêng lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tuần đầu tháng 8/2022, hầu hết các đợt phát hành TPDN riêng lẻ đều đến từ lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Đáng chú ý, trong gần 2 tháng qua, chỉ có một đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đó là đợt phát hành của CTCP Fuji Nutri Food với khối lượng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, khối doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ mới có thêm CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền phát hành trái phiếu (đã thông qua phương án phát hành tối đa 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ).

Như vậy, ngoại trừ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp tiếp tục co cụm, không dám phát hành TPDN, trong lúc Bộ Tài chính vẫn không ngừng phát ra các thông điệp cảnh báo rủi ro thị trường và dự thảo mới nhất của Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi vẫn chưa được công bố.

TS. Lê Xuân Nghĩa ước tính, trong tổng dư nợ 1,4 triệu tỷ đồng TPDN hiện nay, tới 700.000 - 800.000 tỷ đồng dư nợ bất động sản. Hàng trăm ngàn tỷ đồng TPDN bất động sản sẽ đáo hạn từ nay đến năm 2024. Nếu thị trường TPDN tiếp tục đóng băng, hệ lụy sẽ là rất lớn.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang ngóng chờ Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi sẽ theo hướng thận trọng và chặt chẽ hơn và điều quan trọng nhất là phải đúng lúc, đúng đối tượng.

Cụ thể, các tiêu chí với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải cao hơn, chủ thể phát hành phải minh bạch hơn, các đơn vị trung gian cũng phải được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, việc mua bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng phải rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Liên quan việc phát hành ra công chúng, kênh này phải mở rộng hơn, thông thoáng hơn, chứ không phải mất quá nhiều quy trình thủ tục để xin phát hành.

“Sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP chắc chắn sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư… Tuy nhiên, không quá kỳ vọng nghị định này sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề còn tồn tại trên thị trường trái phiếu”, TS. Lực nhận định.

Kỳ vọng Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi sớm được ban hành trong những tháng cuối năm, song TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu cứ ồ ạt phát hành riêng lẻ thì thị trường không thể minh bạch hơn được và việc xếp hạng tín nhiệm trở nên vô nghĩa. Do đó, cơ quan quản lý phải nhắm đến đẩy mạnh TPDN phát hành đại chúng.

“Từ nay đến cuối năm chưa phải là thời điểm chúng ta đưa ra được quy định căn cơ. Đây mới là thời điểm chống chọi với những nguy cơ trước mắt và khắc phục những nguy cơ đổ bể cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài, cần hạn chế tối đa việc phát hành riêng lẻ và mở rộng tối đa việc phát hành ra công chúng, tăng tính minh bạch cho thị trường trái phiếu”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.

Theo các chuyên gia, sở dĩ TPDN gây lo ngại cho cơ quan quản lý là bởi tình hình tài chính tù mù. Muốn thị trường này phát triển bền vững, giải pháp cần thiết nhất là tăng tính minh bạch, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm.

Việc trái phiếu không có xếp hạng khiến nhà đầu tư như “đi trong sương mù” để đánh giá TPDN. Đặc biệt, với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, xếp hạng tín nhiệm lại càng trở nên rất quan trọng vì họ không có trình độ thẩm định báo cáo tài chính, nghiên cứu dòng tiền… của doanh nghiệp.

Thực tế, hiện nay, TPDN có kỳ hạn phát hành rất ngắn, chỉ 1-3 năm và doanh nghiệp phải xoay xở đáo hạn liên tục. Lý do là nhà đầu tư thiếu niềm tin, không dám mua kỳ hạn dài. Nếu tăng cường xếp hạng tín nhiệm, tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho thị trường, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho rằng, phần lớn tổ chức phát hành trên thị trường chưa thật sự hiểu rõ và quan tâm đến các lợi ích tổng thể của việc xếp hạng tín nhiệm.

Theo ông Minh, cần có quy định bắt buộc các tổ chức phát hành và trái phiếu cần phải được xếp hạng tín nhiệm. Trên cơ sở đó, có thể phân định rõ chất lượng tín nhiệm của từng loại hình tổ chức phát hành và các trái phiếu, theo chuẩn mực và tiêu chí đánh giá ở các mức đầu tư hay là đầu cơ để các nhà đầu tư trên thị trường tham khảo, quyết định đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro đầu tư.

Tỷ giá khó biến động trước áp lực tăng lãi suất của Fed

Mặc dù áp lực tăng lãi suất USD của Fed chưa hạ nhiệt, song tỷ giá vẫn đi ngang. Các dự báo đưa ra, khả năng tỷ giá chỉ tăng 2-2,5% trong năm nay và khó có biến động.

Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng tiếp tục đi ngang, bất chấp trên thị trường thế giới, USD đang tiếp tục mạnh lên sau khi biên bản cuộc họp tháng 7/2022 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa được công bố.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) cũng cho biết, có thể mất nhiều thời gian hơn để kiềm chế lạm phát. Tốc độ nâng lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới cũng như đánh giá của Fed về cách nền kinh tế thích ứng với mức lãi suất cao hơn đã được thông qua. Điều này cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch nâng lãi suất USD mạnh mẽ cho đến khi có thể kìm hãm lạm phát.

Giá đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế tăng, chỉ số USD-Index tăng 0,12 điểm, lên 107,61 điểm. Từ đầu tuần đến nay, USD-Index đã tăng khoảng 1,8%. Nhà đầu tư quay lại USD trú ẩn khi các thông tin kinh tế tốt xấu đan xen. Tâm lý thị trường đã được định hình phần lớn bởi các hành động gần đây của Fed khi họ đẩy lãi suất cao hơn. Fed đã tăng lãi suất từ gần 0% vào tháng 3/2022 lên mức 2,25 - 2,5% để chống lại lạm phát Mỹ ở mức 8,5%.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh tăng 13 đồng trong phiên cuối tuần, niêm yết ở mức 23.205 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần niêm yết tại các ngân hàng là 23.901 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.509 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục đà giảm, hiện đang giao dịch là 23.950 - 24.050 VND/USD và thu hẹp khoảng cách với thị trường niêm yết. SSI Research cho rằng, tỷ giá trên thị trường niêm yết sẽ tiếp tục ổn định quanh mức 23.400 VND/USD, trong khi tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực sẽ tăng giá trong thời gian tới và do vậy thu hẹp mức tăng của VND với các đồng tiền đó.

Trung tâm Giải pháp tài chính và Giao dịch toàn cầu của Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc và Trung tâm Tài chính Toàn cầu của Ngân hàng Shinhan Việt Nam đưa ra nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2022, USD mạnh lên và thị trường chứng khoán tuột dốc do Fed thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến và tâm lý lo ngại rủi ro dấy lên từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Tuy nhiên, theo Shinhan, tỷ giá sẽ giảm dần vào cuối năm và duy trì quanh mức 23.000 VND/USD nhờ các chính sách kích thích kinh tế, kích cầu trong nước, sự phục hồi  ngành du lịch và dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, kiều hối tăng...

Các chuyên gia tại Chứng khoán VNDirect nhận thấy, có một số yếu tố hỗ trợ VND trong nửa cuối năm 2022, bao gồm: dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cao (tương đương 3,5-4 tháng nhập khẩu). Do đó, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng xu hướng tăng của USD sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Dự báo tỷ giá VND/USD sẽ duy trì trong khoảng 22.900 - 23.300 VND/USD vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng không quá 2% so với cuối năm 2021.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, NHNN sẽ kiên định với mục tiêu ổn định tỷ giá như thời gian qua và tỷ giá trong cả năm 2022 sẽ chỉ tăng khoảng 2,5%. Điều đó có nghĩa, trong 6 tháng cuối năm, mức biến động của tỷ giá chỉ vào khoảng 0,5%, thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm.

Theo ước tính của KBSV, NHNN đã bán ra khoảng 11-12 tỷ USD qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang để ổn định tỷ giá. Ước tính theo tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN, con số này tương đương khoảng 280.000 tỷ đồng. Vì vậy, những diễn biến bất lợi từ bên ngoài khiến áp lực tỷ giá tăng lên trong những tháng cuối năm. Mặc dù vậy, giới phân tích tài chính cho rằng, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế kìm hãm tốc độ mất giá của VND so với USD. Chẳng hạn như lạm phát của Việt Nam ổn định hơn so với Mỹ, lãi suất cao hơn Mỹ và hơn nữa Việt Nam đang có dự trữ ngoại hối tương đối cao (khoảng gần 4 tháng nhập khẩu).

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng dự báo, tỷ giá trong nửa cuối năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát, với mức tăng khoảng 2,3-2,5%, nhờ mức tăng của USD thời gian tới dự báo không còn quá mạnh như 6 tháng vừa qua.        

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động trở lại từ quý IV/2022
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm nửa đầu háng 8/2022, song được kỳ vọng sẽ sôi động lại từ quý tới nếu Nghị định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư