Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chờ đến quý IV mới nới room tín dụng là hơi muộn
T.L - 24/08/2022 15:38
 
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng từ tháng 9 tới để tận dụng cơ hội phục hồi, tăng trưởng.
f
 TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Thanh khoản tốt, lạm phát chưa đáng ngại

Câu chuyện nới room được các ngân hàngdoanh nghiệp đặc biệt quan tâm. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Ngân hàng Nhà nước còn băn khoăn chuyện chưa nới room tăng trưởng tín dụng do 2 nguyên nhân, đó là lo ngại lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%.

“Không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt”, TS. Lực nhận định. 

Về chuyện nới room, theo chuyên gia này, nếu chờ đợi đến quý IV/2022 mới nới room là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý đến vấn đề này và nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp - cực kỳ nguy hiểm - và nợ xấu ngân hàng tăng lên.

Lưu ý thêm rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Hơn nữa, hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát. 

Ngoài ra, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn đặc biệt là trong 3 tháng gần đây. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác, không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây, mà đã cải thiện hơn rất nhiều. Đây là các yếu tố khiến Ngân hàng Nhà nước có thể yên tâm hơn khi xem xét nới room tín dụng.

Vẫn còn dư địa tăng trưởng tín dụng bất động sản

Tín dụng bất động sản tăng 14% nửa đầu năm và chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ lệ này ở Việt Nam còn thấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái, cao hơn so với mức 9,35% tăng trưởng chung và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tín dụng bất động sản tăng nhanh khiến Ngân hàng Nhà nước cảnh giác, tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản.

Mặc dù vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, tín dụng bất động sản nước ta vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, tại Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, tín dụng bất động sản chiếm tới trên dưới 30% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tỷ lệ này ở Việt Nam mới chiếm 20% và hoàn toàn có thêm dư địa để tăng trưởng.

Đánh giá bất động sản là ngành có ý nghĩa hết sức quan trọng với nền kinh tế (xây dựng và bất động sản đóng góp khoảng 9% GDP trong nửa đầu năm nay, liên quan tới ít nhất 35 ngành nghề), TS. Lực cho rằng, cần sớm có giải pháp khai thông dòng vốn cho thị trường bất động sản. Bởi nếu không gỡ điểm nghẽn về vốn, thị trường bất động sản sẽ giảm nhiệt, tăng mất cân đối cung cầu, tăng nợ đọng giữa các doanh nghiệp… Thậm chí, nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ dẫm vào vết xe đổ như Trung Quốc, phải giải cứu thị trường.

Thực tế, Việt Nam đã có bài học tương tự. Chính sách siết chặt tín dụng năm 2011 khiến thị trường bất động sản đóng băng năm 2012 và phải giải cứu năm 2013.

Để thúc đẩy tài chính bất động sản, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam nên nghiêm túc suy nghĩ về định chế tài chính riêng để phát triển thị trường bất động sản, có thể ở hình thức Quỹ phát triển nhà ở hoặc một tổ chức ngân hàng tiết kiệm nhà ở giống mô hình singapore.   

Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường đang điều chỉnh và có sự sàng lọc. Thị trường sẽ phục hồi ở một số phân khúc như nhà ở, khu công nghiệp và phục hồi rõ nét hơn bắt đầu tư quý IV/2022 năm nay. Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn tâm lý chờ đợi, dòng tiền sẽ phải dịch chuyển kênh đầu tư.

Ngân hàng cạn room, tín dụng tháng 7, tháng 8 tăng không đáng kể
Tính đến 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,62%. Như vậy, từ tháng 7 tới giữa tháng 8/2022, tín dụng chỉ tăng thêm 0,27%. Trong khi nửa đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư