Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng KBank Thái Lan sẽ mua Home Credit Việt Nam với giá 1 tỷ USD?
T.V - 05/09/2023 08:48
 
KBank, ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan, đang đàm phán mua lại Công ty tài chính Home Credit Việt Nam với giá lên đến 1 tỷ USD.

Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á của KBank. Nếu giao dịch này thành công, đây có thể là thương vụ sáp nhập lớn thứ hai ngành tài chính Việt Nam, sau thương vụ FE Credit bán 15% vốn cho ngân hàng Nhật Bản với giá trị 1,5 tỷ USD.

Theo Phó chủ tịch điều hành KBank, ông Pattarapong Kanhasuwan, Home Credit Group có kế hoạch bán các công ty con của mình tại khu vực Đông Nam Á. Và thỏa thuận trên đang ở giai đoạn đầu và KBank cần dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu tính khả thi, cũng như giá cả trước khi đưa ra quyết định đấu thầu. Ngoài Home Credit Việt Nam, KBank cũng đang tìm kiếm các thương vụ tiềm năng khác ở Việt Nam.

KBank hướng tới việc mở rộng hoạt động tại khu vực thông qua một số mô hình kinh doanh phục vụ tăng trưởng cả hữu hình và vô hình. KBank, ngân hàng lớn thứ hai tại Thái Lan tính theo tổng tài sản, đã mở chi nhánh tại Việt Nam vào tháng 8/2022. Ngân hàng này đặt mục tiêu đạt mức dư nợ là 20 tỷ baht (khoảng 570 triệu USD) với số lượng khách hàng tại Việt Nam là 1,2 triệu người trong năm 2023.

KBank tập trung tăng trưởng vào ba lĩnh vực cốt lõi, bao gồm quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng và khả năng cạnh tranh. Công nghệ kỹ thuật số là một chiến lược quan trọng tạo điều kiện cho việc mở rộng kinh doanh của KBank.

Công ty con của ngân hàng, Tập đoàn Công nghệ kinh doanh Kasikorn (KBTG), đã thành lập một trung tâm công nghệ với tên gọi KBTG Vietnam Co Ltd, chuyên cung cấp các dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam.

KBank, ngân hàng này được thành lập năm 1945 bởi ông Choti Lamsam và lên sàn năm 1976. Cháu trai của nhà sáng lập là Banthoon Lamsam đã kế tục việc điều hành trong 28 năm trước khi rời ghế chủ tịch năm 2020 để nghỉ hưu. Tính đến tháng 8/2022, ông Banthoon Lamsam và gia đình có tài sản 1,1 tỷ USD, giàu thứ 32 tại Thái Lan theo thống kê của Forbes.

KBank được cấp giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam từ 2021, chủ yếu cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp Thái và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhà băng này cho biết sắp tới sẽ mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ, đáp ứng nhu cầu khách hàng tại thị trường Việt Nam.

Vào tháng 5/2023, KBank chi nhánh TP HCM tăng vốn điều lệ từ 80 triệu USD lên 285 triệu USD, thành chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ cao thứ hai tại Việt Nam.

Còn Home Credit Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của PPF Group – tập đoàn do gia đình tỷ phú Czech quá cố Petr Kellner sáng lập.

Công ty này xếp thứ hai về thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, sau công ty tài chính FE Credit. Home Credit Việt Nam có khoảng 6.000 nhân viên và tệp khách hàng 15 triệu người, đa phần là người có thu nhập thấp và không có lịch sử tín dụng, hoặc ở dưới chuẩn ngân hàng.

Home Credit đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam kể từ năm 2008 với số vốn ban đầu là 550 tỷ đồng, do Công ty Home Credit B.V (có trụ sở chính tại Hà Lan) sở hữu 100% vốn điều lệ.

Tháng 9/2022, vốn điều lệ của công ty tài chính này được điều chỉnh tăng lên 2.050 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật và cũng là Tổng Giám đốc hiện nay của Home Credit là bà Annica Maria Witschard, quốc tịch Thụy Điển.

Sau một năm lãi kỷ lục gần 1.200 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm, Home Credit Việt Nam báo cáo lợi nhuận sau thuế hơn 200 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II/2023, vốn chủ sở hữu của Home Credit đạt 6.571 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% so với ngày đầu năm. Tổng nợ phải trả gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu, khoảng 18.202 tỷ đồng, giảm 29% sau 6 tháng.

Trong đó, dư nợ trái phiếu tăng không đáng kể, ở mức 1.117 tỷ đồng và chiếm 5% tổng nguồn vốn. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của công ty tín dụng này gần 24.773 tỷ đồng. 

Home Credit trao “cần câu” cho phụ nữ khởi nghiệp
Cho vay lãi suất 0%, tài trợ cho các mô hình khởi nghiệp cho phụ nữ nghèo Việt Nam là sáng kiến mà Home Credit bền bỉ thực hiện thời gian qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư