Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Ngân hàng không dễ đẩy mạnh tín dụng ưu đãi
Vân Linh - 28/08/2021 15:23
 
Các nhà băng đang đẩy mạnh giải ngân tín dụng ưu đãi, song khó có thể cho vay ồ ạt.
Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó do dịch Covid-19.

Hướng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó do dịch Covid-19, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt vừa đưa ra gói tín dụng 9.000 tỷ đồng dành cho DNNVV, với lãi vay giảm đến 2%/năm. Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, ông Ngô Quang Trung cho rằng, làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 tác động lên hoạt động cho vay là điều khó tránh, song cầu vốn tín dụng của khách hàng thường tăng trong mùa cao điểm cuối năm, nhất là khi dịch bệnh được kiểm soát.

Mới đây, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã cấp khoản vay 40 triệu USD cho SeABank để hỗ trợ DNNVV. Đây là hợp phần đầu tiên của gói tài trợ lên đến 150 triệu USD nhằm giúp mở rộng cho vay đối với DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Tháng trước, IFC cũng cấp khoản cho vay dài hạn 100 triệu USD cho Ngân hàng OCB để thúc đẩy khu vực tư nhân, nâng tổng mức cấp tín dụng của IFC cho OCB lên 280 triệu USD...

Trước đó, cuối quý III/2019, IFC đã cấp khoản vay trị giá 40 triệu USD cho OCB hỗ trợ DNNVV. Với nguồn tài trợ từ IFC, Ngân hàng OCB sẽ cấp vốn vay bổ sung cho những doanh nghiệp trong nước bị gián đoạn về dòng tiền. Các khoản tài trợ này sẽ giúp OCB tăng cường thanh khoản để tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng doanh nghiệp.

OCB đang triển khai gói ưu đãi dành cho DNNVV do nữ làm chủ, quản lý, với tổng hạn mức là 500 tỷ đồng. Lãi suất vay được OCB ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nhận định, trong thời gian tới, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ còn dai dẳng, nên doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ tối đa DNNVV, Ngân hàng OCB đã và đang rà soát, điều chỉnh các chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, giúp khôi phục hoạt động, phần nào góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam.

Còn khó khăn

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 14/6/2021, các các ngân hàng miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng, với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ ngày 23/1/2020 đến ngày 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng số tiền đăng ký cho vay (gói tín dụng ưu đãi) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm 2021 là 312.000 tỷ đồng và đến thời nay đã giải ngân được 121.024 tỷ đồng cho 13.672 khách hàng.

Theo ông Minh, do tác động của đại dịch và thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, việc hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM thông qua tổ chức triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã gặp khó khăn, không tổ chức hội nghị đối thoại và ký kết trực tiếp cho doanh nghiệp vay vốn tại các quận, huyện. Thay vào đó, ngành ngân hàng trên địa bàn đã tổ chức hoạt động này thông qua việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi theo kế hoạch của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đã đề xuất một số giải pháp, như tiếp tục thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm cơ chế chính sách về tín dụng, về lãi suất, phí…

Thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hiện nay, khiến không ít doanh nghiệp, nhất là các DNNVV mất sức đề kháng và suy yếu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, nên rất khó tiếp cận vốn vay. Số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 70% DNNVV không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Phần lớn DNNVV phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, nên các nhà băng thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng. Trong khi đó, với DNNVV, tính minh bạch của thông tin không cao và khó khăn vì dịch bệnh, nên thường khó đáp ứng được các tiêu chuẩn tín dụng.

“Cấp cứu” vốn cho doanh nghiệp hàng không: Lên sàn gọi vốn hay cấp tín dụng ưu đãi?
Sau khi Vietnam Airlines được cho vay 4.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi, VietJet và Bamboo cũng muốn Chính phủ cho vay ưu đãi hàng chục ngàn tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư