Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng lên sàn: Khua chiêng, gióng trống rồi... im tịt
Thùy Liên - 29/04/2017 07:29
 
Dù khua chiêng, gióng trống rộn ràng, 3 năm qua, cũng mới có một tân binh ngân hàng xuất hiện trên sàn. Chỉ cần nhìn giá cổ phiếu của các ngân hàng trên sàn OTC, có thể hiểu được vì sao các ông chủ nhà băng lại ngại ngần đến vậy.

Thông qua rồi… từ từ

Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, một loạt ngân hàng trình cổ đông kế hoạch lên sàn UPCoM ngay trong năm như VietABank, TPBank, HDBank, ABBank, KienLongBank. Trước đó, vào mùa đại hội đồng cổ đông năm ngoái, hàng loạt ngân hàng cũng được cổ đông nhất trí phương án lên sàn như: Techcombank, MaritimeBank, OCB, VPBank…

Thậm chí, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và mã chứng khoán cho Kienlongbank, VPBank, Techcombank. OCB và Maritime Bank cũng đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung.

.
.

Như vậy, sau 3 năm im hơi lặng tiếng, đã có hơn chục ngân hàng ngấp nghé tính chuyện lên sàn. Tuy nhiên, ngoài VIB đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 9/1, vẫn chưa có thêm tân binh nào.

Nhìn vào giá cổ phiếu ngân hàng trên sàn OTC, có thể hiểu được sự ngần ngại của các ngân hàng. Giải thích lý do chưa đưa ra thời điểm niêm yết cụ thể cho HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT thường trực HDBank cho rằng, cổ phiếu chưa niêm yết không hẳn là không tốt, bởi niêm yết tại thời điểm này, giá cổ phiếu không phản ánh tốt nhất giá trị ngân hàng. “HDBank đã đáp ứng đủ chuẩn để được niêm yết tại HOSE, nếu muốn chỉ cần 2 tuần là xong thủ tục”, bà Thảo khẳng định.

 Cổ phiếu bèo, cổ tức hẻo

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng đều phải lên sàn chứng khoán, nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu, cũng như minh bạch về các báo cáo tài chính. Như vậy, dù muốn hay không, năm nay, nhiều ngân hàng sẽ phải niêm yết trên sàn UPCoM.

Theo lãnh đạo các công ty chứng khoán, việc ngân hàng niêm yết sẽ giúp số liệu minh bạch hơn, nhà đầu tư dễ nhận diện tình hình tài chính của các ngân hàng hơn. Tuy nhiên, chỉ những ngân hàng hoạt động tốt mới được nhà đầu tư quan tâm, như VIB, hay tới đây là Techcombank, VPBank. Đây là những ngân hàng có giá trị cổ phiếu rất cao khi giao dịch trên thị trường OTC. Ngược lại, việc niêm yết sẽ càng làm cho ngân hàng yếu lộ rõ nhược điểm mà NCB là một điển hình.

Thực tế, trong số 9 mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán, chỉ có cổ phiếu một số nhà băng lớn, làm ăn tương đối hiệu quả như Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, mới hấp dẫn. Còn lại, giá nhiều cổ phiếu khác đều ở mức bèo, thậm chí dưới mệnh giá, điển hình như Eximbank.

Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng nói chung thời gian tới chưa thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Trước hết, ngành ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Ngoài ra, đa phần ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng vốn, do đó, khả năng chi trả cổ tức cao cho cổ đông nhiều năm tới sẽ bất khả thi. 

Trong bối cảnh ngành ngân hàng còn nhiều vấn đề nội tại cần xử lý, cộng thêm cổ tức “hẻo”, thì cổ phiếu ngân hàng cũng khó lấy lại ngôi vương.

Cổ phiếu ngân hàng lên sàn chứng khoán: Còn nhiều e ngại
Dù sẽ tiến hành đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UpCoM, nhưng để tiến tới niêm yết trên sàn chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư