Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng mạnh tay cho vay nông nghiệp công nghệ cao
Hà Tâm - 21/09/2018 18:22
 
Được vay tín chấp 70% giá trị dự án, không cần chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao…, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao giờ đây rộng cửa vay vốn nhờ cơ chế mới.

Doanh nghiệp sẽ dễ vay vốn 

Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, số tiền mà các ngân hàng giải ngân mới chưa đến một nửa. Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là để được cấp tín dụng ưu đãi, doanh nghiệp phải có chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận này trên cả nước còn rất ít.  

Ngoài chủ lực Agribank, ngày càng nhiều ngân hàng nhảy vào tín dụng nông nghiệp. Ảnh: Đức Thanh
Ngoài chủ lực Agribank, ngày càng nhiều ngân hàng nhảy vào tín dụng nông nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông thôn mới được ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này. Theo đó, không cần giấy chứng nhận, chỉ cần có phương án, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp vẫn có thể được vay tín chấp từ ngân hàng lên tới 70% giá trị dự án. 

“Căn cứ chắc chắn để ngân hàng cho vay phải là phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ, chứ không phụ thuộc việc doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hay không. Quy định trên giúp ngân hàng không chịu sức ép trong cho vay, nhưng tăng trách nhiệm trong thẩm định dự án cho vay hiệu quả để hạn chế rủi ro tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Việc loại bỏ thủ tục hành chính này giúp dòng tín dụng nông nghiệp công nghệ cao được khai thông. Đồng thời, sự hậu thuẫn về vốn từ ngân hàng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp.

Một vướng mắc nữa được các doanh nghiệp than phiền là đầu tư hàng tỷ đồng cho nhà kính, nhà lưới, nhưng không được sử dụng để thế chấp. Nghị định mới đã gỡ bỏ vướng mắc này, cho phép doanh nghiệp sử dụng các tài sản trên để bảo đảm cho vốn vay trong các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Ngân hàng bắt đầu mạnh tay cho vay nông nghiệp

Theo bà Huỳnh Đinh Hà Giang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH BioPhap (KonTum), khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp phải đối mặt với không ít rủi ro trong khi vốn đầu tư cao gấp từ 3 đến 7 lần so với canh tác truyền thống. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp rất cần nguồn vốn rẻ từ ngân hàng.   

Trong khi đó, các ngân hàng cũng cảm thấy yên tâm hơn khi có thêm những ràng buộc với người vay. Đơn cử, với mô hình vay theo chuỗi, Nghị định mới đã quy định khắt khe hơn. Cụ thể, theo Nghị định 116, để vay vốn theo chuỗi, tổ chức đầu mối của chuỗi và các đơn vị, cá nhân tham gia liên kết phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng cho vay, cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị qua các tài khoản này. Quy định này giúp ngân hàng có thể kiểm soát rủi ro tốt hơn, từ đó mạnh dạn cho vay tín chấp hơn.

“Trước đây, dù ký kết thỏa thuận vay theo chuỗi, song doanh nghiệp khi có doanh thu lại chuyển tiền sang tài khoản khác, khiến ngân hàng không quản lý được. Việc một số mô hình vay theo chuỗi tại Đồng bằng sông Cửu Long phá sản khiến ngân hàng mất vốn thời gian qua xuất phát từ tình trạng này”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho hay.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, với sự cởi trói về cơ chế, các nhà băng sẽ bớt ngại ngần cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề còn lại là có nhiều dự án khả thi để cho vay hay không. 

Được biết, ngoài chủ lực Agribank (chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp toàn hệ thống, đặc biệt dành 50.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao), ngày càng nhiều ngân hàng nhảy vào tín dụng nông nghiệp. Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank cho hay, cho vay nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng này trong thời gian tới.  

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng các lĩnh vực rủi ro và tập trung đẩy mạnh vốn cho lĩnh vực sản xuất, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao.   

Dù vậy, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, chịu trách nhiệm về an toàn vốn vẫn là ngân hàng. Vì vậy, dù cơ chế đã được mở, song không có nghĩa là vốn sẽ ào ào đổ vào nông nghiệp. Các ngân hàng vẫn phải giám sát, đánh giá các tiêu chí, mức độ rủi ro của từng phương án kinh doanh để giảm thiểu rủi ro cho cả phía ngân hàng lẫn người đi vay.

Xác định tiêu chí cho vay nông nghiệp công nghệ cao
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành bộ tiêu chí về cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở để các ngân hàng rót...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư