Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng mạnh tay trích dự phòng rủi ro
Vân Linh - 03/11/2024 08:30
 
Trước bối cảnh khó khăn, cộng với ảnh hưởng của bão Yagi khiến nợ xấu có xu hướng tăng, buộc các nhà băng phải tăng trích dự phòng rủi ro trong nửa cuối năm 2024.

Báo cáo tài chính quý III/2024 của một số ngân hàng cho thấy, nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ trong kỳ này. Chẳng hạn, tại PGBank, đến cuối tháng 9, số dư nợ xấu ở cả 4 nhóm nợ đều tăng so với cuối năm 2023. Tổng số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2024 của PGBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,85% lên 3,19%. Vì thế, chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm của PGBank cũng tăng gần 3 lần (lên 300 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

Tương tự, BaovietBank cho hay, nợ xấu được khống chế ở mức dưới 3%, song tỷ lệ nợ xấu vẫn thuộc top cao trong hệ thống nên dự phòng rủi ro tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Saigonbank là một trong những ngân hàng quy mô nhỏ phải đối mặt với kiểm soát nợ xấu tăng. Kết thúc quý III/2024, dư nợ tín dụng của Saigonbank tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank ở mức 2,2%, trích lập dự phòng tăng thêm 20% so với năm trước.

Theo ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank, ngành ngân hàng không thể nào không có nợ xấu. Quan điểm của Saigonbank là đánh giá đúng tính chất khoản nợ từng nhóm.

Tổng nợ xấu tính đến 30/9/2024 của Eximbank là 4.318 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 2,65% đầu năm, lên mức 2,71%...

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khả năng cuối năm 2024, nợ xấu còn tăng, trong đó có các khách hàng bị ảnh hưởng bão ở khu vực miền Bắc mất khả năng trả nợ. Nếu nợ xấu tăng, các ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay để bù đắp dự phòng rủi ro ngày càng trích nhiều hơn và những thất thoát khi khách hàng mất khả năng trả nợ, nên khó giảm mạnh lãi vay.

Trước đó, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này cho thấy thực trạng việc thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.

Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), 9 tháng đầu năm ghi nhận tổng doanh thu đạt 15.300 tỷ đồng. Biên lãi ròng (NIM) duy trì tích cực ở mức 4%. Đáng chú ý, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro của nhà băng này đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. VIB tiếp tục duy trì chính sách thận trọng với mức trích lập dự phòng trong 9 tháng khoảng 3.230 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm ngày 30/9/2024 của VIB là 2,67%.

Còn Techcombank, 9 tháng đầu năm chi phí dự phòng ghi nhận 3.964 tỷ đồng, tăng 73,4% so cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank tăng trưởng tích cực lên 103,4% tại thời điểm cuối tháng 9, từ mức 101% cuối tháng 6/2024. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Ngân hàng cải thiện lên mức 15,1%. Tỷ lệ nợ xấu trong quý III tăng nhẹ lên 1,35% so với mức 1,28% tại thời điểm cuối quý trước.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng cũng khá cao. Chỉ tính nửa đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên đến gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.

Theo ông Tú, nợ xấu là vấn đề lớn cần quan tâm, bởi đây là hệ quả của cả quá trình. Nhìn chung, đó là những khoản nợ sau 2 năm đại dịch Covid-19 và năm 2023 do yếu tố khách quan khó khăn của nền kinh tế, chứ không phải do sự yếu kém của ngành ngân hàng. NHNN sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn cho các ngân hàng.

Mặc dù NHNN gia hạn áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, nhưng thực trạng nợ xấu của hệ thống tiếp tục tăng so với đầu năm là cảnh báo về rủi ro của hệ thống ngân hàng. Các bên liên quan cần phải quyết liệt tháo gỡ, đồng bộ trong việc xử lý nợ xấu.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, không thể tính chính xác nợ xấu thực tế hiện nay tại các ngân hàng, nhưng chắc chắn cao hơn con số công bố. Theo ông Huân, khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu sẽ tăng cao, vì thế các ngân hàng phải gia tăng trích dự phòng rủi ro.

Theo điều tra của NHNN, quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ”, mà có xu hướng “tăng nhẹ”, tuy nhiên xu hướng này có biểu hiệu thu hẹp hơn so với quý II/2024. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024.

Nhà băng mạnh tay trích dự phòng rủi ro
Mặc dù thời gian tái cơ cấu nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được gia hạn đến hết năm 2024, song nhiều nhà băng vẫn lo nợ xấu và mạnh tay trích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư