Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng muốn áp dụng Luật Xử lý nợ xấu trước khi luật được thông qua
Hà Tâm - 19/02/2022 15:03
 
Hiệp hội ngân hàng đề nghị cho phép tổ chức tín dụng được lựa chọn áp dụng quy định của Luật Xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước khi Luật được thông qua.
f
Ngân hàng muốn sớm luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Nợ xấu tăng nhanh, nguy cơ hụt hành lang pháp lý

Sau Covid 19, nợ xấu bùng phát trong khi Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực (chỉ còn 6 tháng nữa) khiến các ngân hàng thấp thỏm lo lắng. Ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong khoảng 2 năm trở lại đây đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hoạt động xử lý thu hồi nợ của các ngân hàng.

Đại dịch COVID-19 dẫn tới suy giảm khả năng tài chính, giảm nhu cầu mua tài sản, mua khoản nợ của các đối tác, đồng thời nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại, không dám mua tài sản vì sợ rủi ro do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ tại một số địa bàn bị tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng, như bán đấu giá, thẩm định giá, thừa phát lại… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng.  

Tuy  nhiên, tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu Nghị quyết 42 chấm dứt hiệu lực nửa năm tới. Dẫu còn nhiều vướng mắc, trong 5 năm qua, Nghị quyết 42 đã giúp ngân hàng phá tan "cục máu đông" nợ xấu trong nền kinh tế, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Nếu Nghị quyết hết hiệu lực song lại chưa có chính sách chuyển tiếp, việc đòi nợ và tín dụng đóng băng là nguy cơ hiện hữu.

“Cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này”, Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty luật ANVI đề xuất.

Theo ông Đức, Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5 - 10 năm nữa, cho đến khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng lo lo lắng và cho rằng,  rất cần đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị quyết 42 để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để, với thời gian và tiến độ nhanh hơn.

“Việc các TCTD thực hiện xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu dựa trên quy định của Luật về xử lý nợ xấu sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao tương ứng với các luật khác để khắc phục được những hạn chế, rào cản pháp lý trong thực tiễn thực hiện Nghị quyết 42 hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội đề nghịy.

Áp dụng các điều khoản luật trước khi Luật được thông qua

Dự đoán nợ xấu sẽ tăng mạnh nửa cuối năm 2022 và tăng mạnh hơn những năm tiếp theo nếu hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu không kịp ban hành, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Hoặc, ít nhất là gia hạn trong khoảng thời gian 3 năm để chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.

Thậm chí, ông Nguyễn Quốc Hùng còn đề nghị, cơ quan soạn thảo xây dựng theo hướng quy định cho phép các TCTD được lựa chọn áp dụng quy định của Luật Xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước khi Luật về xử lý nợ xấu được thông qua, có hiệu lực.

Kể cả khi ban hành Luật xử lý nợ xấu hay kéo dài Nghị quyết 42, Hiệp hội ngân hàng cũng đề nghị, Luật Xử lý nợ xấu/Nghị quyết gia hạn phải xác định rõ vai trò các chủ thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần chi tiết, cụ thể hai nội dung là là chứng khoán hóa nợ xấu và mua bán nợ xấu. đồng thời phải xây dựng hệ nguyên tắc cụ thể, xác định rõ nhóm đối tượng điều chỉnh luật để đảm bảo tính ổn định và lâu dài của luật.

Đồng thời, Luật cũng phải có các quy định rõ hơn về quyền chủ nợ, không ràng buộc các điều kiện về quyền thu giữ tài sản.   

Nâng tỷ lệ bao phủ cao kỷ lục, ngân hàng giảm nỗi lo ẩn số nợ xấu
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay đã trích lập đủ dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu, nếu Ngân hàng Nhà nước không gia hạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư