Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nợ xấu tăng mạnh
Ngân hàng muốn kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giãn trích lập dự phòng 5 năm
Thùy Liên - 06/08/2021 09:38
 
Thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng quá ngắn, áp lực trích lập dự phòng trong 3 năm quá lớn khiến các ngân hàng thương mại đề xuất NHNN sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
f
Hàng loạt tỉnh, thành phải phong tỏa khiến doanh nghiệp bị đứt gãy sản xuất, khả năng trả nợ giảm mạnh

Dịch bệnh Covid 19 lan rộng, hàng loạt tỉnh, thành bị giãn cách xã hội, nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhanh. Trong khi đó, việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều vướng mắc.

Hôm qua (5/8/2021), Hiệp hội ngân hàng vừa có buổi họp với các thành viên lắng nghe các vướng mắc và phản ảnh lên NHNN, kiến nghị sửa đổi Thông tư 03 để hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng và giảm áp lực cho chính các ngân hàng. 

Đề xuất kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến khi hết dịch

Theo quy định của Thông tư 03, việc cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 được thực hiện đến ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc dịch, giãn cách xã hội phải triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố, kiểm soát/hạn chế di chuyển…

Do đó, các tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 03 theo hướng cho phép áp dụng với các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid -19.

Đặc biệt, dịch bệnh cũng khiến nhiều khách hàng ở các địa phuonwg đang thực hiện phong tỏa, cách ly theo Chỉ thị 16 gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán nợ. Tuy nhiên, Thông tư 03 quy định, chỉ được phép cơ cấu nợ với khoản nợ quá hạn đến 10 ngày. Các tổ chức tín dụng đề nghị NHNN nên mở rộng cơ chế như sau:  Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.

Bên cạnh đó, thời gian được gia hạn của các khoản nợ cơ cấu nợ,  giữ nguyên nhóm nợ cũng được kiến nghị điều chỉnh. Cụ thể, theo Thông tư 03, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

Quy định này đã gây khó khăn cho cả khách hàng và TCTD ở hai điểm.

Thứ nhất, đối với khách hàng, quy định này đòi hỏi khách hàng phải có phương án trả nợ đối với số dư nợ được cơ cấu và số dư nợ phát sinh mới (nếu có) trong thời gian tương đối ngắn (tối đa 12 tháng).

Trong giai đoạn dịch bệnh thứ 4 bùng phát, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phải dừng sản xuất do bị đứt gãy các chuổi cung ứng, nguồn cung cấp nguyên, vật liệu thiếu hụt hoặc để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh...  Do đó, nhiều khách hàng sẽ không thể đáp ứng được áp lực trả nợ nếu như số dư nợ được cơ cấu phải phân bổ trong 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ theo quy định của Thông tư 03 do chưa thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt đối với các khoản nợ có thời hạn vay còn lại dài được cơ cấu các kỳ trả nợ gốc, lãi, khi hết hạn cơ cấu, việc trả toàn bộ số tiền đã được cơ cấu và số tiền theo lịch trả nợ đã ký tại Hợp đồng tín dụng ban đầu là khó thực hiện với đa số khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đối với khoản cho vay trung dài hạn, lịch trả nợ của khách hàng tại từng kỳ hạn đã được xác định phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng/dự án khi thẩm định, cấp tín dụng; Trường hợp khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ một số kỳ hạn đến hạn trả nợ, cần thiết phải giãn số tiền này sang các kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.

Nếu bắt buộc phân bổ vào ngay các kỳ sau thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khách hàng không chỉ phải trả nợ các kỳ sẽ đến hạn mà còn phải trả nợ các kỳ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ không phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng, tiếp tục gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng.

Do đó, tổ chức tín dụng đề nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc đề nghị giữ nguyên theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN: “không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng (HĐTD) đã ký”.

Thứ hai, đối với tổ chức tín dụng, Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ nhưng lại không quy định cụ thể “Thời điểm thực hiện cơ cấu nợ” là thời điểm nào?

Thực tế, khách hàng vay vốn có nhiều kỳ trả nợ theo tháng/quý/6 tháng/12 tháng… Khi có khó khăn về dòng tiền trả nợ, khách hàng thường đề nghị cơ cấu nợ cùng lúc cho nhiều kỳ trả nợ và để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng cũng như giảm bớt thủ tục thì ngân hàng sẽ thực hiện cơ cấu nợ cùng lúc cho nhiều kỳ trả nợ gần nhau. Trong trường hợp này, thời điểm “Thực hiện cơ cấu nợ” sẽ được tính từ thời điểm nào cần giải thích kỹ hơn.  

Kéo dài thời gian trích lập dự phòng trong 5 năm

Theo Thông tư 03, tổ chức tín dụng phải trích lập tối thiểu 30% dư phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu trong năm nay và trích lập tỷ lệ tương ứng trong 2 năm tiếp theo (trích lập toàn bộ dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm).

Theo các tổ chức tín dụng, thời gian qua, dịch Covid 19 không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà cả ngân hàng cũng bị tác động nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh hàng loạt tỉnh, thành phải giãn cách xã hội. Do đó, các tổ chức tín dụng đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính, có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.

Các tổ chức tín dụng cũng đề nghị NHNN phải thống nhất lại một số quy định về hướng dẫn trích lập dự phòng cụ thể để tất cả các TCTD đều thống nhất cách hiểu và thực hiện như nhau.

Ngoài ra, với số lượng khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể tăng thêm do diễn biến dịch còn kéo dài, việc theo dõi tay toàn bộ các nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ gây tốn nguồn lực, dễ nhầm lẫn, sai sót trong tính toán, các tổ chức tín dụng đề nghị NHNN nghiên cứu áp dụng công thức tính đơn giản, dễ vận dụng hoặc có hướng dẫn chi tiết để hạn chế sai sót cho các TCTD trong công tác trích lập dự phòng.

Kiến nghị điều chỉnh dự thảo sửa đổi Thông tư 01 phù hợp với thực tế
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa gửi NHNN có công văn số 19/HHNH-PLNV, báo cáo góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư