Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước: Điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới tiếp tục gặp nhiều áp lực
T.L - 08/11/2024 06:00
 
Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ ra một loạt thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay, trong đó có việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm thêm lãi suất.

Tín dụng đã tăng 10%, lãi vay giảm thêm 0,76% trong 10 tháng

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa có Báo cáo gửi tới đại biểu quốc hội liên quan đến một số vấn đề phục vụ phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Về điều hành lãi suất, trong 10 tháng đầu năm 2024, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành (sau khi đã giảm 4 lần liên tiếp năm 2023) nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.

Với tỷ giá, nhìn chung, giai đoạn từ 2022 đến tháng 10/2024, mặc dù thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VND về cơ bản diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Một số giai đoạn, đồng tiền của nhiều nước trong khu vực biến động rất mạnh trước các áp lực trên thị trường tài chính thế giới nhưng mức mất giá của VND so với USD phù hợp và tương đối ổn định so với xu hướng chung của các đồng tiền.

Về tín dụng, tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023.

Lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.

Loạt thách thức gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ

Theo Thống đốc, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức và điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới tiếp tục gặp nhiều áp lực.

Thứ nhất, lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, thời tiết cực đoan;...

Thứ hai, việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn do: (i) Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023); (ii) Nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất; (iii) Sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất VND trong nước càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Thứ ba, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn).

Thứ tư, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp: Sau khi chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp; một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc giải ngân vốn vay do vướng mắc về thủ tục pháp lý của dự án, năng lực tài chính suy giảm, mất cân đối dòng tiền, thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi,…

Với những khó khăn thách thức này, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, AMRO đều nhận định dư địa nới lỏng CSTT của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Định hướng của NHNN thời gian tới là tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành CSTT kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành các công cụ CSTT chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD, hỗ trợ điều hành CSTT. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Thực hiện các biện pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thống đốc: Sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa quy định để "big 4" ngân hàng được chủ động tăng vốn
Sáng nay (4/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Ngân hàng Nhà nước đã có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư