Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận cho vay
Hà Tâm - 27/03/2022 17:08
 
Hai năm trước, dù tín dụng tăng trưởng thấp, ngân hàng Việt vẫn sống khỏe nhờ lãi suất đầu vào giảm sâu, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm. Nhưng năm nay, tình hình đang diễn biến ngược lại.
Lợi nhuận cho vay của ngân hàng năm nay giảm do lãi suất huy động tăng, trong khi lãi suất cho vay không tăng. Ảnh: Đ.T

Vì sao Việt Nam ngược chiều thế giới về lãi suất?

Giá hàng hóa đầu vào đang tăng chóng mặt, nếu lãi suất cho vay tăng, doanh nghiệp sẽ chịu đòn kép ngay khi mới bắt đầu nhen nhóm phục hồi. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, Chính phủ sẽ không để mặt bằng lãi suất cho vay gia tăng.

“Năm nay, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất 7 lần, song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không tăng lãi suất cơ bản. Thậm chí, NHNN còn đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-1% để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng nhẹ từ đầu năm tới nay, song theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất cho vay sẽ không tăng theo. Lý do là Việt Nam đã phục hồi chậm một nhịp so với thế giới. Năm 2021, thế giới bước vào hồi phục mạnh mẽ, dẫn tới lạm phát tăng mạnh năm nay, thì Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid thứ tư và năm nay mới bước vào hồi phục.

“Nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam năm 2022 là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách phải hướng đến nhiệm vụ này, nên lãi suất không thể tăng, bởi nếu lãi suất tăng thì sẽ cản trở phục hồi. Chính sách tài khóa, tiền tệ phải phối hợp nhịp nhàng để hỗ trợ phục hồi, nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát. Đó chính là bài toán khó của Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, mà lạm phát ở nhiều nước châu Á cũng đang ở mức rất thấp, khiến chính sách tiền tệ trên thế giới phân cực. Trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, thì nhiều nước ở châu Á vẫn đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm, buộc phải duy trì lãi suất thấp để ưu tiên phục hồi kinh tế.

Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), lạm phát ở Việt Nam suốt 7 năm qua được kiểm soát ở mức rất thấp, chỉ dao động quanh 2-3%. Sự phối hợp nhịp nhàng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp Việt Nam duy trì được mức lạm phát này. Bên cạnh đó, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào cũng làm nhẹ bớt các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Trên thực tế, 2 tháng đầu năm nay, lạm phát ở nước ta vẫn ở mức thấp, tổng cầu phục hồi khiêm tốn. Theo tính toán của ông Khang, lạm phát cả năm nay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, Việt Nam cần ưu tiên chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Mặc dù tín dụng năm nay có khả năng phục hồi, song theo ông Khang, với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay, cũng như sự điều tiết của NHNN, tín dụng khó tăng đột ngột và không phải là yếu tố gây nên lạm phát. Tác động của cung tiền đột ngột lên lãi suất là không có. Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến của lạm phát để đưa ra các giải pháp tiền tệ, tín dụng kịp thời.

Nhà băng phải chấp nhận giảm lợi nhuận từ mảng cho vay

Rõ ràng, diễn biến lãi suất không còn có lợi cho ngân hàng như 2 năm trước. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, ngân hàng kiếm bộn từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số NIM (chênh lệch lãi suất huy động/cho vay) cao ngất ngưởng.

Lãi suất huy động năm 2022 sẽ tăng nhẹ, nhưng lãi suất cho vay không tăng được vì Chính phủ yêu cầu tập trung hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Theo tôi, trong bối cảnh như vậy, năm nay giữ lạm phát ổn định đã là thành công.

-TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

 

Năm nay, lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay không thể tăng, khiến NIM ngân hàng giảm xuống. Du vậy, hiện tại, NIM của nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao, nên việc lãi suất cho vay tăng nhẹ tác động không quá lớn đến NIM ngân hàng. Bên cạnh đó, tín dụng năm nay dự báo tăng mạnh hơn năm ngoái, nên sẽ giúp ngân hàng bù đắp phần NIM sụt giảm.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán, lãi suất huy động năm nay có thể tăng 0,2-0,5%, tùy từng ngân hàng. Ngân hàng nào thanh khoản yếu, cơ cấu tiền gửi không tối ưu, cầu vốn nhiều, thì khả năng tăng lãi suất cao hơn các ngân hàng còn lại.

Về phía các ngân hàng thương mại, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, giá vốn năm nay có thể tăng, song mức độ tăng không quá lớn. Với các ngân hàng thường xuyên tìm kiếm nguồn vốn rẻ trên thị trường thế giới, thì chi phí vốn sẽ tăng mạnh hơn.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng VIB thừa nhận, việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn trên thị trường quốc tế của Ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để tiếp tục duy trì phong độ lợi nhuận, các ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí, đa dạng hóa nguồn thu theo hướng tăng thu từ mảng dịch vụ, đẩy nhanh chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn…

Về phía NHNN, cơ quan này khẳng định, năm 2022, trên cơ sở cân đối vĩ mô, NHNN sẽ vẫn giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép. NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các chuyên gia cho rằng, nếu NHNN kiểm soát được cung tiền, nắn tín dụng chảy vào lĩnh vực ưu tiên, thay vì lĩnh vực đầu cơ, thì lạm phát từ yếu tố cung tiền sẽ không xảy ra và việc duy trì chính sách lãi suất ổn định năm nay là hoàn toàn khả thi, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi.

Nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động để hút vốn nhàn rỗi
Cầu tín dụng sẽ tăng trong những tháng cuối năm, làm tăng áp lực về nguồn vốn. Do đó, nhiều nhà băng bắt đầu tăng lãi suất huy động tiền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư