Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng ráo riết tìm đối tác chiến lược
Thùy Liên - 16/07/2015 16:05
 
Kinh Đô vừa rót 1.000 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Dong A Bank. Dự báo, từ nay đến hết năm 2016, sẽ còn nhiều thương vụ chào bán cổ phần “khủng” trong lĩnh vực ngân hàng.

Tìm đối tác chiến lược để... né sáp nhập

Nằm trong vòng xoáy tin đồn sáp nhập với ABBank, đầu tuần này, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) gây bất ngờ khi công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông thường niên sẽ diễn ra vào 21/7. Theo đó, lãnh đạo DongA Bank đề nghị cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Toàn bộ 100 triệu cổ phiếu phát hành thêm trong đợt phát hành này (1.000 tỷ đồng) sẽ được bán cho Công ty cổ phần Kinh Đô.

Lãnh đạo DongA Bank khẳng định, Kinh Đô đã cam kết mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn này của Ngân hàng. Nếu được cổ đông thông qua, doanh nghiệp này sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của DongA Bank, với tỷ lệ sở hữu cổ phần lên tới gần 17% và khi đó, DongA Bank sẽ chưa vội tính đến bài toán sáp nhập.

a

 

Cũng chọn phương án tìm đối tác chiến lược, thay vì sáp nhập là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch thường trực HĐQT MB cho hay, Ngân hàng đã tìm hiểu, đánh giá hai ngân hàng khác để có phương án M&A hợp lý. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu được - mất, ngân hàng này đã quyết định không chọn hướng sáp nhập, thay vào đó là tìm kiếm các đối tác chiến lược trong và ngoài nước.

Được biết, MB xác định hai cơ chế bán cổ phần chiến lược, trong đó, giảm giá tối đa 25% so với giá thị trường cho cổ đông chiến lược trong nước (ưu tiên doanh nghiệp quân đội). Còn cổ đông nước ngoài được mua theo giá thỏa thuận, nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách và mức bán dự kiến là 10 - 15% vốn điều lệ.

Tương tự, VPBank cũng đang tràn trề hy vọng tìm được đối tác chiến lược nước ngoài trong năm nay. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, năm 2015, Ngân hàng sẽ tăng vốn chủ sở hữu nhờ tìm kiếm, chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Lãnh đạo VPBank cũng cho biết, quá trình đàm phán đang vào giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, thương vụ chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược “khủng” nhất, được thị trường đặc biệt quan tâm là trường hợp của Ngân hàng BIDV.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, mục tiêu của việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược là phải theo đề án đã được phê duyệt và phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

“Đơn vị tư vấn đã khuyên BIDV nên cân nhắc bài toán thị trường để chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược đạt giá trị và hiệu quả cao nhất. Từ cuối năm 2014 đến nay, thị trường có dấu hiệu ấm lên, kinh tế tăng trưởng cao hơn... Vì vậy, chúng tôi tin là sẽ hoàn thành việc chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược trong năm 2016 với mức giá tối ưu”, ông Trần Bắc Hà nói.

Cái giá của cổ đông chiến lược

Trên thực tế, tìm cổ đông chiến lược không chỉ để né sáp nhập. Nếu tìm được đối tác chiến lược tốt, ngân hàng không chỉ có thêm dòng vốn mới, mà lợi ích còn được nhân lên. Đơn cử, Ngân hàng TPBank gần như đã lột xác hoàn toàn khi có Tập đoàn Doji tham gia góp vốn. Nhiều ngân hàng khác khi tìm được cổ đông chiến lược cũng ngay lập tức có thêm được một lượng khách hàng hùng hậu, được chuyển giao công nghệ…

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB lấy ví dụ: “MB hợp tác với cổ đông chiến lược là Viettel, thì trong năm 2015, Ngân hàng có thêm 2 triệu khách hàng, trong khi mất 20 năm MB mới có 3 triệu khách hàng hiện tại”, ông Thái nói.

Nói về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, hầu hết lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất, ngoài tiềm lực tài chính, phải là những nhà đầu tư cam kết đi đường dài với ngân hàng và hai bên phải có chung quan điểm về định hướng chiến lược phát triển của ngân hàng.

Thế nhưng, lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược không phải là điều đơn giản. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP thừa nhận: “Chúng tôi đã mất 2 năm tìm kiếm đối tác chiến lược và cũng đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư, nhưng đều bất thành. Không chỉ bất đồng vì bên bán muốn bán đắt, bên mua muốn mua rẻ, mà tìm được nhà đầu tư cam kết sẵn sàng đi đường dài với ngân hàng cũng rất khó”, vị lãnh đạo này cho biết.

Đại gia gốc Canada thành cổ đông chiến lược của BIC
Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa ký kết Hợp đồng Đặt mua Cổ phần với FairFax Asia Limited (Canada).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư