Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Ngân hàng tăng tốc cho vay tháng cuối năm
Hà Tâm - 07/12/2021 17:34
 
Vừa được nới room tín dụng, các ngân hàng đang cấp tập cho vay. Lãnh đạo nhiều ngân hàng dự đoán, lãi suất cho vay sẽ không tăng, thậm chí giảm.

Có thêm 930.000 tỷ đồng bơm vào nền kinh tế

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho hay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tính đến hết tháng 10/2021 mới đạt 11%, nhưng cả năm dự kiến đạt 15% theo đúng hạn mức (room) tín dụng năm 2021 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng, tín dụng của Vietcombank dự kiến tăng 2%.

Tương tự Vietcombank, nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng được cấp trong 9 tháng đầu năm và từ đầu quý IV/2021 đã xếp sẵn hồ sơ tín dụng của khách hàng, chỉ đợi NHNN nới room tín dụng là cấp tập giải ngân. Các ngân hàng được nới room tín dụng đều nỗ lực tận dụng tối đa hạn mức.

Nhu cầu vay vốn phục hồi dần trở lại sau thời gian giãn cách xã hội lan rộng đang khiến tín dụng toàn hệ thống khởi sắc. Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 25/11, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 10,1%. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 11 tăng khoảng 1,4%, gần bằng mức tăng trưởng tín dụng của cả quý III/2021. Với mức tăng trưởng tín dụng 10,1% tính đến ngày 25/11, đã có lượng tiền xấp xỉ 930.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế từ đầu năm đến nay.

Về phía NHNN, động thái mở rộng tín dụng cuối năm khá rõ nét khi tuần trước, cơ quan này đã nới room tín dụng cho 11 ngân hàng thương mại cổ phần. Đồng thời, NHNN cũng đang cân nhắc tiếp tục hoãn lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để tăng thêm thanh khoản cho hệ thống.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, động thái trên của NHNN sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Công ty Chứng khoán BSC dự đoán, tín dụng đến cuối năm nay có thể tăng 13,8%.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, mặc dù dư địa không còn nhiều, song năm nay, ngành ngân hàng vẫn có thể mở rộng tín dụng có chọn lọc, mức tăng tín dụng của cả năm khoảng 12-13%. Theo chuyên gia này, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh rất lớn, song NHNN sẽ khống chế lượng cung tiền, không để tín dụng được bơm quá nhiều ra nền kinh tế trong bối cảnh sức hấp thụ của nền kinh tế còn yếu, nguy cơ lạm phát vẫn luôn rình rập.

Mặc dù tín dụng được mở rộng hơn, song nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, lượng tín dụng mới có thể sẽ không nhiều như con số báo cáo, bởi một lượng đáng kể dư nợ tín dụng tăng thêm chính là nợ được cơ cấu lại, chứ không phải tín dụng mới.

Lãi suất khó tăng, nắn dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên

Mặc dù tín dụng đang phục hồi khá mạnh, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới có thể giảm thêm nhờ chủ trương giảm tiếp lãi vay để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của Chính phủ. Lạm phát thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào, tín dụng được kiểm soát, dòng tín dụng đầu cơ bị giám sát chặt… là cơ sở để lãi vay có thể giảm thêm, trong khi lãi suất huy động sẽ được giữ ở mức ổn định.

Tính đến ngày 25/11, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 10,1%. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 11 tăng khoảng 1,4%, gần bằng mức tăng trưởng tín dụng của cả quý III/2021.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, việc giảm lãi suất không chỉ năm 2021, 2022, mà là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt nhiều năm gần đây để cung ứng vốn đầy đủ hơn với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vay vốn phục vụ đời sống và kinh doanh.

Mặc dù năm 2020-2021, mặt bằng lãi suất đã có mức giảm đáng kể, một phần nhờ NHNN giảm lãi suất điều hành, một phần do ngân hàng thương mại tự nguyện giảm lãi, song năm 2022, Phó thống đốc cho hay, chủ trương giảm lãi suất vẫn được đặt ra.

“Việc giảm lãi suất cho năm sau sẽ dựa vào nội lực của chính các ngân hàng thương mại, từ việc tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận trong điều kiện khó khăn với các doanh nghiệp”, Phó thống đốc khẳng định.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang trông chờ gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tính cả gói hỗ trợ tín dụng này, thì dư nợ tín dụng năm 2022 cũng sẽ chỉ tăng ở mức 13-14%, tức là chỉ tăng tương đối ổn định so với năm nay.

Đặc biệt, dòng vốn bơm ra thị trường sẽ tiếp tục được NHNN “nắn dòng” để không chảy vào lĩnh vực nóng. Theo NHNN, tín dụng 11 tháng năm 2021 vẫn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ. Hiện tại, tín dụng các lĩnh vực rủi ro đang trong mức kiểm soát. Mới đây, NHNN ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN siết hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. Theo đó, từ đầu năm 2022, dòng tín dụng đổ vào bất động sản qua kênh trái phiếu doanh nghiệp càng được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, thời gian tới, các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của Chính phủ nên tập trung vào nhóm chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ có thể mở rộng thêm, nhưng không hoàn toàn nới lỏng, nhằm ưu tiên hỗ trợ phục hồi kinh tế, song phải đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Chạy đua số hóa, ngân hàng lãi lớn
Chi phí giao dịch trên kênh số giảm 96% so với kênh giao dịch trực tiếp tại chi nhánh khiến hiệu quả kinh doanh của nhiều ngân hàng cải thiện bất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư