Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ 60 triệu USD cho nỗ lực giảm phát thải của Việt Nam
Hải Hà - 22/09/2017 07:22
 
Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết chi trả cho các nỗ lực giảm phát thải của Việt Nam sau khi thẩm định kết quả đạt 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 60 triệu USD trong thời gian 6 năm thực hiện chương trình từ năm 2019 đến năm 2025.
.
Việt Nam sẽ nhận được nguồn tài chính tương đương 60 triệu USD nếu kết quả giảm phát thải khí nhà kính quy đổi tương đương đạt 10,3 triệu tấn CO2.

Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện nỗ lực này qua chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Được biết, 6 tỉnh này bao gồm gần như toàn bộ diện tích rừng lá rộng thường xanh còn lại hiện nay của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu.

Vùng Bắc Trung Bộ có dân số 10,4 triệu người (chiếm 12% tổng dân số Việt Nam), có tổng diện tích đất tự nhiên là 5,15 triệu ha (chiếm 16% tổng diện tích đất đai Việt Nam), độ che phủ rừng là 57% (2,9 triệu ha), trong đó 74% là rừng tự nhiên (2,1 triệu ha). Hơn một nửa đất rừng vùng Bắc Trung Bộ (1,7 triệu ha) thuộc quản lý của Nhà nước và gần 1/3 (0,9 triệu ha) đã được giao cho các hộ gia đình cá thể hoặc các cộng đồng thôn bản.

Đây là Chương trình cấp vùng được thực hiện REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng) đầu tiên ở Việt Nam với tham vọng giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, do Việt Nam chỉ được chi trả cho nỗ lực giảm phát thải sau khi kết quả được thẩm định minh bạch, rõ ràng nên nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ cần được bố trí từ các chương trình, dự án hiện có và sẽ triển khai như: Chi trả Dịch vụ môi trường rừng (trên diện tích 598.423 ha khu vực Bắc Trung Bộ); Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (2016-2020); Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình nông thôn mới; Dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường khả năng chống chịu ven biển triển khai ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, Hải Phòng và Quảng Ninh (Ngân hàng Thế giới – 150 triệu USD);  Dự án Quỹ khí hậu xanh (UNDP - 11,5 triệu USD)....

Để thực hiện tiến trình này, ngày 27/9 tới, tại Hà Nội, Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” sẽ tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPD) nhằm lấy ý kiến lần cuối để hoàn thiện Văn kiện trước khi gửi Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) chính thức vào tháng 11/2017 và bảo vệ trước cộng đồng quốc tế vào tháng 12 năm nay.

Nếu bảo vệ thành công và được Quỹ FCPF thông qua Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam sẽ tiến đến thương thảo và ký kết Hiệp định Giảm phát thải để thực hiện Chương trình.

Đây sẽ là một hoạt động quan trọng góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về REDD+, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời thể hiện trách nhiệm và nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Cũng cần nói thêm, Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ được thiết kế dựa trên nguyên tắc: Giải quyết các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng; dựa trên các chương trình, dự án đầu tư liên quan; đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải và tăng hấp thụ; đóng góp cho cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải và chi trả dựa trên kết quả.

Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ có 4 hợp phần, 10 tiểu hợp phần và 29 hoạt động.

Trong đó, hợp phần 1 là tăng cường điều kiện cần thiết cho giảm phát thải với 2 tiểu hợp phần: tăng cường chính sách kiểm soát chuyển đổi rừng tự nhiên và tăng cường thực thi pháp luật và quản trị rừng. Hợp phần 2 là thúc đẩy quản lý rừng bền vững và tăng chất lượng rừng với 3 tiểu hợp phần: bảo vệ rừng tự nhiên hiện có; nâng cao chất lượng rừng trồng; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Hợp phần 3 là thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng với 2 tiểu hợp phần: cải thiện sản xuất nông nghiệp; đa dạng và cải thiện sinh kế người dân sống phụ thuộc vào rừng. Hợp phần thứ 4 là quản lý và điều phối Chương trình với 3 tiểu hợp phần: quản lý và điều phối chương trình; theo dõi, giám sát và đánh giá; truyền thông.

Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” được Quỹ FCPF tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới với tổng số vốn 5 triệu USD, thời gian thực hiện từ tháng 11/2016 đến tháng 12/2019. Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) là chủ dự án. Dự án này được triển khai với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý và thực hiện REDD+ hiệu quả; tăng cường năng lực thực hiện REDD+ ở cấp tỉnh và xây dựng Văn kiện Chương trình Giảm phát thải (ERPD) tiến tới chi trả tài chính dựa trên kết quả giảm phát thải ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+ theo Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017.

GE cung cấp giải pháp giúp giảm phát thải tới 11% cho nhà máy nhiệt điện
GE vừa ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Tối ưu Hiệu quả năng lượng toàn cầu, nơi tập hợp những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư