Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Ngân hàng thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt ở nông thôn
Trần Mạnh - 15/06/2021 20:43
 
Thói quen chi tiêu tiền mặt phổ biến ở nông thôn đang được kỳ vọng thay đổi, với sự vào cuộc tích cực của ngân hàng, đặc biệt là Agribank.
Agribank đang thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước. Ảnh: Đ.T

Chấp nhận giảm hàng ngàn tỷ đồng để thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến ở khu vực thành thị, song ở địa bàn nông thôn, người dân vẫn giữ thói quen thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt của cả nước, đặc biệt địa bàn nông thôn, cũng là chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, gần đây, khi Covid-19 có những diễn biến phức tạp, việc thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt lại càng cần thiết.

Không giống các ngân hàng thương mại cổ phần khác, Agribank hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông thôn. Thói quen chi tiêu tiền mặt của người dân khiến ngân hàng này phải chịu gánh nặng chi phí lớn về vận hành tiền mặt, vận hành hệ thống 3.000 máy ATM.

Agribank đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, như đẩy mạnh giao dịch qua ứng dụng Agribank Emobile Banking, Internet Banking, liên kết thanh toán qua ví điện tử, thanh toán qua POS, giao dịch qua ngân hàng tự động CDM, ATM, mở rộng Đề án Thẻ nông nghiệp - nông thôn tại địa bàn nông thôn…

Đặc biệt, từ giữa tháng 5/2021, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng đồng loạt tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và cả các kênh ngân hàng điện tử của Agribank. Cụ thể, Ngân hàng miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong hệ thống Agribank, áp dụng trên tất các kênh thanh toán: tại quầy giao dịch, ATM, Agribank E-Mobile Banking, SMS Banking, Bankplus. Đồng thời, miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền ra ngoài hệ thống Agribank, áp dụng trên các kênh ngân hàng điện tử: ATM, Agribank E-Mobile Banking.

Với quyết định miễn phí dịch vụ chuyển tiền trong nước mới lần này, dự kiến có khoảng 18 triệu khách hàng của Agribank được áp dụng chính sách ưu đãi lớn, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở địa bàn nông nghiệp - nông thôn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, quyết định này sẽ khiến Agribank giảm hơn 1.600 tỷ đồng phí dịch vụ. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn quyết định triển khai, nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phát triển tại khu vực nông thôn, đồng thời giảm bớt chi phí quản lý, vận hành tiền mặt và chi phí đầu tư cho hệ thống ATM vốn rất tốn kém.

Đa dạng kênh thanh toán phục vụ thị trường nông thôn

Hiện nay, thị trường thanh toán nông thôn còn rất rộng mở và đây cũng là dư địa tăng trưởng lớn cho các ngân hàng bán lẻ, phát triển tài chính vi mô. Có quy mô mạng lưới lớn nhất hệ thống, với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng, hơn 3.000 ATM/CDM có mặt khắp mọi vùng miền trên cả nước, Agribank đang có cơ hội rất lớn để mở rộng thị phần của mình.

Hiện tại, Agribank cung ứng cho thị trường hơn 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng, hầu hết các sản phẩm đều đã được cung cấp qua các kênh điện tử. Lượng khách hàng sử dụng các kênh điện tử của Agribank tăng vọt trong những năm gần đây.

Ngoài đẩy mạnh Internet Banking, Mobile Banking, Agribank cũng đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ ở khu vực nông thôn để giảm thanh toán tiền mặt. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và đại dịch Covid-19, dịch vụ thẻ của Agribank tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì vị thế Top 3 trên thị trường. Đề án Phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp - nông thôn của Agribank được vinh danh là một trong 20 giải "Sáng kiến vì cộng đồng".

Tính đến ngày 31/12/2020, đã có 104/108 chi nhánh địa bàn nông thôn triển khai Đề án Thẻ nông nghiệp - nông thôn, tổng số lượng thẻ Agribank phát hành trên địa bàn nông thôn đạt gần 240.000 thẻ, hạn mức thấu chi đã cấp là hơn 1.600 tỷ đồng, lắp mới hơn 1.800 POS.

Bên cạnh đó, Agribank triển khai mô hình ngân hàng tự động Autobank CDM một cách hiệu quả, nhằm giảm các giao dịch trực tiếp tại quầy, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng tự động Autobank CDM với nhiều tính năng giao dịch vượt trội, màn hình cảm ứng hiện đại, khả năng quay vòng tiền, hệ thống CDM được khách hàng đánh giá cao, góp phần tiết giảm đáng kể chi phí giao dịch tại quầy, chi phí kiểm quỹ, tiếp quỹ ATM, gia tăng chức năng, tiện ích cung cấp cho khách hàng.

Tính đến cuối năm 2020, tổng số tài khoản thanh toán tại Agribank đạt trên 15,56 triệu tài khoản (tăng 14,7%, tăng hơn 2 triệu tài khoản so với năm 2019, cao hơn mức bình quân của toàn ngành khoảng 10 - 11%). Trong đó, đặc biệt là dịch vụ Mobile Banking có trên 12,17 triệu khách hàng sử dụng (tăng 23,4%, tăng 2,3 triệu khách hàng). Tỷ lệ khách hàng có tài khoản thanh toán sử dụng dịch vụ Mobile Banking đạt 78,2% (năm 2018 đạt 62,4%, năm 2019 đạt 72,7%). Số khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking đạt 255.000 người (tăng 11%) với hơn 1 triệu giao dịch chuyển khoản.
Người dân vẫn “chê” thanh toán phi tiền mặt
Chưa tiện lợi, bảo mật dữ liệu khách hàng kém, phí cao… là những lý do khiến người dân chưa mặn mà với thanh toán không dùng tiền mặt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư