Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Người dân vẫn “chê” thanh toán phi tiền mặt
Hà Tâm - 30/08/2020 14:23
 
Chưa tiện lợi, bảo mật dữ liệu khách hàng kém, phí cao… là những lý do khiến người dân chưa mặn mà với thanh toán không dùng tiền mặt.
Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân có giảm bớt, nhưng chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt.
Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân có giảm bớt, nhưng chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt.

Hơn 80% giao dịch mua sắm online vẫn sử dụng tiền mặt

Ông Nguyễn Văn Trọng, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, hoạt động mua sắm online tăng trưởng mạnh mấy năm gần đây, song tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm trên 80%, theo khảo sát ngẫu nhiên của Hiệp hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho hay, trước đây, tỷ lệ đơn hàng theo hình thức COD (giao hàng nhận tiền) ở Viettel Post là 80%, song gần đây đã cải thiện và hiện chỉ còn khoảng 65-70%, còn lại là đơn hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Gần đây, nhờ có làn sóng thanh toán qua ví điện tử, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt đã được cải thiện, song thực tế chưa đạt được kỳ vọng. Tăng trưởng các đơn hàng thanh toán không dùng tiền mặt chậm hơn nhiều so với số lượng đơn hàng thanh toán tiền mặt tại Viettel Post.

“Chúng tôi có hỏi khách hàng thì được biết, họ e ngại thanh toán không dùng tiền mặt vì phải mất thêm phí chuyển tiền. Đồng thời, an toàn bảo mật thanh toán điện tử vẫn khiến khách hàng lo ngại. Ngoài ra, gần 50% số đơn hàng của Viettel Post là ở nông thôn, trong khi số người dân khu vực này có tài khoản ngân hàng rất ít. Đây là những lý do khiến thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm đa số”, ông Sơn cho hay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hạ tầng thanh toán thời gian qua đã được cải thiện, các dịch vụ thanh toán cũng được mở rộng, số tài khoản cá nhân tại các ngân hàng cũng tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 6/2020, cả nước đã có khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019). Đến nay, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện qua điện thoại di động.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu, tổng giá trị lên tới 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt hơn 472 triệu, với 4,9 triệu tỷ đồng, tăng 177-178% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, NHNN cũng thừa nhận, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều thách thức. Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân có giảm bớt, nhưng chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt.

Lo ngại lừa đảo, bảo mật và thói quen khó bỏ

Theo Viettel Post, số người dân có tài khoản ngân hàng thấp, đặc biệt ở địa bàn nông thôn, là một trong những nguyên nhân khiến thanh toán phi tiền mặt tăng chậm.

Về vấn đề này, NHNN cho hay, sẽ khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014 về mở rộng tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức eKYC, cho phép người dân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng mở tài khoản, tiếp cận dịch vụ thanh toán qua kênh số để đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến người dân chưa mặn mà với thanh toán phi tiền mặt là do thói quen, chi phí chuyển tiền liên ngân hàng cao, sự bất tiện và tâm lý ngại tiếp cận công nghệ mới, cùng nỗi lo về an toàn, bảo mật. 

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) thừa nhận, thói quen sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân có giảm bớt, nhưng chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt. Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới. Tội phạm, gian lận trong thương mại điện tử có chiều hướng tăng với thủ đoạn tinh vi hơn, sử dụng công nghệ nhiều hơn cũng khiến khách hàng e dè với thanh toán điện tử.

Mặc dù thời gian gần đây, nhiều tổ chức phi ngân hàng, các công ty tài chính công nghệ (fintech) đưa ra nhiều giải pháp mới có thể bù đắp khoảng trống về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, song cơ quan chức năng còn lúng túng, chưa xây dựng được hành lang pháp lý thí điểm để vừa tạo điều kiện thúc đẩy các mô hình mới này phát triển, vừa chống gian lận, lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đề nghị, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các ngân hàng, các trung gian thanh toán cũng phải tăng cường bảo mật hệ thống, đảm bảo niềm tin cho người dân. Phấn đấu đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm 40% tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam.

Thu phí của ngân hàng chỉ mới đủ bù đắp chi phí.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh giảm phí để khuyến khích khách hàng. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp tham gia thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn, theo tôi, Chính phủ cần có những hành động, giải pháp cụ thể.

Hiện nay, doanh nghiệp thanh toán phi tiền mặt chưa được hưởng ưu đãi gì so với thanh toán phi tiền mặt, khiến họ chưa có động lực thanh toán không dùng tiền mặt. Một số ý kiến cho rằng, phí cao khiến thanh toán không dùng tiền mặt tăng chậm, song tôi khẳng định, thu phí của ngân hàng chỉ mới đủ bù đắp chi phí, chưa có lợi nhuận.

Ví dụ, với một giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, chúng tôi phải gửi 3 tin nhắn cho khách hàng, đồng nghĩa phải trả 2.700 đồng/giao dịch cho nhà mạng, cộng thêm trả 2.500 đồng/giao dịch cho Napas, như vậy tổng chi phí đã lên tới trên 5.000 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, ngân hàng Việt Nam thu phí “chưa thông minh”, gây cho người dùng tâm lý phải trả nhiều loại phí. Thời gian tới, các ngân hàng cần phải cải thiện vấn đề này.
Tháo điểm nghẽn trong thanh toán phi tiền mặt
Dù đã đạt được kết quả tích cực, song theo lãnh đạo ngành ngân hàng, vẫn còn có những điểm nghẽn cần được tháo gỡ trong thúc đẩy thanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư