Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng vẫn lãi lớn từ chênh lệch lãi vay
Vân Linh - 02/11/2021 15:26
 
Thu từ mua bán chứng khoán, dịch vụ tăng, song nguồn thu đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của các ngân hàng vẫn đến từ thu nhập thuần của hoạt động tín dụng.
Kết thúc 3 quý đầu năm, Techcombank đạt 17.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với mục tiêu cả năm là 18.900 đồng.

Thu nhập lãi thuần tăng khả quan

Ngân hàng OCB tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng khả quan nhờ áp dụng số hóa để tiết giảm chi phí. Tổng doanh thu thuần của OCB trong quý III/2021 tăng 23,3% so với cùng kỳ, đạt 6.246 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi và thu thuần ngoài lãi đều tăng trưởng tích cực. Những yếu tố khả quan từ hoạt động kinh doanh giúp lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, một trong những yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng duy trì mức khả quan trong 3 quý đầu năm là việc tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR), khi tỷ lệ này giảm từ 31,9% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 29,1% vào quý III/2021.

Trong báo cáo phân tích hoạt động của OCB, Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, CIR được ngân hàng này quản lý tốt. OCB hiện nằm trong số những ngân hàng có CIR thấp nhất nhờ đầu tư số hoá từ năm 2018.

Hoạt động chính đem về 6.515 tỷ đồng thu nhập lãi thuần cho MB trong quý III/2021, tăng 26% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của nhà băng này đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm nổi bật trong bức tranh tài chính quý III/2021 cũng như 9 tháng đầu năm 2021 tại MB là năng lực quản lý chi phí ngày càng hiệu quả. Trong khi tổng thu nhập hoạt động quý III/2021 đạt 7.027 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ, thì tổng chi phí hoạt động quý III/2021 của MB đạt 2.177 tỷ đồng, giảm 1,1% so quý III/2020.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, lãi thuần của VIB tăng đến 42% so cùng kỳ, thu về hơn 8.416 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ dịch vụ chỉ tăng 9%, còn lãi từ các hoạt động khác giảm 34% so cùng kỳ. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế tăng 33%, đạt tương ứng 5,339 tỷ đồng và 4,272 tỷ đồng.

Chi phí vốn rẻ

Tại ACB, số tiền lãi mà Ngân hàng đã giảm cho khách hàng là 203 tỷ đồng, trong khi con số tương ứng của Techcombank là 243 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả 9 tháng đầu năm, các nhà băng này vẫn báo lãi “khủng”.

Cụ thể, kết thúc 3 quý đầu năm, Techcombank đạt 17.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với mục tiêu cả năm là 18.900 đồng. Tín dụng tăng 15,7% so với đầu năm nay, khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 6.742 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, ACB đạt 9.968 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn tất 85% kế hoạch cả năm, dù tín dụng chỉ tăng 8%... Trong đó, thu nhập lãi thuần đem về hơn 4.520 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ chi phí vốn thấp, tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và kiểm soát chi phí vốn, các nhà băng đã gặt hái được lợi nhuận tích cực trong 9 tháng đầu năm và tự tin với chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho cả năm 2021, dù giảm lãi vay.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân diễn ra mới đây, Phó tổng giám đốc thường trực Techcombank, ông Phùng Quang Hưng cho biết, CASA trong quý III/2021 đạt 155.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 10% so với quý II/2021. Tỷ lệ CASA của Techcombank tại thời điểm cuối quý III là 49%, mức cao so với toàn ngành.

Thực tế, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng cao, thì càng có lợi thế trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay và có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhờ tỷ lệ CASA tăng mạnh, NIM của ACB trong 3 quý đầu năm 2021 đạt mức 4,1%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, việc áp dụng số hóa đã giúp OCB giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản, góp phần giúp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm và chi phí tín dụng cũng hạ thấp. Đây là các yếu tố chính tạo ra lợi nhuận của Ngân hàng, dù OCB đã và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, chính sách đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc trong quý III
Tín dụng khó tăng, biên lãi ròng (NIM) giảm theo xu hướng giảm lãi suất cho vay, song thực tế, lợi nhuận các nhà băng vẫn khả quan.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư