Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc trong quý III
Vân Linh - 17/10/2021 15:35
 
Tín dụng khó tăng, biên lãi ròng (NIM) giảm theo xu hướng giảm lãi suất cho vay, song thực tế, lợi nhuận các nhà băng vẫn khả quan.
Hoạt động ngân hàng khó khăn hơn trong quý III, song lợi nhuận 9 tháng vẫn tăng trưởng khả quan. Ảnh: Đ.T

Sáng - tối lợi nhuận ngân hàng quý III/2021

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau 9 tháng đầu năm của Ngân hàng NCB đạt hơn 531 tỷ đồng, tăng 45%. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao trong quý III và lũy kế 9 tháng trích gần 146 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ trích 38 tỷ đồng), ngân hàng này chỉ ghi nhận lãi trước và sau thuế tương ứng gần 206 tỷ đồng và hơn 164 tỷ đồng (gấp 7,2 lần và 7,7 lần so với cùng kỳ). Năm 2021, NCB đặt mục tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 1.000 tỷ đồng và đã thực hiện được 53% kế hoạch.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng SHB đạt 5.055 tỷ đồng lợi nhuận, so với mục tiêu 6.128 tỷ đồng. Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của SHB là 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,6%.

Trong khi đó, TPBank cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, với 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 45% so với cùng kỳ, Ngân hàng đạt 75,76% kế hoạch năm, tương đương khoảng 4.394 tỷ đồng. Các chỉ số ROA và ROE lần lượt là 2,01% và 22,59%.

Tuy nhiên, một số nhà băng không đưa ra con số lợi nhuận tuyệt đối, mà chỉ cho biết hoàn thành bao nhiêu phần trăm so mục tiêu đưa ra. Chẳng hạn, HDBank ước hoàn thành trên 82% kế hoạch cả năm sau 9 tháng đầu năm; dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước; ROE đạt 24%, tăng mạnh so với mức 21,1% cùng kỳ năm trước.

CTCP Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế của HDBank trong quý III đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm, HDBank dự kiến đạt lợi nhuận 7.700 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận của nhà băng này đưa ra cho năm 2021 là 7.281 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020.

Mặc dù lợi nhuận của ngành ngân hàng lạc quan hơn nhiều ngành khác, song ngân hàng cũng phải dành nguồn lực để dự phòng. ngân hàng phải khỏe thì mới có thể cứu được doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng

SSI cũng vừa đưa ra những con số ước tính kết quả kinh doanh quý III của 9 ngân hàng thương mại đang niêm yết trên HOSE, HNX và UPCoM. Theo đó, lợi nhuận quý III của Techcombank sẽ lên ngôi “quán quân”, với 5.200 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận của Vietcombank dự báo sẽ đi ngang ở mức 5.000 tỷ đồng. Còn lợi nhuận của MB, ACB, VPB... được kỳ vọng tăng trưởng trên 2 con số so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021, song Vietcombank vẫn được dự báo là quán quân lợi nhuận trong năm nay, với 24.300 tỷ đồng. Techcombank bám đuổi sát với 22.300 tỷ đồng, tăng gần 41%.

Tổng hợp của FiinGroup dựa trên các ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh quý III/2021 của 9 ngân hàng thương mại đang niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý III của nhóm ngân hàng này giảm 13,4% so với quý II/2021, song vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Tín dụng đi ngang

Các chuyên gia phân tích của CTCP Fiingroup cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm lợi nhuận ngân hàng là việc tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, Vietcombank và VietinBank được cho là sẽ lội ngược dòng với mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 0,9% và 4,9% so với quý trước. Điều này chủ yếu do nền so sánh thấp vì hai ngân hàng này đã tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2021.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 7/10 tăng 7,42% so với đầu năm nay, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 5,48%), nhưng không tăng so với cuối tháng 8/2021. Như vậy, dư nợ toàn nền kinh đi ngang trong tháng 9 và đầu tháng 10/2021. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước dự báo, tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và quý IV/2021.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lợi nhuận ngân hàng quý III/2021 sẽ “thấm đòn” Covid-19, do tín dụng thấp, dự phòng cao, do ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó, tín dụng thấp khiến thu nhập lãi thuần quý III của các ngân hàng giảm 2% so với quý trước.

Mặc dù đã nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch và lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi mà tổ chức tín dụng đã miễn, giảm cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi vay giảm nữa để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, vì ngân hàng lãi lớn, còn dư địa giảm lãi vay.

Tuy nhiên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú khẳng định, mặt bằng lãi suất hiện đã thấp và không thể đặt ra việc giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi đầu ra trong bối cảnh hiện nay.

Bất ngờ cơ cấu lợi nhuận ngân hàng quý II/2021
Nhiều ngân hàng vẫn dự báo tín dụng và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. Vì vậy, lợi nhuận có thể giảm đáng kể vì hỗ trợ doanh nghiệp,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư