Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lợi nhuận ngân hàng tăng, nhưng cổ phiếu “vua” mất điểm
Vân Linh - 19/07/2021 09:05
 
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có nhiều phiên giảm điểm trong tuần qua, thậm chí không ít mã giảm kịch sàn, cho dù kết quả kinh doanh rất khả quan trong nửa đầu năm nay.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có không ít phiên giảm mạnh trong tuần qua.

Lợi nhuận tăng mạnh

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 ghi nhận lợi nhuận kỷ lục của các nhà băng. Các ngân hàng chạy đua tăng tỷ trọng vốn rẻ, trong khi lãi cho vay giảm chậm, khiến lợi nhuận càng bội thu. Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và bằng 57,8% kế hoạch cả năm.

Tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Vietcombank cho biết, 6 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, như huy động vốn thị trường 1 đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2020; dư nợ tín dụng đạt trên 920.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2020; tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao, ở mức 11,9% so với cuối năm 2020, chiếm 54,8% tổng dư nợ tín dụng.

Trong khi đó, lợi nhuận hợp nhất của MB đạt gần 8.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 56% so với cùng kỳ. Riêng lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 7.038 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Các chỉ số quản trị của MB cũng duy trì mức tốt, như tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đạt khoảng 28,6%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi hơn 30%, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/bình quân đầu người cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ.

TPBank cũng vừa công bố mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.007 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước.

Còn VietinBank đạt khoảng 13.000 tỷ đồng lợi nhuận qua 6 tháng đầu năm, tăng tới 75% so với cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, MSB công bố ước tính lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 2.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt tới 85% kế hoạch năm 2021.

Cổ phiếu “vua” mất điểm

Mặc dù lợi nhuận bán niên được các nhà băng hé lộ tăng mạnh, song nhóm cổ phiếu ngành này đã có không ít phiên giảm mạnh trong tuần qua. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu “vua” đã giảm kịch sàn ở nhiều phiên.

Cụ thể, mã VCB của Vietcombank giảm gần 7% trong tuần qua, còn 102.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 16/7; VPB của VPBank giảm 6,25%, xuống 64.500 đồng/cổ phiếu từ mức 72.700 đồng/cổ phiếu ở phiên ngày 7/7; CTG của VietinBank giảm gần 8%, xuống 34.650 đồng/cổ phiếu; TCB của Techcombank giảm gần 9%, từ 56.000 đồng/cổ phiếu xuống 51.600 đồng/cổ phiếu; LPB của LietVietPostBank giảm 5% về 27.450 đồng/cổ phiếu; MBB của MB giảm trên 6%, xuống 29.100 đồng/cổ phiếu...

Đáng chú ý hơn, với nhóm cổ phiếu của ngân hàng nhỏ đang giao dịch trên sàn UPCoM còn có mức giảm mạnh hơn cổ phiếu “vua” niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) và sàn Hà Nội (HNX). Trong đó, BVB của VietCapitalBank là cổ phiếu ngân hàng mất giá mạnh nhất trong gần 2 tuần qua, giảm tới 23,2% kể từ phiên 6/7, đóng cửa ngày 16/7 ở mức giá 19.000 đồng/cổ phiếu. Còn nếu so với mức đỉnh từng đạt được hồi đầu tháng 6/2021 thì BVB đã giảm giá tới 26%.

Ngoài ra, các mã PGB (PG Bank), NAB (Nam A Bank), VBB (VietBank), KLB (kienlongbank) đều có mức giảm trên dưới 15% trong 2 tuần qua. Hiện giá cổ phiếu của các nhà băng này đã giảm về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 16/7 so với mức đỉnh trên dưới 26.000 đồng/cổ phiếu của đầu tháng 7.

Các chuyên gia phân tích của SSI nhận định, giá cổ phiếu đã phản ánh dự báo về kết quả kinh doanh tăng trưởng 50 - 60%. Nếu nhìn vào nửa cuối năm 2021, bức tranh ngân hàng sẽ không còn thấy các con số như trong nửa đầu năm, nên giá cổ phiếu “vua” cũng dần được phản ánh.

SSI Research khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng hơn với nhóm cổ phiếu ngân hàng do triển vọng tích cực từ việc tăng vốn, xử lý nợ xấu... đã phần nào phản ánh vào giá. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có mức định giá không còn rẻ trong ngắn hạn, nên có khả năng sẽ còn điều chỉnh, dòng tiền có thể dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu khác có mức tăng trưởng và định giá thấp, như các ngành bất động sản và bán lẻ.

Đà tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cũng được nhận định sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), nếu nhìn vào bức tranh cả năm, ngân hàng sẽ vẫn tăng trưởng tốt, với mức tăng khoảng 33% so với năm ngoái (ước tính với 17 ngân hàng niêm yết).

Nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm kịch sàn
Trái ngược với phiên hôm qua và sáng nay, cổ phiếu của nhiều ngân hàng ngập trong sắc đỏ, giảm kịch sàn trong phiên chiều ngày 6/7 trong xu hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư