Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng vẫn tấp nập phát hành, bán chéo trái phiếu cho nhau
T.L - 12/09/2021 09:28
 
Trong tháng 8/2021, các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu thị trường về phát hành trái phiếu và vẫn là bên mua lại trái phiếu ngân hàng lớn nhất.
f
Ngân hàng tiếp tục là bên phát hành và bên mua trái phiếu (trực tiếp và gián tiếp) lớn nhất thị trường.

Số liệu của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong tháng 8/2021 có tổng cộng 52 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng giá trị phát hành 10.854 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng giá trị phát hành. 

Luỹ kế 8 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 308.517 tỷ đồng. Trong đó, có rất nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 (có 2.324 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, VietinBank, VIB, MB và Viet Capital Bank.

Lãi suất phát hành các trái phiều tăng vốn cấp 2 chủ yếu là LS thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm 4 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank), dao động từ 6.1% đến 7.6%/năm. Các ngân hàng khối lượng phát hành lớn gồm: VPBank (2.630 tỷ), OCB (2.000 tỷ), SHB (1.400 tỷ), đều là các trái phiều kỳ hạn 2-4 năm, lãi suất cố định 3,5%-4,2%/năm.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhóm ngân hàng thương mại vẫn là bên phát hành lớn nhất thị trường  trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 116.100 tỷ đồng. Trong đó có 24.186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, chiếm 20,8%; trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 - 4 năm chiếm 78,3% , lãi suất thấp dao động từ 3% - 4,2%, cố định trong toàn bộ thời hạn của trái phiếu.

Cũng tương tự các tháng trước, trong tháng 8/2021, đứng ở vị trí á quân về phát hành trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản với giá trị phát hành 8.950 tỷ đồng, nâng khối lượng lũy kế phát hành 8 tháng lên 107.980 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8% - 13%/năm.

Không chỉ dẫn đầu về lượng phát hành, ngân hàng thương mại còn là bên mua trái phiếu ngân hàng lớn nhất thị trường (mua bán chéo trái phiếu cho nhau nhau) bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua công ty chứng khoán.

Theo đánh giá của SSI, việc ngân hàng tăng cường bán chéo trái phiếu cho nhau là bởi theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành trên sơ cấp của tổ chức tín dụng khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên sơ cấp sau đó bán lại cho các tổ chức tín dụng khác.Tuy vậy, quy định này đã được gỡ bỏ nên các ngân hàng thương mại đã có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên sơ cấp từ ngày 17/5/2021.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp theo hướng siết chặt hơn nữa hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng.

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Rủi ro hiện hữu, vẫn cháy hàng nhờ lãi suất cao
Doanh nghiệp bất động sản đang rầm rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Song, Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp có thể mất khả năng chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư