Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 07 năm 2024,
Ngăn HIV tấn công giới trẻ
D.Ngân - 14/07/2024 20:29
 
Dịch HIV đang tấn công vào giới trẻ, điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn vấn nạn này nếu không hậu quả khôn lường.
TIN LIÊN QUAN

Tăng cao ca nhiễm mới phát hiện

Nói về thực tế HIV đang tấn công giới trẻ, BSCKI Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương lo lắng, Bình Dương phát hiện ca nhiễm HIV nhỏ tuổi nhất chỉ 14, lây nhiễm qua bán dâm đồng giới.

Ảnh minh họa.

"Chúng tôi không biết các em có bao nhiều bạn tình là người lớn hay trẻ vị thành niên. Nếu không được xét nghiệm và điều trị, các em sẽ lây cho F1, F2… và con số này sẽ nhân lên rất nhiều", vị này lo lắng.

Nguyên nhân gia tăng giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên nhiễm HIV ở khu vục phía Nam là do nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM (đồng giới) do nhóm này di biến động thường xuyên, không thích sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, khó tiếp cận để tư vấn, cũng như đưa vào điều trị dự phòng...

Tại An Giang, số ca nhiễm HIV là người MSM chiếm 40% tổng số ca mắc; so với 5 năm trước đã tăng gấp hơn 8 lần. Bác sĩ Dương Anh Linh, Phó Giám đốc CDC An Giang cho biết, theo dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2020-2023, dịch HIV tại An Giang có xu hướng tăng trở lại và tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm MSM trẻ. Nhưng tỉnh chưa tiếp cận tuyên truyền được vào trường học và khu công nghiệp.

Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về việc cần phải thay đổi chiến lược can thiệp truyền thông và thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng trẻ.

Tương tự, Đồng Tháp cũng chưa tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS vào được các trường THPT và THCS. Vì vậy, lứa tuổi học sinh ở đây kiến thức về phòng chống HIV/AIDS còn rất yếu, dẫn đến các em dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, sa ngã và lây nhiễm HIV.

Điều này khiến các cán bộ làm công tác phòng chống HIV rất trăn trở, lo lắng và tới đây phải có kiến nghị, giải pháp để đẩy mạnh truyền thông tới các đối tượng này.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, số ca nhiễm mới trong 5 tháng đầu năm có 84,4% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (39%) và 30 - 39 (31%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (74.2%).

Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (41.1%) và đối tượng khác (35.9%). Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TP.HCM từ 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.

Khi đi thực tế tại nhiều địa phương phía Nam, phóng viên được các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) ở đây cho biết, có 4 khó khăn lớn mà họ đang gặp phải trong quá trình tiếp cận tuyên truyền phòng, chống HIV là: Độ tuổi xét nghiệm, tuyên truyền vào trường học, tiếp cận cộng đồng MSM và không chi trả lương và trợ cấp cho người thực hiện cung cấp các dịch vụ tại cộng đồng. Đây là những cản trở lớn nhất để kéo lùi và làm chậm tiến trình kết thúc đại dịch.

Ngăn dịch tấn công giới trẻ

HIV đang tấn công mạnh vào giới trẻ, nhưng tuyên truyền đến đối tượng là học sinh cấp 2, cấp 3 vẫn còn khoảng trống, nếu chậm trễ, e rằng hậu quả rất khó lường.

Trương Hoàng Bảo Ngọc, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới LGBT (cộng đồng những người có giới tính đặc biệt) An Giang cho biết, mạng lưới rất khó khăn khi không có tư cách pháp nhân, không kết nối với các doanh nghiệp xã hội và rất khó để truyền thông về cách sử dụng thuốc PrEP dự phòng HIV ở các khu công nghiệp, trường học, vùng sâu, biên giới.

Hay Danh Tùng, Trưởng nhóm CBO The Sun ở Kiên Giang cũng cho hay, doanh nghiệp rất khó và gần như không thể vào các trường học để tuyên truyền kiến thức về phòng, chống HIV và sử dụng thuốc PrEP nếu không có sự giúp đỡ của CDC và Sở Giáo dục và Đào tạo.

Để ngăn chặn HIV tấn công giới trẻ, trong thời gian tới, CDC các tỉnh cần tập trung phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo, các nhóm CBO, doanh nghiệp xã hội đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV vào trường học, đặc biệt là các trường THPT, THCS để các em có kiến thức phòng tránh, mang đến sự khoẻ mạnh cho thế hệ tương lai của đất nước.

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như các văn bản hướng dẫn luật đều đã quy định nhóm MSM là nhóm ưu tiên trong chương trình can thiệp phòng, chống HIV/AIDS và khuyến khích việc huy động các tổ chức cộng đồng tham gia triển khai các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm cho nhóm này”, bác sĩ Thuỷ cho biết.

Theo ý kiến của nhiều CDC các tỉnh, Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định trẻ dưới 15 tuổi phải có người giám hộ mới được thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV dương tính và đưa vào điều trị.

Nhưng hiện nay, có nhiều trẻ dưới 15 tuổi đã mắc căn bệnh thế kỷ nhưng cha mẹ từ chối giám hộ cho con và những đứa trẻ này không được xét nghiệm để điều trị kéo dài sự sống.

Theo bác sĩ Vương Thế Linh, nếu các em không được can thiệp sớm bệnh tình diễn biến xấu nhanh. Vì vậy, luật cần sửa đổi theo hướng giảm độ tuổi được xét nghiệm khẳng định HIV để CDC tỉnh có thể đứng ra bảo lãnh giúp các em nhỏ xét nghiệm và điều trị. Việc này cần sớm được thực hiện với sự tham gia, vào cuộc của nhiều ban ngành, trong đó Bộ Y tế phải tham mưu chính sách để sửa đổi luật.

HIV đã tấn công vào học sinh, sinh viên và không còn thời gian để chờ đợi nữa, cần thiết phải có sự phối hợp và vào cuộc của ngành giáo dục, y tế, của UBND các tỉnh, TP để có giải pháp bảo vệ các em ở lứa tuổi này khỏi căn bệnh thế kỷ.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong 5 tháng đầu năm 2024, số người nhiễm HIV ở Việt Nam được phát hiện tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam và các TP lớn. Đặc biệt, Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới hơn 71% số người nhiễm mới phát hiện.

Trong số người mới phát hiện ở khu vực này có tới 81% là lây truyền qua đường tình dục, đối tượng MSM chiếm 52% và nhóm trẻ tuổi 15-29 chiếm tới 44,4%, nhóm 30-39 cũng chiếm tỷ lệ lớn tới 30,2%.

Theo ước tính, đến nay cả nước có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Mỗi năm, Việt Nam phát hiện hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới, để đạt mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư