Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Ngân sách thiệt hại 5.000 tỷ nếu lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước
Kỳ Thành - 21/10/2019 18:44
 
Mặc dù đa số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, song Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu cần kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành các nghị định, gây thiệt hại cho ngân sách.

Chậm ban hành các văn bản do không lường trước được khó khăn, phức tạp

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày “Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước” tại Quốc hội chiều nay, 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là chính sách lần đầu tiên được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 của Việt Nam.

Bên cạnh thuế tài nguyên đã thu từ nhiều năm trước, đây là một khoản thu thêm nhằm mục đích yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước nâng cao trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Để triển khai thi hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ được giao xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo đó, ngày 28/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/ NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/01/2014, chậm 2 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành; ngày 17/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 01/9/2017, chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, việc ban hành chậm các Nghị định nêu trên là do trong quá trình xây dựng các Luật, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp như đối với tài nguyên khoáng sản, các thông số tính tiền là trữ lượng và chất lượng của từng mỏ, từng loại khoáng sản.

Việc ban hành chậm các nghị định cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, của cơ quan chủ trì soạn thảo chưa chủ động, chưa kịp thời báo cáo, đề xuất để tháo gỡ khi gặp khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, việc nhận thức về thẩm quyền quyết định thời hạn áp dụng việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa đầy đủ, nên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định chưa kịp thời trình Quốc hội để xem xét, quyết định thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Bên cạnh những vấn đề do xây dựng, ban hành nghị định, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay khi hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng gặp phải khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, sau khi các nghị định nêu trên có hiệu lực, nếu tính tiền cấp quyền cho giai đoạn trước (từ ngày 01/7/2011 đến ngày 20/01/2014, đối với khai thác khoáng sản và từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/8/2017, đối với khai thác tài nguyên nước) thì dự tính số tiền khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Trên thực tế, số tiền nêu trên mới là dự tính và thực chất khi chưa thu khoản này thì đã nằm trong thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thuế khác, các khoản phí đã được các doanh nghiệp thực hiện và cũng đã được hạch toán, trích, lập các loại quỹ.

Cùng với đó, trong các giai đoạn nêu trên, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước đã quyết toán chi phí từng năm, đã nộp các khoản thuế, phí cho Nhà nước, trích quỹ theo quy định như đã nêu trên... nếu hồi tố thì phải khấu trừ các khoản thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành Nghị định

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, về vấn đề này, trong Ủy ban Kinh tế có 2 ý kiến.

Thứ nhất, đa số ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ và cho rằng việc truy thu số tiền nêu trên là khó khả thi do các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đã quyết toán, công bố lỗ, lãi, nộp các khoản thuế và phân chia lợi nhuận, có những tổ chức đã giải thể, phá sản; các dự án, công trình đã được cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trước đây đến nay có thể không còn hoạt động/sử dụng hoặc đã chuyển cho tổ chức, cá nhân khác.

Mặt khác, để thu được số tiền của hai lĩnh vực nêu trên, Nhà nước có thể sẽ phải bỏ số tiền không nhỏ cho nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, công tác thẩm định, công tác thu, xử lý khiếu nại... Ngoài ra, cũng cần tính đến tác động ảnh hưởng của việc truy thu đến môi trường đầu tư kinh doanh (trong đó có cả các doanh nghiệp nước ngoài), đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác không tán thành với việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, đồng thời cho rằng, việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật dẫn đến những khó khăn vướng mắc như nêu tại Tờ trình là trách nhiệm của Chính phủ.

Các lý do nêu ra tại Tờ trình dẫn đến chậm ban hành Nghị định cũng không hợp lý; để bảo đảm kỷ cương pháp luật, cần thực hiện triệt để, nghiêm minh các quy định của Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước… Việc cho lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật với lý do chậm ban hành Nghị định hướng dẫn cũng sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, ông Thanh nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Về hồ sơ trình Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Tờ trình của Chính phủ mới chỉ đề cập đến những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chậm ban hành Nghị định nên chưa thu được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của luật. Do đó, đề nghị Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước ảnh hưởng như thế nào đến việc thu ngân sách nhà nước.

Nhắc lại việc chậm ban hành 2 Nghị định đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, “đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn”.

Do đó, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định.

Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng
Trước những diễn biến phức tạp tại biển Đông thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư