Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Ngành điện: Giá tốt sẽ hút được nhà đầu tư
Thế Hoàng - 23/07/2020 08:48
 
Nhiều dự án nguồn điện của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp đáng kể cho ngành điện.
Đã có 11 Dự án điện gió với tổng công suất hơn 400 MW đi vào hoạt động.
Đã có 11 dự án điện gió với tổng công suất hơn 400 MW đi vào hoạt động.

Yếu tố quan trọng nhất là cơ chế giá

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về mối tương quan giữa chính sách giá điện và các nguồn lực ngoài nhà nước vào đầu tư năng lượng.

Tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch” được tổ chức tuần trước, một lần nữa câu chuyện giá nào để hút được vốn đầu tư tư nhân lại được đặt lên bàn. Lần này là với chính các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thông điệp rất rõ, phía nhà nước hiểu rõ, yếu tố quan trọng nhất để thu hút đầu tư là cơ chế giá.

“Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận, thì họ sẽ đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để đảm bảo nguồn lợi nhuận này", ông  Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đơn cử trường hợp của Tập đoàn Trung Nam với dự án đầu tư trạm biến áp và đường dây truyền tải 220 kV/500 kV với mục tiêu đầu tiên là giải tỏa công suất cho Dự án điện mặt trời 450 MW của chính doanh nghiệp và sau đó cho một vài dự án khác trong khu vực được hưởng lợi theo. 

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, nhiều dự án nguồn điện lớn của nhà đầu tư nước ngoài được triển khai theo hình thức BOT hay làn sóng đổ bộ vào năng lượng tái tạo đã đóng góp rất đáng kể cho ngành điện. Một mặt, giảm áp lực, giảm gánh nặng trong việc thu xếp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, tham gia phát triển nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Đến nay, ngoài 4 dự án BOT lớn là Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Mông Dương 2 và Vĩnh Tân 1 do nhà đầu tư nước ngoài xây dựng đã đi vào vận   hành, cũng có 99 dự án điện mặt trời với tổng quy mô công suất hơn 5.000 MW đã phát điện lên lưới. Đối với điện gió, có khoảng 10 dự án với tổng quy mô công suất 400 MW cũng đã đi vào hoạt động…

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là, phía cơ quan nhà nước phải xác định rõ trách nhiệm trong bài toán giá điện khi muốn kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Kỳ vọng cơ chế đồng bộ

Là doanh nghiệp tư nhân tham gia vào đầu tư năng lượng từ sớm, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam đã đọc kỹ Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. và đặt nhiều kỳ vọng về những chuyển động mới tới đây trong ngành năng lượng.

“Tôi đặc biệt quan tâm tới  hai nội dung. Một là, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư năng lượng. Hai là, xóa bỏ độc quyền, rào cản để tư nhân tham gia vào năng lượng, trong đó có truyền tải”, ông Tiến chia sẻ quan điểm.

Hiện tại, đường dây truyền tải trục xương sống của quốc gia đang do Nhà nước độc quyền đầu tư và quản lý vận hành bởi liên quan đến an ninh năng lượng. Đối với ông Tiến và nhiều nhà đầu tư tư nhân, việc đầu tư đường dây truyền tải điện xuyên quốc gia cũng là quá lớn, nhưng nhà đầu tư tư nhân cũng mong muốn tham gia ở phạm vi hẹp. Tuy nhiên ngay cả vậy, bài toán mà các nhà đầu tư đưa ra không hề dễ. Đó là họ cần có quy hoạch, có sự khuyến khích của Chính phủ thông qua cơ chế giá tốt và sự cùng tham gia của ngân hàng, tổ chức tín dụng…

“Khi đầu tư vào truyền tải, chúng tôi cần biết rõ cơ chế vận hành như thế nào, thuê lại như thế nào để tính toán phương án đầu tư, kinh doanh. Đề nghị Bộ Công thương phải thúc đẩy hoàn thiện cơ chế này. Chúng tôi biết rằng, đây không phải việc một sớm một chiều, nhưng nếu chậm thì cơ hội sẽ chỉ là cơ hội…”, ông Tiến thẳng thắn nói.

Sẽ bàn tới cơ chế đấu thầu, xác định giá cạnh tranh, bảo đảm minh bạch

Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương)

Chúng ta đang phát triển năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió đều thông qua mức giá cố định, cơ chế giá cố định. Cơ chế này phù hợp với các quốc gia mới phát triển, khi thị trường năng lượng tái tạo đang “non trẻ”, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân.

Mặc dù cơ chế này thời gian qua phát huy hiệu quả rất tốt, thu hút được đầu tư, nhưng thị trường phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đã trưởng thành, cần tính tới cơ chế phù hợp hơn. Tới đây, chúng ta sẽ bàn tới cơ chế đấu thầu, xác định giá cạnh tranh để bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, công bằng, đồng thời bảo đảm hiệu quả cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Bài toán giá điện - mấu chốt để thu hút đầu tư
Để huy động được nguồn lực mới ngoài vốn nhà nước đầu tư cho năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, đòi hỏi cơ chế giá điện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư